Bệnh khó chữa của vợ

,
Chia sẻ

Nghĩ cũng lạ. Hay hớm gì cái kiểu riết róng, chi li… cho khổ xác, nhọc tâm mà lại sinh ra kình cãi, ồn ào trong nhà. Nhưng đó lại là bệnh khó chữa của vợ tôi.

Lần cuối tôi vứt đồ ăn xuống cát và hùng hổ với vợ rồi bỏ đi, là hồi năm ngoái. Sở dĩ tôi hành động như vậy vì quá uất ức. Nếu ở lại không hiểu sự thể sẽ đến đâu và kết thúc như thế nào. Bởi tính tôi vốn nóng nảy, khó kiềm chế và vợ tôi thì chứng nào tật nấy, không cách gì thay đổi.

Vẫn biết là phụ nữ, là mẹ, là vợ, là người giữ trách nhiệm “tay hòm chìa khóa” trong nhà thì tiêu pha, chi phí gì cho bản thân và gia đình cũng phải tính toán chứ đâu thể buông tuồng, hoang phí. Tôi vốn cũng là một người đàn ông chừng mực trong tất cả mọi chuyện, nhất là chuyện xài tiền. Vì thế tôi rất thương quý những phụ nữ biết căn bản, thu vén. Tiện tặn là tốt nhưng tiện tặn kiểu nào chứ tiện tặn kiểu vợ tôi thì thôi giùm.
 

Bệnh nặng

Vợ chồng có cái quán giải khát bình dân ở bãi biển. Công việc bận rộn lắm và vợ tôi quay như chong chóng suốt ngày với việc bán buôn, lo cho cửa nhà và chăm sóc con cái… Tôi, đôi lúc còn có thì giờ rảnh rỗi để lê la, lai rai với mấy ông bạn và cũng còn được biết tới món này, món khác chứ vợ tôi tuyệt đối là không.

Từ mờ sớm cho tới tận khuya, cô ấy không mấy khi được nghỉ tay. Lại sẵn tính hà tiện cố hữu, nên mâm cơm thường nhật của gia đình, vốn đã quá khiêm tốn, nghe ra còn có bộ… sơ sài hơn. Nghĩ thương vợ và cũng muốn bồi dưỡng cho ba mẹ con cô ấy, nên đôi lúc tôi mua về nhà thứ này, thứ khác. Chẳng lẽ tôi đã hành động sai?

Có lần tôi mua về một chục trứng vịt lộn, để cả nhà cùng ăn cho vui. Mấy cha con tôi thì đúng là vui thật, còn cô ấy thì ngược lại. Vợ tôi rên rỉ là tốn tiền. Cô ấy ca cẩm là hoang phí… Tôi bực quá, đã ném hất tất cả xuống cát rồi bỏ đi.

Lần khác, nghe cô ấy nhắc đến chả quế Hà Nội và lộ vẻ muốn nếm thử cho biết. Muốn thì tôi mua về, chứ có gì đâu mà ao với lại chả ước. Đâu ngờ chỉ mua có nửa ký chả, mà cô ấy xỉa xói tôi là thứ không biết xót tiền, thứ phá của… Làm sao tôi có thể điềm tĩnh nổi? Vậy là tôi lại hất đổ và bỏ đi.

Lần khác, thấy hai đứa con thèm ăn thịt gà và nhắc hoài mà mẹ nó đi chợ, cứ “quên” hoài. Quên, tự nó cũng có lắm nghĩa và tôi đâu có tối dạ đến mức không hiểu ra. Nhưng cứ làm như cô ấy quên thiệt. Thì mẹ quên thiệt để ba còn có cơ hội mà nhớ… thiệt chứ! Vậy là tôi đi mua nửa con gà quay rất ngon đem về. Cha con tôi hí hửng khoe với “bà nội trợ của gia đình”. Không kịp để cho tụi nhỏ ăn lấy vài ba miếng, ngay tức thì vợ tôi nổi sùng. Cô ấy kể lể sự cực nhọc của mình, khi gom góp từng đồng bạc lời ít ỏi, từ ly nước mía, hộp sữa tươi… Cô ấy cho biết bao nhiêu người quanh đây, cơm ăn với rau mắm còn chưa có, vậy mà mình dám mua gà quay về ăn! Rồi “Cha con mấy người giàu, nên mới chơi sang vậy. Còn tôi dân nghèo hèn. Ăn chi thứ cao cấp như gà quay”… Tôi phải bỏ đi ngay. Giận mình hơn và hờn vợ, thương con mà quặn thắt trong lòng.

Giải pháp

Sao không thử một lần, tôi mua một món gì đó ngon ngon về nhà mà cô ấy không kiềng riềng, ăn liền một phát cho tôi mát cái ruột, khen một câu cho tôi nở cái mũi… Sao cô ấy cứ một lối chán phèo như vậy?

Nghĩ mà tức cười. Đồ ngon không chịu ăn, gây ra chuyện làm chi để rồi cứ dưới cát mà dòm rồi tiếc. Hà tiện đã là căn bệnh trầm kha, hết thuốc chữa, căn bệnh bất trị của cô ấy rồi, nhưng còn tôi: vẫn tiếp tục mua thức ăn ngon về cho ba mẹ con cô ấy, vào những thời điểm thích hợp. Nhưng phải hết sức điềm tĩnh để đừng có mà ném hất và bỏ đi… Thi thoảng giả vờ ai đó đem sang biếu xén nhân giỗ chạp, thôi nôi - chắc “bệnh nhân” của tôi không đến nỗi lên cơn!
 
Theo Thanh niên
Chia sẻ