Bị chồng... “trả về nơi sản xuất”

,
Chia sẻ

Câu nói “vào mùng ba ra mùng bốn” tưởng chỉ tồn tại trong những câu chuyện ngày xưa, ai ngờ, giữa thời hiện đại, tôi cũng đã gặp không ít phụ nữ bị rơi vào hoàn cảnh ấy.

Còn nhớ hồi nhỏ, mỗi khi làm đổ vỡ bát đĩa hay vụng về trong việc nội trợ, hai chị em tôi thường bị bố mắng: “Làm ăn như thế thì lúc lấy chồng chỉ có “vào mùng ba, ra mùng bốn” thôi con ạ”. Câu nói “vào mùng ba ra mùng bốn” vốn để chỉ một trong những nỗi ám ảnh của người phụ nữ xưa “lấy chồng ngày mùng 3 và bị đuổi ra khỏi nhà chồng vào mùng 4”. Tưởng chuyện ấy chỉ có thể tồn tại trong những câu chuyện ngày xưa, ai ngờ, giữa thời hiện đại, tôi cũng đã gặp không ít phụ nữ bị rơi vào hoàn cảnh ấy.
 
Không đẻ được con trai, mời về... chốn cũ

Đã mấy năm, chị Quỳnh (Thái Thụy, Thái Bình) vẫn không thể quên được tất cả những gì đã diễn ra trong buổi tối hôm đó. Đó là cảm giác đau đớn khi lòng tự trọng bị xúc phạm xen lẫn với cảm giác tủi hổ khi bị chính người chồng đầu gối tay ấp với mình hàng ngày đối xử tàn nhẫn.

Trước khi sinh lần thứ hai, chị Quỳnh đã có một bé gái. Giống như tâm lý các cặp vợ chồng khác, anh chị cũng mong lần sinh tới sẽ là một bé trai cho có đủ nếp tẻ. Cũng làm đủ mọi cách như ăn uống kiêng khem, rồi tính ngày “quan hệ” nhưng không hiểu sao, lần mang bầu thứ hai của chị vẫn là một bé gái. Lúc có kết quả siêu âm, không phải Quỳnh mà chính anh Toan – chồng chị đã động viên “con nào cũng là con, miễn là vợ chồng mình nuôi dạy con trưởng thành và ngoan ngoãn là được”. Được lời như cởi tấm lòng, chị đã thầm cảm ơn người chồng hết lòng yêu thương, vì vợ vì con như vậy.

Nhưng chị đã lầm. Bên ngoài, để động viên vợ thì anh Toan nói thế nhưng thực tâm trong lòng, anh cũng mong muốn mình sẽ có một thằng cu để nối dõi tông đường. Hai anh chị ở quê nên nếp nghĩ cũ vẫn còn đè nặng trong tâm trí mỗi người dân. Không có con trai, mỗi lần tham gia họp hành trong dòng họ, anh Toan đều bị lép vế. Đó còn chưa kể chuyện anh bị những người anh em của mình trêu chọc, nói rằng bị “yếu sinh lý” hay không cho ngồi mâm trên vì không sinh được con trai. Những lần đầu, anh chỉ cười xòa cho xong chuyện nhưng rồi mưa dần thấm lâu, anh bắt đầu cảm thấy nếu không có con trai, vị trí một trưởng tôn trong dòng họ của mình sẽ ít nhiều bị người khác “coi khinh”. Nhưng vợ là giáo viên, bản thân mình cũng là công chức nhà nước, nên anh hiểu việc phá rào sinh thêm đứa thứ ba sẽ là không thể. Sự ấm ức trong lòng dần dần tích tụ.

Tối hôm đó, anh Toan về nhà trong tình trạng say khướt, toàn thân nồng nặc mùi rượu. Thì ra, sau khi đi họp họ về, bị mọi người châm chọc quá đáng, anh đã đi uống rượu cho đến say mới về. Vừa thương vừa giận chồng, chị Quỳnh có nói nặng mấy câu thì ngay lập tức anh lè nhè quát tháo, chửi bới chị là đồ đàn bà không biết đẻ, để cho anh bị mấy thằng oắt con trong họ xỉ nhục anh vì không có quý tử. Không những vậy, anh còn lôi xềnh xệch chị đến nhà ông bà ngoại (ở ngay cạnh đó), đập cửa ầm ầm và gào lên trong đêm: “Con trả lại ông bà đây. Ông bà đẻ con ra mà không biết dạy khiến cho nó đã không biết đẻ con trai lại còn chửi cả chồng”.
 
