Bi hài chuyện cô dâu đòi tiền... hồi môn trước khi cưới

,
Chia sẻ

Cách ngày cưới có 3 hôm, con gái mặt phụng phịu hờn dỗi: "Bố mẹ cho con... có tí thế này, nhà chồng họ cười vào mặt cho thì con biết tìm lỗ nẻ nào mà trốn".

Với ý nghĩa giúp con gái một số tiền để lấy vốn làm ăn trước khi về nhà chồng, tiền hồi môn là một trong những truyền thống cưới hỏi tốt đẹp của dân tộc ta. Tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và quan điểm của cha mẹ mà số tiền hồi môn cho con gái có thể nhiều hay ít. Thế nên nhiều người mới cười ra nước mắt khi nghe những chuyện con gái... đòi tiền hồi môn của bố mẹ trước khi xuất giá.

"Bố mẹ cho con... có tí thế!”

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là cưới cô con gái cả nên mấy ngày nay không khí trong gia đình bác Lê nhộn nhịp khẩn trương hẳn lên. Nhà ba cô con gái mới có cô này đi lấy chồng nên bác cũng muốn làm tươm tất một chút để khỏi mất mặt với xóm làng. Có hàng thăm thứ phải hoàn thành trước lễ cưới: nào lên danh sách khách mời, viết thiệp cưới và tổ chức đi mời khách, tìm nơi đặt cỗ, lựa chọn các món trong thực đơn cho phù hợp, đặt trước chỗ thuê các loại phông bạt bàn ghế... Nhiều việc lẻ tẻ lại chưa có kinh nghiệm nên bác tất bật suốt ngày mà không xong. Có khi tưởng việc này, việc kia đã xong rồi nhưng đến cuối có nhiều thứ nảy sinh, cần phải giải quyết nên hai vợ chồng cứ rối rít cả lên. Nhưng đó chỉ là việc nhỏ, điều bác lo lắng nhất và cũng khiến hai bác đau đầu nhất chính là vấn đề hồi môn của con gái.
 
Thời phong kiến, con gái lấy chồng là phải rương này hòm kia khiêng về nhà chồng. Thời nay, việc cưới xin đã giảm trừ đi nhiều hủ tục lạc hậu, chuyện hồi môn cũng không còn đặt nặng như trước kia. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình mà cha mẹ có thể cho con nhiều hay ít hồi môn để con lấy vốn làm ăn. Biết như vậy nên trước đó, hai bác đã gọi cô con cả vào buồng riêng nói chuyện. Bác phân tích cho con biết nhà mình điều kiện khó khăn thế này, bố mẹ lại phải lo cưới xin, cỗ bàn thế kia nên chỉ có thể cho con một chút gọi là hồi môn khi về nhà chồng. Hai vợ chồng bác đã gắng hết sức mình kể cả vay mượn thêm để cái “một chút” của con gái là số tiền đủ mua một chiếc xe wave α mới tinh. Mấy hôm đầu, con gái bác đồng ý với bố mẹ. Tưởng vấn đề hồi môn thế là đã xong xuôi nào ngờ đến sát ngày cưới thì cô con gái bắt đầu giở chứng.
 

 
Cách ngày cưới có 3 hôm, con gái mặt phụng phịu hờn dỗi: “Con hỏi mấy đứa bạn đã lấy chồng của con rồi. Đứa nào về nhà chồng cũng được bố mẹ cho một cái xe máy với thêm ít nhất là cái dây chuyền vàng. Bố mẹ cho con... có tí thế này, nhà chồng họ cười vào mặt cho thì con biết tìm lỗ nẻ nào mà trốn!”. Đấy là cô con gái đang muốn “bòn” hai bác thêm cái dây chuyền vàng nữa nên mới nói thế.

