Bi kịch "lửa gần rơm"

,
Chia sẻ

Một tình yêu âm thầm nảy nở, mãnh liệt trong sự chủ quan mà ngay chính người trong cuộc cũng không ngờ có ngày mình vướng vô tình cảm đầy tội lỗi này.

Dường như không có lối thoát cho chuyện "ngoài luồng" giữa những người thân trong nhà: anh rể - em vợ, chị dâu - em chồng, chị vợ - em rể, anh chồng - em dâu...

Khi tình yêu mắc tội

Quán cóc bên bờ kênh Nhiêu Lộc (Q.3. TP.HCM) một chiều mưa vắng khách, hàng xóm thấy "xốn mắt" khi chứng kiến cảnh anh Hoàng ngồi "chén tạc chén thù” với người chị vợ tên Thảo. Chồng chị Thảo là công nhân xây dựng cầu đường, thường xuyên đi làm xa. Ở nhà trông con cũng buồn, vợ chồng chị bàn nhau mở quán nhậu để kiếm thêm thu nhập. Ít vốn, lại không rành chuyện buôn bán nên quán của chị thường vắng khách. Những lúc rảnh, anh Hoàng ra ngồi lai rai vài ly, gọi là ủng hộ. Sẵn có tửu lượng khá, chị Thảo cũng hay góp vui với em rể bằng cách ngồi chung bàn góp chuyện. Và những ly rượu đã nhấc họ bay đến một chân trời khác.
 
Nghe nói gần nói xa, chồng chị Thảo quyết định dẹp quán nhậu, mở một phòng karaoke nhỏ tại nhà. Không ngờ, đó lại là điều kiện để tình cảm giữa ông em rể và bà chị vợ thăng hoa. Biết chuyện, chồng chị Thảo quyết định dẹp quán karaoke nhưng đã quá muộn. Gia đình rối tung, vợ anh Hoàng đòi ly hôn và không nhìn mặt chị gái, chồng chị Thảo dọa chém vợ nếu bắt gặp hai người đi với nhau. Sự việc càng rối bời khi họ quyết định chia tay chồng, chia tay vợ để đến với nhau. Nhưng khi Hoàng ly hôn được với vợ thì Thảo lại không thể dứt ra khỏi chồng. Một thời gian sau, Hoàng đã phải ôm con đi nơi khác sinh sống vì không chịu được tiếng đời.

Đôi vợ chồng trẻ Khánh và Lan từ Đồng Tháp lên TP.HCM thuê nhà mở cửa hàng bán đồ điện. Làm ăn hanh thông, cửa hàng cần thêm người phụ việc, đó là lý do Lan đưa cô em gái tên Phượng (đang học CĐ) về ở chung. Phượng vừa đi học vừa lo phụ anh chị bán hàng. Phượng vốn rất nể trọng anh rể - người đàn ông giỏi làm ăn, không rượu chè, không bài bạc và sống rất tình cảm. Nhưng cũng chính từ đó, mối quan hệ giữa Phượng và anh rể nhanh chóng... phát triển.

Có những lúc do việc kinh doanh quá bận rộn, Lan nhờ luôn cô em gái việc mua sắm quần áo, chăm lo cơm nước cho chồng. Trong nhà, Phượng cũng được giao việc giặt quần áo, dĩ nhiên không ngoại trừ quần áo của anh rể. Thỉnh thoảng Lan còn vô tư đùa: "Phượng là bà hai của anh Khánh". Khánh được thể, một câu bà hai, hai câu bà hai với em vợ. Những đợt Khánh ốm, không thể bỏ việc ở cửa hàng, Lan cũng phải nhờ Phượng vào viện chăm sóc anh. Dần dà, thấy tiện, cứ việc gì cảm thấy Phượng làm được là Lan giao hết. Điều thật lạ là cô em rất vui vẻ khi được giao việc.

Tình hình trở nên nghiêm trọng khi Lan sinh con đầu lòng, phải về Đồng Tháp để mẹ ruột chăm sóc. Phượng càng có nhiều cơ hội để thể hiện sự quan tâm, chăm sóc anh rể. Và việc gì đến, đã đến. Khi Lan phát hiện ra sự thật thì đã quá muộn.

