Bi hài chuyện xem giờ đón dâu

,
Chia sẻ

Ngồi uống rượu chờ đến 2h sáng để đón dâu, hai ông thông gia quá chén quay ra khẩu chiến. Cáu tiết, bố chú rể chỉ đạo đoàn nhà trai về thẳng “không đón dâu đón ria gì hết”.

Quê Nhã ở tận Sơn La nhưng cô đang làm việc trong một công ty liên doanh tại Hà Nội. Cô yêu Phúc, một kỹ sư công nghệ thông tin là trai Hà Nội chính hiệu. Phải tốn rất nhiều công sức mới chinh phục Nhã nên Phúc muốn cưới ngay cho đỡ lo bị người khác... cưới mất.

Chưa kịp đón dâu, thông gia đã ai về nhà nấy

Phúc và Nhã không để ý lắm đến chuyện xem ngày giờ nhưng hai bên bố mẹ thì nhất định phải tìm thầy nhờ xem mới yên tâm. Ngày cưới đã định nhưng thầy “phán” tuổi hai người không hợp, lấy nhau là xung khắc và nhanh chóng chia lìa. Nhưng thầy cũng cho một cách “giải xung” là đón dâu đúng vào lúc 2h sáng. Nghe thấy thế, Nhã và Phúc đều phản đối vì giờ giấc trái khoáy, hai nhà lại cách xa, sẽ rất mệt mỏi cho cả hai họ. Thế nhưng chuyện đại sự phải do cha mẹ quyết và đôi trẻ chỉ còn cách tuân theo. 

Ảnh minh họa

Do đường xa nên nhà trai, do bố chú rể làm trưởng đoàn, phải lên Hà Nội từ hôm trước để có thể đón dâu đúng giờ lành. Gia đình Nhã thu xếp cho đoàn ở một nơi rất gần nhà gái. Tối đó, bố chủ rể mời bố cô dâu sang bàn bạc lần cuối chuyện ngày mai. Hai ông thông gia gặp nhau, lại thư thả về thời gian nên bày tiệc rượu để hàn huyên, nâng lên đặt xuống cũng hết gần ba chai. Do đã ngà ngà nên bố cô dâu nói câu gì đó làm mếch lòng ông thông gia, lúc này cũng đang phừng phừng hơi men. Thế là âm lượng cứ ngày một tăng rồi nhanh chóng chuyển thành cuộc khẩu chiến dữ dội.

Kết cục, hai ông bố đều thắng, chỉ có cô dâu, chú rể nhận phần thua. Bố chú rể “chỉ đạo” cả đoàn nhà trai về thẳng “không đón dâu đón ria gì hết”. Bố cô dâu bị chạm tự ái cũng tuyên bố xanh rờn: “Có thừa con gái cũng không thèm gả cho nhà đó”. Chỉ tội cho chú rể mặt méo xẹo, hết khuyên can bố đẻ lại quay sang xin lỗi bố vợ; còn cô dâu nghe tin chỉ biết ngồi ôm mặt, nước mắt ròng ròng.

Vì đường ngập mà phải cướp vợ

Vợ chồng Huấn- Tâm (phố Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng còn nhớ như in kỷ niệm về đám cưới đặc biệt của mình vào đúng thời điểm Hà Nội bị ngập nước mấy năm trước.

Huấn là con trai độc nhất và đang đảm trách nhiệm vụ trưởng họ. Từ đời ông nội đến Huấn đều là con độc đinh nên việc lấy vợ của Huấn được cả họ quan tâm đặc biệt. Việc đầu tiên là “xem tông” vợ tương lai của anh, phải qua mấy vòng kiểm duyệt. Ngày giờ cử hành hôn lễ lại càng phải cân nhắc kỹ hơn. Sau 4 - 5 lần thay đổi, cuối cùng ngày cưới cũng được ấn định mà theo lời “thầy” thì ngày đó, giờ đó sẽ giúp sinh con trai đầu lòng.

Không ngờ vào ngày đẹp, Hà Nội mưa to như trút nước. Đoàn xe nhà trai chỉ cách nhà cô dâu 2 km thì gặp đoạn đường ngập, người và xe chen chúc lội bì bõm trong nước. Loay hoay cả tiếng đồng hồ vẫn không thoát được, các vị bô lão trong họ đều lo nếu nhỡ mất giờ tốt thì cô dâu khó mà sinh quý tử. Cuối cùng, chú rể nhận lệnh xuống xe đội mưa lội bộ đến nhà gái trước, chỉ cần kéo được cô dâu ra khỏi nhà đúng giờ là được, nhà trai sẽ “tiếp ứng” sau.

Hôm ấy bố mẹ Tâm cùng họ hàng có cảnh tiễn con gái vu quy vô cùng “ấn tượng”: Không thấy họ nhà trai tiến vào mà chỉ thấy chú rể “đơn thương độc mã” xuất hiện trong bộ dạng trên comple, cà vạt đỏ, dưới quần xắn tít trên đùi, ướt như chuột từ đầu đến chân. Huấn lao như tên bắn từ ngoài vào, chả kịp chào ai đã lôi xềnh xệch cô dâu ra khỏi cửa. Chạy được một đoạn, chú rể lôi vội điện thoại ra vừa… thở vừa nói như quát vào máy: “Ra kịp rồi!”. Ông bà nhạc đứng mắt chữ o, mồm chữ A không hiểu chuyện gì.

Nhắc lại kỷ niệm đó, cả hai vợ chồng vẫn còn ôm bụng cười. Tuy hôm ấy Huấn đã kịp “lôi” Tâm ra khỏi nhà đúng  giờ nhưng họ vẫn không sinh được con trai. Họ có hai cô con gái và vẫn đang bị cả họ ép đẻ thêm.

Còn chuyện hai ông bố của Phúc và Nhã, sau khi tỉnh rượu, hai ông bố đều vô cùng ân hận vì đã làm hỏng ngày vui của con. Cuối cùng đám cưới vẫn được tổ chức nhưng lần này không cần xem ngày, giờ gì nữa. Hiện đôi vợ chồng đã có hai con đủ cả nếp lẫn tẻ, kinh tế ổn định.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, giám đốc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn, người Việt Nam cũng giống như một số nước Á Đông vốn có quan niệm duy tâm “có kiêng có lành” nên trước khi thực hiện những công việc trọng đại của đời người đều cân nhắc, xem xét ngày giờ đẹp mới tiến hành. Điều này phù hợp với văn hóa, tâm linh của chúng ta, có thể coi như một biện pháp tâm lý cho những người trong cuộc, khiến họ tự tin hơn để niềm vui thêm trọn vẹn. Tuy thế, nhiều gia đình lại quá nặng nề, mê tín nên nhất nhất làm theo cả những điều mà ai cũng thấy là vô lý để chẳng mang lại được kết quả tốt đẹp mà còn thêm hỏng việc.

"Chính tình yêu mà hai người dành cho nhau mới là yếu tố quyết định hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của họ", ông Chất nhắn gửi.
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