Bất ngờ cái Tết chu toàn của người mẹ trẻ, vợ trẻ

,
Chia sẻ

Năm nay, chồng trực giao thừa. Vợ chuẩn bị sẵn chậu nước đầy, chờ chồng về bê nước, xông nhà với ước nguyện năm mới nhiều may mắn. Bao lì xì vuốt mép thẳng tắp chờ mừng tuổi bé con.

Ai bảo mấy cô con dâu trẻ đểnh đoảng, chả biết Tết nhất phải mua gì, cúng bái ra sao. Mấy chia sẻ kinh nghiệm của một cô dâu mới dưới đây có thể khiến các mẹ chồng phải thay đổi quan điểm, còn những nàng dâu chưa từng phải lo chu tất một cái Tết cũng có thêm nhiều bí quyết để sắm sanh, lo toan cho cái Tết đủ đầy.

Hà Nội cuối đông, mưa phùn bay bay gửi lại trên búp non ngoài vườn những giọt sương trong vắt. Lòng chợt nao nao khi nhớ đến những cái Tết sum họp bên gia đình. Dường như nàng xuân đang về.

10 ngày trước Tết

Chiều cuối năm chùa Phúc Khánh đông như trẩy hội. Cố len mãi mới đặt được lên bàn của thầy mảnh giấy ghi tên tuổi địa chỉ của cả gia đình để xin nhà chùa thỉnh an cho năm tới. Nhân lúc chờ đợi đến lượt thầy gọi, một kế hoạch chuẩn bị Tết đã được phác thảo. Ưu tiên đầu bảng là món đồ khô. Đầu tiên là món măng, dù đã được mua trước cả tháng nhưng không vì thế mà vô tư để đó. Phải ngâm trước khi dùng cả tuần cho nhừ. Món canh măng khô nấu với sườn non hoặc chân giò heo, cơm tẻ, bánh chưng và vài ba củ hành muối đã là một nửa hồn Tết trên mâm cỗ rồi.

Có măng, ắt có miến, có nấm hương, mộc nhĩ, hành khô, tỏi, hạt tiêu, đường, muối, gạo, miến, mỳ...những thứ không thể thiếu trong danh mục sắm Tết. Đầu năm, trong bếp đầy đủ những thứ ấy xem như năm tới sẽ no đủ. Còn giò, chả, gà, xôi, bánh chưng chỉ cần một cú điện thoại là xong. Năm trước tín nhiệm hàng nào thì năm sau cứ hàng đó mà đặt. Không biết năm nay thưởng Tết thế nào?

Nhưng chả lẽ cứ alô cho xong cái Tết? Gì thì chồng nào cũng muốn vợ đảm đang, mà cả năm ăn bờ ăn bụi thì Tết cũng phải thể hiện chút đỉnh chứ. Khách đến nhà ăn cơm mà khen món thịt đông trong vắt, thịt mềm mà mộc nhĩ giòn tan thì chồng ngất ngây sung sướng, còn vợ thể nào cũng tủm tỉm ra ra vào vào trong bếp.

Thế là tinh thần xốc lại, hăng hái xúm vào chọn lựa như ai. Năm nay mình sẽ muối hành củ. Nhà có chõ, có khuôn nên quyết tâm không biếu tiền cho các chị hàng xôi nữa. Dù gì, xôi vợ nấu vẫn ngon đứt xôi hàng, ông xã chả vẫn bảo thế còn gì.

Tiễn chân ông Táo lên trời

Lễ cúng tiễn ông Táo năm nào chả vậy, nhưng vì trẻ người non dạ nên mình cứ nhất quyết tham khảo ý kiến mẹ chồng sắm thế đã được chưa. Mẹ chồng được dịp thể hiện kinh nghiệm, còn mình thể nào chả được khen "chịu khó học hỏi".

Thức ăn, hoa quả, bánh ngọt cứ là phải nhiều hơn mọi lễ. Ai chả muốn ông Táo được ăn nhiều đồ ngọt để chỉ bẩm báo những điều tốt đẹp. Thêm ba bộ quần áo vàng mã, ba con cá chép nữa nhé. Tàn nhang khói, vàng mã đem hóa, cá thả ra sông hồ, nơi mát mẻ để Táo Công sớm lên thiên đình.

23 tháng Chạp là thấy Tết gần lắm rồi. Thì bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ vật, trang hoàng nhà cửa đón Tết thôi. Dọn nhà thì chồng giúp em một tay nhé, còn em sẽ đích thân lau dọn cái ban thờ. Việc này không thể để đàn ông các anh quếnh quáng cho xong. Một chậu nước sạch có pha chút rượu gừng cùng một chiếc khăn mặt mới tinh, thế là "tác nghiệp" được rồi.

