Bi kịch trong những gia đình rổ rá cạp lại
Chẳng phải sau một lần kết hôn, người ta tích lũy được một kho kinh nghiệm và chắc chắn sẽ thành công với những cuộc hôn nhân mới. Càng sống, người ta bắt buộc phải suy nghĩ nhiều hơn khi học bài học về tình yêu, tình thương của mình.
Những ngày yêu Hải, Nga quen dần với việc chăm sóc Hưng, con riêng của Hải. Cô mua cho thằng bé những món đồ chơi, kiểm tra bài vở và giúp nó làm bài, thỉnh thoảng còn đón và dẫn nó đi chơi khi Hải bận. Cô thương Hải đã bận rộn việc công ty, lại phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Cô thương thằng bé bất hạnh vì có một người mẹ thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm, bỏ rơi con mà không hề ngoái lại chăm sóc, dù chỉ một lần.
Dù phải chia sẻ tình yêu cho con riêng của chồng, dù nhiều người nói ra nói vào, song cô hiểu mình yêu Hải và sẵn sàng chấp nhận tất cả. Có học, có nghề nghiệp ổn định, cô tin mình sẽ bù đắp được những thiệt thòi cho thằng bé và mang đến cho Hải những ngày hạnh phúc.
Hoàn cảnh của Nga không đặc biệt trong đời sống hiện nay, khi ly hôn đang dần trở nên phổ biến. Theo bạn bè, Hải là người may mắn. Song không phải vậy.
Muốn chứng tỏ mình tốt hơn người vợ cũ, người đã bỏ cha con anh ra đi, Nga đã tự đặt áp lực lên vai mình và cả cho thằng bé. Cô muốn nó học giỏi, muốn nó có một nền giáo dục gia đình nền nếp. Nhưng Nga càng ép, thằng bé càng ì ra, chây lười và nhiều khi còn ngỗ ngược. Nga khổ sở vì cảm giác những cố gắng của mình bị đổ sông đổ biển.
Giờ cô mới thực sự nghĩ rằng mình đã thiệt thòi khi phải gánh thêm đứa con riêng của chồng. Sự lười biếng và sa sút trong học tập của thằng bé làm bầu không khí gia đình mới của cô ngột ngạt.
Dù lương khá cao, nhưng thu nhập của Nguyên hằng tháng đều phải chia năm xẻ bảy. Anh phải gánh phần chi phí nuôi hai cô con gái của anh với vợ trước, hiện chưa đến tuổi thành niên. Khi ly hôn, với khả năng kinh tế vững vàng, anh chấp nhận mức phụ cấp khá cao, miễn có thể rũ bỏ gia đình cũ để đến với Hằng, cô vợ trẻ trung mà anh coi như một nửa đích thực của đời mình.
Nhưng với Hằng thì không phải như vậy. Nhất là từ khi có con nhỏ, cô phải bỏ công việc để toàn tâm toàn ý lo cho chồng, cho con. Cô bắt đầu sợ những buổi tối đằng đẵng khi Nguyên vắng nhà, miệt mài với núi công việc ở công ty. Cô dằn vặt anh. Nguyên bảo anh đi làm vì gia đình, vì vợ con, chứ có đi chơi đâu. Cô trả lời: Anh vì vợ con nào? Đâu phải chỉ riêng mẹ con em?
Những vết thương dù có làm người ta đau đớn tột cùng, nhưng nếu không tái phát cũng sẽ dịu dần theo thời gian. Trong khi, dù chỉ là một vết xước, nhưng ngày ngày tháng tháng lặp đi lặp lại, đến lúc nào đó nó sẽ nhiễm trùng. Hằng không thể chia sẻ được những mất mát mà hai đứa con riêng của chồng phải gánh chịu. Cô càng không thể chịu được những gánh nặng mà chồng phải chu cấp, nhất là khi Nguyên phải lao vào việc kinh doanh để đảm bảo kinh tế gia đình. Không hẳn vì Hằng chỉ nghĩ đến tiền, nhưng thực lòng, cô ngày càng cảm thấy khó khăn…
Chẳng lẽ lại ly hôn vì Nguyên chu cấp cho vợ con cũ? Chẳng phải ngày xưa, cô đã nói sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được sống cùng anh đó sao? Cái bóng của người vợ cũ và những đứa con ám ảnh cuộc sống của Hằng. Những khi buồn cô nghĩ: đó chính là cái giá mình phải trả, khi lao vào giữa gia đình của người ta.
Cố gắng yêu thương hay cố gắng hiểu biết?
Chẳng phải sau một lần kết hôn, người ta tích lũy được một kho kinh nghiệm và chắc chắn sẽ thành công với những cuộc hôn nhân mới. Càng sống, người ta bắt buộc phải suy nghĩ nhiều hơn khi học bài học về tình yêu, tình thương của mình.
Bài học của tình yêu thương đôi khi cũng phải trả giá: không phải cứ yêu thương là có thể mang lại tất cả cho người tiếp nhận. Ai đó trong trường hợp này đã đúng khi nói rằng, một tình yêu nồng nàn sưởi ấm con tim này đôi khi sẽ làm bỏng một trái tim khác. Đặt tất cả tình yêu thương vào một người nhưng không hiểu hết “sức chứa” và khả năng của người đó, vẫn có thể gây một hiện tượng “bội thực” và một phản ứng ngược làm khổ cả hai bên.
Hơn ai hết, người phụ nữ nhạy cảm với những nỗi đau này. “Khác máu tanh lòng”, một biểu hiện nhỏ của người mẹ thứ hai có thể trở thành khởi đầu cho những ý nghĩ tiêu cực trong tâm trí con trẻ, và cả trong tâm trí người bạn đời. Vậy nên, sự hiểu biết - “truyền thống gia đình” – trong trường hợp này cần được đặt lên vị trí ưu tiên số một. Khi những cá thể khác nhau hợp lại thành một hệ thống phức tạp như gia đình, điều quan trọng chưa hẳn đã là phải cố gắng yêu thương, mà là sự hiểu biết.
Ngày càng nhiều cặp vợ chồng trẻ chọn ly hôn như một cách giải phóng cá nhân, nhưng chặng đường sau ly hôn ít được ai quan tâm tìm hiểu. Xây lại một mái ấm, xây lại một gia đình là việc khó khăn hơn rất nhiều so với lần thứ nhất. Vì thế, mỗi người cần được trang bị những kỹ năng cần thiết, để không phạm sai lầm đáng tiếc.