​Tính tốt của người Việt đang giảm đi

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Công ty Nghiên cứu thị trường GCOMM vừa thực hiện khảo sát online trong tháng 8-2014 xoay quanh câu hỏi: Hình ảnh người Việt ra sao trong mắt giới trẻ?

​Tính tốt của người Việt đang giảm đi 1
Hiện có rất nhiều đội, nhóm sinh viên, du học sinh tình nguyện... ra đời một cách tự phát với mục đích giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Trong ảnh: các thành viên Tổ chức SEALNet tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tập với trẻ em nghèo tại TP.HCM vào mùa hè 2014 - Ảnh: Quang Đỗ

Khảo sát đã thu hút sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước.

Tự hào xen lẫn trăn trở

Khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ, số người chọn tính cần cù chiếm tỉ lệ 89%, vị tha 87%...

Còn với câu hỏi “Theo bạn, người Việt hiện có những đức tính nào?”, có tới 60% người tham gia chọn tính cần cù, 23% chọn thân thiện...

Cần cù, thân thiện cũng là hai đức tính được bạn trẻ chọn nhiều nhất ở câu hỏi “Khi nghĩ về đức tính của người Việt, bạn nghĩ ngay đến đức tính nào?”. Điều gây bất ngờ ở câu hỏi này là chỉ có 7% chọn tính sáng tạo.

“Tôi nghĩ điều này cũng dễ hiểu, người Việt vốn thông minh, chăm chỉ nhưng với cách giáo dục chuộng bằng cấp, chủ yếu phải học vẹt, học chay như hiện nay thì chúng ta khó có thể gầy dựng tính sáng tạo trong giới trẻ” - bạn Hồng Ngọc (20 tuổi, ĐH Công nghiệp TP.HCM) nêu quan điểm.

Điều đáng lưu ý là có tới 87% chọn phương án trả lời “giảm đi rất nhiều” và “giảm đi” ở câu hỏi “Theo bạn, những đức tính của người Việt hiện đang tăng/giảm so với quá khứ?”.

Tỉ lệ này ở phương án trả lời “giữ nguyên” và “tăng lên” lần lượt chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn là 5% và 7%.

Trong khi đó có tới 94% người được hỏi khẳng định những đức tính của người Việt trong quá khứ lẫn hiện tại đóng vai trò rất quan trọng trong việc giao tiếp quốc tế, xây dựng hình ảnh quốc gia.

​Tính tốt của người Việt đang giảm đi 2
Nguồn: GCOMM - Đồ họa: V.Cường

Sẵn sàng chung tay quảng bá giá trị Việt

Nhiều bạn trẻ đã không giấu được sự băn khoăn khi biết về kết quả khảo sát trên.

“Tôi thấy con số 87% - có sự giảm đi các đức tính của người Việt - là khá cao và hơi bất ngờ, nhưng ngồi ngẫm lại thì có thể đúng. Đơn cử những lần người dân tham gia hôi bia ở Biên Hòa, hôi của ở các khu công nghiệp Bình Dương vừa qua... rồi thấy người bị nạn thì dửng dưng, không quan tâm đã cho thấy những nét xấu xí của nhiều người Việt” - bạn Trần Văn Khôi (25 tuổi, nhân viên kinh doanh ở Q.1) nói.

Tuy nhiên, Văn Khôi cũng cho rằng nhiều người cảm thấy bi quan về các giá trị, đức tính của người Việt một phần có thể do ảnh hưởng tiêu cực từ truyền thông.

“Nếu báo đài hạn chế đưa những tin giật gân, hình ảnh xấu xí nhằm câu khách, thay vào đó quảng bá những câu chuyện đầy tính nhân văn, thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống... thì ắt hẳn tỉ lệ trên sẽ không cao đến như vậy. Chúng ta cần nhiều câu chuyện đẹp trên báo hơn” - bạn khẳng định.

Có tới 93% người tham gia khảo sát khẳng định “rất sẵn lòng” và “sẵn lòng” chung tay duy trì, phát huy những giá trị, đức tính tốt đẹp của người Việt.

“Nhìn nhận một cách khách quan thì ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Ngay cả ở những nước đã phát triển thì tính cách người dân chưa chắc hoàn thiện. Cá nhân tôi rất tự hào về dòng máu Việt và luôn sẵn lòng giới thiệu những câu chuyện, phẩm chất tốt đẹp của người Việt với bạn bè quốc tế” - Lê Duy Quang (33 tuổi, chuyên viên ngân hàng) chia sẻ.

Chia sẻ