Đầu tiên là tỉa bớt chân nhang, chỉ để lại vào chân thôi, mà phải để lại số lẻ là 3 hoặc 7 hoặc 9, sau đó lần lượt lau từng bát hương bằng nước rượu gừng, kế đến là ban thờ. Nếu có cành vàng lá ngọc thì hạ xuống, tới ngày cuối cùng của năm sẽ đem hóa cùng với chỗ chân nhang đã tỉa. Một loáng bàn thờ sạch lau ly. Hai chiếc đèn quả nhót màu đỏ trên ban thờ bật sáng. Mọi thứ tinh tươm.

3  ngày trước giao thừa, cả nhà đi chợ Tết

Tết cứ là phải đến phố Hàng Mã đầu tiên. Năm nay là năm con Hổ, một cặp hổ hùng dũng trên giấy đỏ viền vàng sẽ thay chỗ cặp Trâu vàng năm ngoái. Con trai nhỏ xà vào chọn bao lì xì với hình cậu bé ôm trái đào tiên. Trẻ con mà, cứ thấy bao lì xì là thấy Tết.

Hàng Mã cách Hàng Đường chỉ mấy bước chân. Ghé tiệm ô mai quen thuộc mua chút mứt sen, thêm ít mứt gừng, ô mai mơ, mận xào bày khay quả trên bàn nước tiếp khách. Năm ngoái mẹ chồng khen con dâu mới mua ô mai ngon, mình hả hê, nhưng ai hỏi mua ở đâu thì nhất định là...bí mật.

Đường về nhà có qua Hàng Lược, Phố xá Tết, đào mai quất chen nhau khoe sắc. Chồng thích quất, chọn một cây có tán tròn, hội đủ tứ quý lá xanh, lộc nhiều, hoa, quả cả chín và xanh cầu cho năm mới tài lộc dồi dào tới nhà. Vợ thích đào, săm se ngắm nghía một cành đào bích cánh dày, màu thắm, tán tròn tượng trưng cho sự no đủ, cành mập màu nâu bóng, lốm đốm lộc và nụ xanhmúp. Chồng chiều vợ, vợ chiều chồng, mua cả đào lẫn quất. Tết này xôm lắm đây.

Phố xá lên đèn, lất phất mưa bay. Ngồi sau lưng chồng, cành đào bích rung rinh mà lòng cứ hân hoan đến lạ. Chốc chốc có người chạy xe vè vè bên cạnh hỏi han? Thế là gật gù tán dương nhau. Tết mà, lòng ai cũng cởi mở, thân thiện hơn thì phải! Ngày mai đến cơ quan chị em túm lại khoe chuyện. Và thế nào cũng rủ nhau giờ nghỉ trưa đi sắm bánh mứt kẹo, hạt bí, hạt dưa và không quên mua ít hạt dẻ cười, hạt điều béo ngậy. Năm nào cũng như đinh đóng cột rằng chỉ mua ít thôi, thế mà Tết chưa đến, lương thưởng chưa thấy đâu mà chị chị em em xách túi lớn túi bé. Phụ nữ, "chết" vì cái bệnh  "mắt to hơn bụng"!

Đếm ngược, chờ Tết...

Ngày bé, hai chị em mình vẫn thường ngồi bên cạnh xem bố gói bánh chưng mỗi khi Tết về. Mẹ tất tả mang lá dong ra bể nước cọ rửa. Con gái lớn được giao đãi gạo, đãi đỗ. Nếp cái hoa vàng tròn mây mẩy, đỗ xanh bóc vỏ vàng rộm. Em gái tranh việc rửa lạt tre. Mọi thứ chuẩn bị xong xuôi, hai đứa háo hức ngồi xem bố gói bánh. Người ta gói bánh có khuôn, còn bố chả cần khuôn mà bánh nào cũng vuông vức. Và cuối cùng bao giờ cũng là một cặp bánh nhỏ dành cho hai chị em.

Mình không có thời gian để mua lá, đãi đỗ. Đành nhờ ông ngoại của cu Tin gói giùm đôi cặp để bày bàn thờ. Nhưng hứa Tết nào cũng cho Tin về nhà ông ngoại để xem gói bánh, để thấy má con trẻ hây hây bên củi lửa và hương vị Tết ngấp nghé trước hiên nhà.

Hai ngày cuối năm bận rộn...

29 Tết, chồng vẫn đi làm. Ở nhà, mẹ và cu Tin cùng nhau dọn dẹp. Sáng chồng đã biết kế hoạch nên ngắm nghía chọn vị trí đẹp nhất trong phòng khách, bẻ sẵn bình hoa đào phơi sương ngoài trời mấy hôm trước vào. Con trai tha hồ sáng tạo với cành đào của mẹ, treo ruy băng trang trí.

