Bữa cơm nhà tôi

Vệ Giang,
Chia sẻ

Bữa ăn đâu chỉ là để ăn, mà là cuộc sum họp mỗi ngày của gia đình, khi bếp không nổi lửa thì tổ ấm dễ trở thành tổ lạnh.

Tôi là một phụ nữ không mấy khéo tay trong chuyện nấu nướng. Hồi chưa có chồng, mọi việc bếp núc mẹ tôi... giành làm hết nên tôi đâm vụng. “Ra ở riêng” tôi phải lăn vào bếp, dù nhiều lúc chồng tôi phải vào phụ, chỉ tôi làm món này món nọ cho hợp gu của anh.

Khi có con, tôi chỉ yên tâm khi chính mình nấu cho con ăn. Nào đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, biết ý con thích món gì. Không gì sung sướng hơn khi được con khen: - Mẹ là người nấu ăn ngon nhất! Chồng tôi tủm tỉm cười: - Chứ còn ai vào đây nữa. Nói khác đi là... đói đó con!  

Công việc tôi ngày càng nhiều, càng bận rộn, tất nhiên thu nhập cũng cao hơn. Không ít lần tôi muốn hàng ngày để chồng con ăn cơm bụi, cơm văn phòng cho khỏe thân, tôi còn có thời gian nghỉ ngơi, giải trí... Thử nghiệm một vài tuần, tôi hết hồn vì thấy nhà mình sao lạnh ngắt.  

Chồng tôi đi ăn nhân tiện nhậu nhẹt luôn, mấy đứa con nhiều khi cả ngày không gặp mặt, không biết chúng làm gì. Hóa ra bữa ăn đâu chỉ là để ăn, mà là cuộc sum họp mỗi ngày của gia đình, khi bếp không nổi lửa thì tổ ấm dễ trở thành tổ lạnh.

Thế là dù bận rộn đến đâu tôi cũng sắp xếp ít nhất mỗi ngày gia đình tôi được ăn chung với nhau một bữa.  

Buổi sáng mấy đứa nhỏ đi học sớm không ăn cùng được nhưng tôi và ông xã vẫn ăn sáng ở nhà vừa điểm báo, uống cà phê, xem tin buổi sáng trên ti vi rồi mới đi làm... Dần dần rồi ông xã tôi thích ăn sáng ở nhà hơn vì cùng ngần ấy thời gian chúng tôi “nạp” được rất nhiều, từ năng lượng cho đến thông tin.  

Buổi trưa thì hơi khó ăn chung nhưng buổi tối dù trễ mọi thành viên đều cùng về ăn tối. Tôi thường lưu trong điện thoại một câu nhắn gọi mọi người về ăn cho đông đủ. Để cho nhanh, cả nhà tôi cùng vào bếp, người vo gạo, người nhặt rau, người chiên cá, các con vừa làm vừa kể chuyện trường lớp, bạn bè, cha mẹ lắng nghe hoặc góp ý cho con điều gì cần...  

Nhà tôi vốn có óc hài hước nên mọi sai sót lẫn công trạng đều biến thành chuyện cười. Riêng tôi quan sát cách ăn uống của cả nhà biết người nào khỏe hay không, có gì buồn vui, vì không gì thể hiện được sức khỏe hay tâm trạng người ta bằng cách ăn uống để kịp thời hỏi han, chăm sóc, chia sẻ.  

Nhiều khi một lời động viên kịp thời khiến người đó ăn ngon miệng trở lại ngay lập tức. Nhìn các con ăn hau háu, mọi thứ hết veo, lòng tôi dâng lên một niềm hạnh phúc vô hạn.  

Con trai lớn tôi đã tốt nghiệp đại học và làm việc trong một khu công nghệ cao với điều kiện làm việc không thua gì những nước tiên tiến. Sau một thời gian ăn cơm trưa văn phòng cháu rất ngán nên đòi mẹ nấu để cháu mang theo ăn trưa.  

Mỗi khi ăn cơm xong cháu thường nhắn tin vào điện thoại của tôi “Mẹ ơi, cơm canh hết sạch rồi!”, hoặc “Mẹ làm cơm ngon wá!”. Tôi đọc những dòng tin nhắn ấy mà cứ nở nang từng khúc ruột.  

Có lúc nó còn nói “Ước gì sau này con có vợ nấu ăn ngon như mẹ!”. Tôi nghe mà mắc cỡ quá chừng, nhưng có lẽ đứa con nào cũng thấy mẹ mình là người nấu ăn ngon nhất, bởi chúng đã quen với khẩu vị ấy từ nhỏ.  

Trong thời buổi thực phẩm tăng giá, vệ sinh an toàn thực phẩm ở quán xá còn nhiều vấn đề, chồng tôi thấy vợ mình quả là “có lý” khi bận trăm công nghìn việc vẫn chịu khó nấu cơm cho chồng con ăn mỗi ngày.

 

 

Theo Vệ Giang  
PNVN 
 
Chia sẻ