Bố mẹ chị ở trong nhà chạy ra mở cửa thì anh còn nói lè nhè “kể tội” vợ không biết đẻ con trai và kể tội bố mẹ vợ dạy dỗ con cái chẳng ra gì. Hàng xóm nghe tiếng ồn ào chạy sang xem có chuyện gì rồi bàn tán linh tinh khiến chị Quỳnh cảm thấy xấu hổ và nhục nhã, nước mắt ở đâu cứ rơi lã chã. Dù đã được bố mẹ và làng xóm khuyên “trách gì chồng say” nhưng chị nhất quyết bế hai con về nhà bố mẹ ở. Ngày hôm sau, tỉnh rượu, anh Toan hiểu ra mình đã làm một việc “tày đình”, vội vàng chạy sang nhà ông bà ngoại xin lỗi vợ và ông bà. Cả tuần liền, ngày nào anh cũng sang lạy lục xin đón vợ, con về nhà nhưng đều bị chị từ chối. Mãi sau này, nghe lời khuyên của bố mẹ và bản thân nhận thấy ông chồng đã “thành tâm hối cải”, chị mới chịu về nhà. Nhưng không hiểu sao, tình cảm của vợ chồng chị từ đó cứ có gì xa cách, không còn thắm thiết như xưa.

Làm mất tiền, cũng bị “lót tay lá chuối trả về”

Trường hợp của chị Thanh (Vụ Bản, Nam Định) thì có phần... bi hài hơn nhưng cũng phức tạp hơn trong việc giải quyết “hậu quả”.

Anh Tiến, chồng chị Thanh là lái xe Bắc Nam nên thu nhập rất khá. Là lái xe nhưng anh là người đàn ông hết mực chỉn chu và yêu vợ, thương con. Mỗi vụ chạy xe, thu được bao nhiêu tiền, anh đều đưa vợ cất giữ, sau này còn lo cho con cái học hành. Mấy năm làm việc vất vả, nhờ cả hai vợ chồng đều nỗ lực và tiết kiệm, số tiền tích cóp được đã lên tới 200 triệu. Để một đống tiền trong ngân hàng như thế nhưng lãi suất tiết kiệm hầu như không đáng bao nhiêu. Trong khi đó, một người hàng xóm cho chị biết bà ta đang cho một gia đình cùng khu phố vay với lãi suất lên tới 15%/tháng tức là gấp tới 15 lần lãi suất ngân hàng. Hám lời, lại thấy người hàng xóm chắc chắn tính đảm bảo của mối này nên chị Thanh rút ngay 70 triệu từ ngân hàng để cho vay mà không kịp bàn với chồng.

Ai ngờ, chị vừa mới tham gia cho vay lấy lãi được vài ngày thì chủ nợ ôm cả đống tiền khổng lồ của hàng chục gia đình trong khu phố bỏ trốn. Tiếc của và lo sợ chồng biết, chị khóc rõng rã mấy ngày liền. Sau nửa tháng, anh Tiến về nhà nghỉ ngơi giữa hai vụ xe và có nói vợ ra ngân hàng rút tiền cộng với vay mượn thêm để anh mua mảnh đất gần nhà. Lúc này, chị mới khóc lóc thú thực cho chồng biết, trong lòng đinh ninh thế nào cũng bị chồng mắng mỏ và “thượng cẳng chân” một trận nên thân. Nhưng, lạ lùng thay, nghe vợ trình bày xong, anh không tỏ thái độ gì, chỉ bảo “ngủ đi, có gì ngày mai giải quyết”.

Sáng sớm, anh bảo chị ăn mặc chỉnh tề. Chị có hỏi đi đâu thì anh trả lời cộc lốc: “Về nhà ngoại”. Cứ tưởng chồng dù còn giận nhưng đã tha thứ cho mình nên mới đưa về quê ngoại chơi như mọi lần, chị nhanh chóng thay quần áo đẹp và lên xe về nhà bố mẹ cách đó hơn chục cây số. Thấy các con về chơi không báo trước, ông bà ngoại đón tiếp và chiêu đãi rất nhiệt tình. Anh Tiến điềm nhiên ăn uống và sau khi đã xong xuôi mọi chuyện, anh mời vợ và bố mẹ lên để họp gia đình. Sau khi đã đông đủ “các bên đương sự”, anh “phát biểu tổng kết” quãng thời gian 5 năm sau khi hai vợ chồng kết hôn, anh đã tận tụy với gia đình thế này, chăm lo cho vợ con thế kia nhưng đổi lại thì vợ anh đểnh đoảng việc nhà, không biết chăm con khiến thằng bé mấy lần suýt chết vì té xuống sông, thêm cả việc làm mất một số tiền lớn lần này... Cuối “bài diễn văn” luận công tội này, anh tuyên bố “trả vợ con về để bố mẹ dạy dỗ thêm” khiến cho cả vợ và ông bà nhạc đều sửng sốt và tối mày tối mặt.

Chị Thanh khóc lu loa, xin lỗi chồng rối rít nhưng vẫn không làm thay đổi quyết định của anh. Trước khi ra về, anh Tiến chỉ lạnh lùng: “Em ở đây học hỏi thêm về đạo làm vợ, bao giờ cảm thấy có thể đảm đương tốt vai trò làm vợ thì về nhà. Thằng Bim ở nhà đã có anh chăm, em không phải lo”.

Bị chồng “bỏ lửng” ở nhà bố mẹ đẻ cả tuần liền, chị đã nhiều lần qua người quen đánh tiếng xin lỗi anh nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Nỗi nhớ con, nhớ chồng và cả sự ân hận dày vò người mẹ trẻ. Không biết chị sẽ phải trả giá cho lỗi lầm này đến bao giờ?

  Theo Phununet

Chia sẻ