Cành đào lung linh lên "mấy chân kính" như gái xinh lại khéo trang điểm ấy. Hai chú hổ ngạo nghễ ngự trên tường. Ánh sáng vàng sưởi ấm cả căn phòng. Quay lại việc bếp núc của mình, hôm nay gọi điện dặn chị hàng hoa quả, hàng gà, hàng giò lụa, thịt chân giò, sườn heo,...đặt từ mấy hôm trước, giao hẹn sớm mai sẽ lấy về. Ngày 29 trôi qua vèo vèo với cả mớ công việc không tên. Xong việc nào nhẹ việc ấy!

Sớm mai, bản nhạc chào buổi sáng quen thuộc phát ra từ chiếc loa phường í éo đánh thức cả khu phố nhỏ. Khoác vội áo mũ ra chợ Tết. Tết thật rồi, từ gánh hàng hoa đến bà hàng thịt, ai cũng rộn rã chào mời, mua bán tấp nập.

Mua hoa quả nhé. Cam Canh bưởi Diễn, cái này giải khát ngày Tết cứ là nhất. Qua hàng thịt xách đồ tươi sống đã đặt hàng từ mấy hôm trước về nhà sơ chế rồi xếp đầy tủ lạnh. Không quên mua bó cẩm chướng, ít violet tím lãng mạn. Cẩm chướng theo "đơn đặt hàng" của chồng, còn violet tím là màu vợ thích. Cho cái bàn nước ngày Tết thêm hương sắc.

Chiều làm cơm tất niên mời ông bà. Con dâu sẽ đãi bố mẹ chồng toàn những món ăn truyền thống. Nem rán, gà luộc, canh măng, bóng bì xào rau củ thập cẩm. Hành củ muối vừa chín tới ăn cùng bánh chưng. Ai bảo con dâu của mẹ là dâu Tây nào.

Giao thừa, và năm mới

Chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia mẹ hỏi chuẩn bị ban thờ đến đâu rồi? Mẹ vẫn thế, chả bao giờ hết lo toan: "Con à, người Á Đông quan niệm tổ tiên giao tiếp với con cháu bằng tâm linh. Sự giao hoà giữa thế giới vô hình thông qua việc thờ cúng. Vì thế, ban thờ ngày Tết được thể hiện đầy đủ giao cảm ấy. Trên ban thờ bày hai ngọn nến thắp sáng tượng trưng cho mặt trăng mặt trời, gọi là "nhật nguyệt quang minh" soi tỏ đường đi lối về cho người ở thế giới vô hình về chứng giám và phù hộ cho cháu con sức khoẻ, may mắn. Nhớ đấy, đừng có quên thắp cái đèn cho năm mới được quang đãng, sáng sủa."

Mẹ còn dặn nhiều lắm. Mà mình có nhỏ dại vụng về đâu. Này một mâm ngũ quả gồm cả năm loại quả màu sắc khác nhau tượng trưng cho ngũ hành. Chuối màu xanh thuộc hành mộc, ôm lấy quả bưởi màu vàng thuộc hành thổ. Quả lê hoặc qủa táo có màu trắng thuộc hành thủy, màu đen của quả nho thuộc hành kim. Này bình hoa cúc vàng tươi tắn, bánh kẹo, rượu, chè thuốc, một cặp bánh chưng, một bát nước, lá trầu cau. Vàng mã, quần áo cho ông bà tổ tiên sắp gọn gàng. Mọi thứ đâu vào đấy, chỉ chờ chuông điểm 12 giờ.

Hẹn với con trai sẽ đánh thức cu cậu dậy xem pháo hoa, một mình lục tục chuẩn bị mâm cúng giao thừa ngoài trời. Lễ vật chả thiếu gì: con gà trống bẻ cánh tiên, miệng ngậm bông hoa hồng, bánh chưng, mứt kẹo, bình hoa tươi, nến, trầu cau, chè thuốc, gạo muối, vàng mã, sớ xin nhà chùa từ trước Tết và đặc biệt là rượu, nước.

Mỗi năm Thiên Đình thay toàn bộ quan quân trông nom công việc của hạ giới. Vì vậy lúc giao thừa, các quan nhà trời đi về vội vã, người ta cúng ngoài trời là để tiễn quan cũ, đón quan mới cho nhanh, cho lẹ, chứ không thể mời các quan vào nhà khề khà hồi lâu được.

Năm nay, chồng trực giao thừa. Vợ ở nhà chuẩn bị sẵn một chậu nước đầy ngoài cửa, chờ chồng về bê nước vào, xông nhà với ước nguyện một năm mới nhiều may mắn và tài lộc đến nhà. Bao lì xì vuốt mép thẳng tắp chờ mừng tuổi bé con.

Giờ phút giao hòa thiêng liêng giữa trời và đất mỗi lúc một gần. Hương trầm thơm ngát, mùi bánh chưng bảng lảng trong hiên, ngoài ngõ. Năm hết, Tết về.

Theo Thu Phương
Gia đình trẻ
Chia sẻ