Mua cái bình nước cũng phải xin phép mẹ chồng
Hí hửng khoe cái bình nước pha lê mới mua, Loan không hiểu tại sao mặt mẹ chồng sầm xuống, nặng trịch, cho đến khi chồng gắt nhỏ: “Sao em mua mà không xin phép mẹ?”.
Trong rất nhiều thứ tự do mà các nàng dâu hay phải “tạm quên" khi ở chung với bố mẹ chồng đôi khi có cả tự do mua sắm. Vì thế, để mua được thứ đồ mình cần, các nàng phải tốn bao chất xám, và lén lén lút lút như làm chuyện phi pháp vậy.
“Con có thể mua cái sọt đựng rác không ạ?”
Cưới xong, Loan hồ hởi rủ chồng đi mua sắm cho căn phòng nhỏ của mình, tiện thể mua thêm mấy thứ cho cả gia đình. Chồng trợn mắt: “Không được đâu, mẹ tiết kiệm lắm, sắm đồ mà mẹ giận đấy. Em nhớ mua gì cũng phải hỏi mẹ, mẹ OK hẵng mua”.
“Đám cưới chúng mày, mẹ phải vay gần 300 triệu, trong đó có tiền sửa nhà để đón cái Dung về. Giờ chúng mày có nghĩa vụ giúp bố mẹ trả gốc, trả lãi hằng tháng”, mẹ chồng Dung tuyên bố trước giờ động phòng của cô. Kể từ đó, Dung sắm gì cũng bị mẹ chồng mắng vì “có tiền sao không đưa mẹ trả nợ”.
Lấy chồng, Dung tập nấu nướng bằng than tổ ong, thổi cơm bằng nồi áp suất, nhưng không quen được với việc mỗi ngày giặt bằng tay một đống quần áo vừa bẩn vừa nặng trịch của 5 người đàn ông trong nhà. Mấy lần Dung gợi ý mua máy giặt, mẹ chồng giãy nảy: “Con hâm à? Vừa tốn tiền vừa tốn điện. Giặt tay cho sạch”.
Hôm chồng Dung có khoản tiền thưởng, cô bàn mua máy giặt. Anh nói: “Không được, mẹ sẽ bảo có tiền sao không đưa mẹ trả nợ mà mua linh tinh”. Dung nghĩ ra cách cứ mua, nói dối là của chị đồng nghiệp dùng rồi, giá rẻ bằng 1/3, nhưng coi như không mất tiền vì Dung cho chị ấy vay tiền mà đòi mãi không được. Để chắc ăn, mua máy xong cứ gửi lại cửa hàng, khi mẹ đi vắng mới khuân về như sự đã rồi.
Nàng dâu phá hoại
Mẹ chồng Liên cũng quen nếp tiết kiệm nên từ khi có dâu đã không ít lần đứt ruột xót xa khi Liên cứ khuân đồ về nhà. “Ối con ơi, bát đĩa nhà mình tuy có mẻ và tróc men một tí nhưng vẫn dùng được, mẹ có bộ đẹp dùng khi có khách rồi, sao còn mua? Bao nhiêu tiền cái bát hả con? Hai sáu nghìn? Trời đất ơi!!!”.
Liên kể khổ: “Mẹ chồng em cứ khoe cái nồi nhôm này mẹ được phân phối hồi thằng Linh 5 tuổi đấy, cái mâm này là hồi mẹ cưới, cô Vân với cô Thoa mừng. Toàn là đồ bảo tàng. Chị có hình dung được là nhà em còn dùng những cái đĩa nhựa, thìa nhựa toàn vết xước đen sì không? Phòng tân hôn của em cũng toàn đồ cũ, giường của chú chồng ngày xưa, cao đến nỗi trèo mãi mới lên được, nhưng mẹ chồng bảo dùng đi gỗ tốt lắm. Tủ quần áo cũng mấy chục năm rồi, hở hoác, gián chuột tha hồ vào ra, rèm cửa là loại vải cân không biết từ đời nào, màu vừa bạc phếch vừa cáu bẩn, giặt không sáng được”.
Để được mua đồ mới, Liên rắp tâm “phá hoại”. Thỉnh thoảng, cô lại “lỡ tay” đánh rơi bát đĩa vỡ loảng xoảng. Bát đĩa nhựa thì cô lén trút vào thùng rác rồi sau đó đổ tội cho chồng vứt nhầm. Cô nạy cho tủ đồ ngoác ra thật rộng, giật rách rèm cửa. Thỉnh thoảng, mẹ chồng lại thấy nàng dâu kêu than như đứt ruột khi một món đồ bị hỏng không dùng được nữa, rồi hôm sau đem ngay đồ mới về.
Riêng cái giường là khó xử lý nhất, vì quả là gỗ quá tốt, có lẽ mấy chục năm nữa cũng chưa chịu hỏng. Liên đành chờ dịp bố mẹ chồng đi vắng mấy ngày để mua giường đẹp, còn giường cũ thì cho người ta tháo ra mang đi. Mẹ chồng về, cô than thở: “Không ngờ cái giường tốt thế mà mọt mẹ ạ, anh Linh vừa nghe nhạc vừa nhún nhảy mà nó sập một cái, ngã lăn ra. Con đành phải cưa bán cho đồng nát làm củi, được mấy chục nghìn con mua vịt quay cho cả nhà ăn tối nay đấy mẹ”.
Cứ thế, dần dần, Liên cũng sắm được gần đủ những thứ mình muốn. Cô tâm sự: “Cũng chỉ dừng lại ở những thứ cần nhất thôi, kẻo cụ xót quá cũng tội. Mẹ chồng mình phải dè sẻn, vất vả bao nhiêu năm để nuôi con nên quen tiết kiệm rồi. Mình xác định là vẫn cứ thỏa mãn sở thích tiêu dùng, mua sắm của bản thân, nhưng đừng có ngang nhiên như trêu tức mẹ chồng mà phải có mẹo, kheo khéo một chút, thế là vui vẻ cả thôi”.