Mới đây, chuyên mục Nhỏ to tâm sự của Báo Phụ Nữ nhận được một tâm sự  của bạn đọc. Thư viết: "Chồng tôi xin vào làm nhân viên giao hàng ở công ty M.T. của anh ruột. Ông anh chồng bận  mở công ty khác, giao lại việc ở công ty M.T. cho vợ. Từ đó, chồng tôi được chị dâu tin tưởng giao nhiều trọng trách.  Tôi rất mừng khi chồng trở thành cánh tay phải cho chị dâu, công việc ổn định, thu nhập lại khá. Sau gần một năm làm việc với chị dâu, không hiểu sao chồng tôi bắt đầu tỏ ra lạnh nhạt với vợ. Tiền thì vẫn đưa về đều đều, nhưng anh ấy không còn quan tâm nhiều đến gia đình nữa.
 

Tôi càng nghi ngờ khi nghe vài người quen nói xa nói gần chuyện chồng tôi thân thiết với chị dâu. Tôi đánh liều theo dõi và thật khủng khiếp, tôi đã chứng kiến họ dắt nhau vào khách sạn một cách thân mật. Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ và kiên quyết đòi ly hôn".
 
Đừng bắt đầu khi biết không thể tiếp tục
 
Về bản chất, các mối quan hệ chị dâu - em chồng, em rể - chị vợ, anh chồng - em dâu vẫn là mối quan hệ giữa một người nam và một người nữ. Tuy được khoác lên mình hình thức là "người thân trong nhà”, nhưng thực tế, họ đâu phải máu mủ, ruột rà với nhau! Chính vì thế, khi "lửa" quá gần "rơm", hiểm họa bốc cháy sẽ rất dễ xảy ra. Một trong những nguyên nhân khiến bi kịch kiểu này xảy ra nhiều là do sự chủ quan của người trong cuộc.
Vậy làm sao để ngăn chặn được nguy cơ này? Anh Nguyễn Văn Thành, một thợ điện ở P.3, Q.Gò Vấp chia sẻ thật tình: "Lấy vợ thành phố, tôi buộc phải ở nhà vợ, vì bản thân không có nhà riêng. Ngôi nhà chỉ có hơn 20m2 nhưng lại có thêm cô em của vợ ở cùng. Cứ về nhà là tôi phải tập trung để giữ ý tứ. Khổ

nỗi, cô em vợ lại hơi tự nhiên, vô tư trong cách ăn mặc, suồng sã trong cách nói năng nên nhiều phen khiến tôi lúng túng. Sống chung gần một năm, tôi cảm nhận được một mối nguy khác: tôi đã bắt đầu quý, rồi nhớ cô em vợ mỗi lần đi đâu xa vài ngày. Tôi đã dằn vặt, suy nghĩ rất nhiều vì lo sợ đến một ngày không còn làm chủ được mình. Tôi đã dũng cảm nói thẳng với vợ: "Anh thấy việc tụi mình ở chung với bé Út (em vợ tôi) là không ổn. Anh thấy không được tự nhiên, mà bé Út cũng không được thoải mái. Dẫu sao thì anh và bé Út cũng cần có khoảng cách cần thiết...".

Mới nói đến đó, vợ tôi đã ngớ người ra và giật mình: "Đúng thật, em thật vô tư, cứ nghĩ chị em gái quen ở với nhau, ở chung nhà cho tiện". Cuối cùng, chúng tôi cũng thống nhất được giải pháp "tách" cô Út ở riêng ra. Thú thật là tôi cũng "tiếc" vì người mình thầm mến không còn ở chung nhà, nhưng nếu không dứt khoát sẽ nguy".

Cũng có những trường hợp "lửa" và "rơm" không ở cùng một nhà nhưng vẫn... "cháy", do hai "đối tượng" này có nhiều điều kiện gặp gỡ và "tìm hiểu" nhau. Cái khó của mối quan hệ này là hai người cần thể hiện sự giao tiếp tưởng chừng như thân mật nhưng lại phải ngầm giữ khoảng cách. Chính sự mập mờ này khiến có người lợi dụng tư cách là người nhà để thân mật quá mức cho phép, tạo nên tình cảm không đáng có.

Chị Trần Thanh Tâm (thợ may tại P.3, Q.Bình Thạnh) tự nhận mình từng rơi vô thế khó: được anh họ của chồng si mê, buông lời tán tỉnh. Chị cũng "thú thật" là từng rất quý người đó và trong lòng cũng đã đôi lần "gợn sóng". Khi thường xuyên gặp mặt, tiếp xúc với tư cách "anh em họ”, tình hình trở nên "nguy hiểm" hơn. Nhưng rất may, mọi chuyện đã dừng đúng lúc. Chị Tâm "bật mí”: "Người nam và người nữ gặp nhau thường xuyên rồi... hạp nhau là chuyện thường. Quan trọng là mình phải xác định "chuyện gì không thể tiếp tục thì không nên bắt đầu.
 
Theo Báo Phụ nữ TPHCM
Chia sẻ