Nhà người ta kinh tế khá giả thì một chứ mấy cái dây chuyền vàng cũng tiếc gì con cái. Khốn nỗi, hai bác đã thực sự cố gắng rồi mới có thể chạy vạy được ngần ấy tiền. Giờ mà thêm cái dây “3 chỉ” nữa thì đào đâu ra! Thế là ra sức dỗ ngon dỗ ngọt, ra sức hứa hẹn “bây giờ bố mẹ nhiều khoản phải chi tiêu nên chỉ có thế, sau này bố mẹ sẽ cho thêm”. Tưởng nói là nói thế thôi ai ngờ vài tháng sau đám cưới, cô con gái “quý hóa” đến... đòi thật. Dở cười dở mếu, hai bác phải giật chỗ này, vay chỗ kia đi mua chiếc dây chuyền “3 chỉ” trả con gái cho... xong nợ.

Cò kè bớt một thêm hai

Chuyện của nhà cô Khanh còn hài hước hơn nữa. Do bên nhà trai không được khá giả gì lắm, không muốn con mình về đó phải chịu nhiều thiệt thòi so với trước khi lấy chồng nên cô đã cố gắng trong mức có thể bù đắp cho con phần nào về kinh tế. Ngoài số tiền mặt và vòng vàng, cô Khanh còn hứa mua cho con một số đồ gia dụng: tivi, tủ tường... Đó là cô rất thương và đã nghĩ cho con rồi nhưng cái cách mà con gái cô “bòn rút” của nhà đẻ đem sang nhà chồng thì đúng là... không mê nổi.

Chắc nghĩ là nhà mình giàu lắm nên ngay khi mẹ tuyên bố cho hồi môn thứ này, thứ kia, con gái cô đã bắt đầu cò kè chả bớt gì mà lại đòi thêm hai. Nào “mẹ ơi, mẹ cho con cái kiềng để con đeo vào hôm cưới cho hợp... mốt”, rồi lại “hay mẹ sắm cho con thêm cái máy giặt nữa đi, chứ nhà đó đông như vậy mà phải giặt tay thì chỉ con gái mẹ khổ thôi”... Thôi thì cứ theo đủ cả “lý” lẫn “tình” của con gái thì chắc cô chỉ có nước... sạt nghiệp hay bán nhà mà trả nợ.

Có lẽ vì mẹ không đáp ứng đầy đủ “yêu sách” nên hôm cưới cô dâu hết phụng phịu lại hờn dỗi rồi mặt nặng như chì. Gần đến giờ đón dâu rồi mà cô dâu vẫn chưa buồn đi trang điểm, mặc váy cưới khiến cô Khanh lo như phát sốt. Giục con thì nhận được ngay lời trả treo như con nít: “mẹ phải hứa mua cho con cái máy giặt cơ thì con mới đi trang điểm”. “Mẹ chứ có phải cái mỏ đâu mà mày đào, với lại vợ chồng cưới nhau rồi bảo ban nhau mà làm ăn thì sau này cái gì chả có”. Nói thế rồi mà con gái vẫn cứ xị ra, nhất định không thèm mặc váy cưới. Sốt ruột vì giờ hoàng đạo đã điểm tới nơi, chị gái của cô Khanh phải gắt nhặng lên: “Thôi, mày đồng ý quách cho nó trang điểm rồi ăn mặc tử tế vào. Nhà trai đến đến nơi rồi kia kìa. Tao cũng chịu với cô con gái nhà mày!”.

Lời kết

Cha mẹ nào cũng thương con, cũng muốn bảo bọc, giúp đỡ ngay cả khi con lớn khôn và đã có gia đình riêng. Hồi môn cũng là một cách để cha mẹ thể hiện tình cảm của mình với con cái, giúp con cái vật chất ban đầu để có thể tạo dựng một cuộc sống hạnh phúc sau này. Điều quan trọng nhất không phải ở sự nhiều ít mà là tấm lòng của cha mẹ gửi gắm trong những món vật chất đó. Cái cách “bòn rút” hồi môn của mấy cô gái trong bài viết này quả thật đã khiến ý nghĩa thiêng liêng của tục hồi môn trở nên tầm thường và vật chất hóa. Hơn thế nữa, họ đã khiến tấm lòng của cha mẹ mình bị tổn thương.
 
Theo PhuNuNet
Chia sẻ