Bà nội trợ không tự kỷ

,
Chia sẻ

“Em phải xem thế nào chứ không bọn trẻ nó bị tự kỷ mất. Phải xem lại cách dạy con, em không thể cứ phó mặc cho mấy bà giúp việc mà nhí nhảnh như người son rỗi được”.

Chồng tôi, trước mặt cả chục người bạn đã nói với tôi như vậy. Chẳng còn cách nào khác, tôi bèn chống chế bằng một câu hài hước: “Con bị tự kỷ thì bố quan tâm, mẹ nghiên cứu cách chữa. Thế thì mẹ bị tự kỷ rồi, ai chữa cho mẹ đây?”


Tôi cũng không tới mức suốt ngày cắm mặt vào cái bếp như mọi người thường nghĩ
 

Nhóm bạn cười ồ. Đúng là tôi không bị tự kỷ mới là lạ. Nhiều chị bạn chỉ cần nghĩ đến chuyện tôi sinh năm đứa con là toát mồ hôi hột. Con đầu tiên của tôi năm nay học lớp ba, con thứ hai học lớp một, trai gái đủ cả. Nhưng bất thình lình một hôm tôi kiểm tra thì thấy mình bị “vỡ kế hoạch”. Đi khám thì bác sĩ bảo sinh ba. Thế là tôi thêm ba đứa con nữa sau bốn tháng nằm cố định trong viện để an toàn cho thai nhi. Tới nay cả ba con đã được gần hai tuổi. Tôi cũng đã có chục năm ở nhà chỉ làm nội trợ kể từ khi sinh đứa con đầu lòng.

Quyết định để tôi nghỉ việc ở nhà ngay khi mang bầu con thứ nhất là chồng tôi. Tôi quá yếu, lại nghén không ăn uống được, đến công ty chỉ ngứa mắt đồng nghiệp nên chồng tôi thuyết phục: “Em nghỉ ở nhà cho khoẻ, anh nuôi”. Từ đó tới nay, ở nhà chăm con cũng thành quen, hai cái bằng đại học của tôi coi như cất vào hộc tủ làm kỷ niệm.

Năm đứa con, nhà tôi phải thuê ba người giúp việc, cộng thêm tôi nữa là bốn, bà ngoại nữa là năm. Có lúc ba đứa nhỏ lăn đùng ra ốm, mỗi người phải ôm một đứa, thêm việc nấu cơm, rửa bát, quét nhà và đưa đón hai đứa lớn đi học, tôi quay cuồng, tới mức bất kỳ ai điện thoại thì câu đầu tiên tôi nói cũng là: “Ba đứa kia đang sốt xình xịch, đêm thì ho khù khụ rồi nôn trớ hết ra. Tớ đang phát rồ.”
 
Chồng tôi không phàn nàn gì về cái sự ở nhà chuyên tâm vào nội trợ của tôi

Nhưng tôi cũng không tới mức suốt ngày cắm mặt vào cái bếp như mọi người thường nghĩ. Điều quan trọng là biết cách sắp xếp công việc gia đình để vẫn còn thời gian cho bản thân. Buổi sáng, tôi dậy sớm đi chợ, về nhà dặn dò người giúp việc làm món gì, công việc trong ngày ra sao, sau đó đưa hai con lớn đi học. Trên đường về, tôi có thể rẽ vào hàng làm đầu để chăm sóc tóc, làm móng hay đi càphê cùng bạn. Cháo của ba đứa nhỏ bao giờ người nấu cũng là tôi hoặc bà ngoại. Người giúp việc chỉ cho ăn và báo cáo kết quả là ba đứa nhỏ ăn được bao nhiêu.

Chồng tôi không phàn nàn gì về cái sự ở nhà chuyên tâm vào nội trợ của tôi. Mỗi ngày đi làm về thấy nhà cửa sạch sẽ, con cái thơm tho, mọi thứ ổn, thế là hài lòng. Điều quan trọng hơn cả là vợ không đến nỗi trông nhàu như… cái giẻ. Nói chuyện cũng không tới mức… tối như lọ mực vì ít va chạm. Hàng năm hai vợ chồng vẫn dứt khoát để con ở nhà bà ngoại trông để cùng nhau đi chơi riêng một chuyến để “hâm nóng tình yêu”. Tết âm lịch, hai vợ chồng vẫn nhờ bà ngoại trông bọn trẻ ngủ để đi xem bắn pháo hoa giao thừa.

Có thể chồng tôi nói về việc ba đứa trẻ có dấu hiệu tự kỷ chỉ là cách để lưu ý tôi đừng như người son rỗi quá, có thời gian để làm đẹp, để càphê… Ba đứa trẻ vẫn bình thường dù sinh hơi thiếu tháng. Tôi đang tính chuyện tìm trường để chúng đi học khi chúng ngoài hai tuổi. Có thể khi đó tôi sẽ sa thải bớt người giúp việc. Chồng tôi đã tính chuyện mua một cái xe ôtô nhỏ để tôi có thể đưa đón được năm đứa con đi học. Nhưng tôi vẫn chưa có ý nghĩ là mình sẽ đi làm trở lại cho dù tôi hoàn toàn có thể làm như vậy nếu tiếp tục nuôi ba người giúp việc như hiện nay.

 
 Nguyễn Thị H, Hà Nội
SGTT
Chia sẻ