Tình nghĩa bánh phu thê
Phu thê là loại bánh không thể thiếu trong các lễ vật cưới hỏi cổ truyền của dân tộc ta. Trong chiếc bánh đơn sơ ấy chất chứa bao nhiêu những nét đẹp văn hóa của người dân Việt.
Trải qua bao nhiêu thời gian, nhưng nguyên liệu cũng như cách làm bánh không hề thay đổi. Khâu khó và quan trọng nhất là khâu làm bột bánh, người ta hay chọn loại gạo nếp cái hoa vàng với hạt to, đều và chắc để làm bột bánh. Gạo nếp đem vo sạch, để ráo nước, dùng cối giã nhuyễn vài lần, rồi lọc lấy tinh bột. Tinh bột sau đó phải phơi khô 15 ngày mới có thể mang làm bánh được, nếu làm ngay bánh sẽ bị nát và ăn không ngon.
Thông thường, chiếc bánh phu thê có màu vàng trong suốt. Để làm ra màu vàng này, người ta phải sử dụng một loại hoa gọi là hoa dành dành. Loại hoa này đem phơi khô, sau đó ngâm vào nước để chiết xuất ra loại nước màu vàng trộn vào bột làm vỏ bánh.
Chế biến nhân bánh phu thê khá dễ: đậu xanh nấu chín, sau đó nghiền mịn, thắng với đường, trộn thêm một chút dừa nạo, một chút vừng và mứt sen. Cầu kỳ hơn, người ta có thể trộn chung vào bánh một chút đu đủ xanh nạo, để bánh được đậm đà hơn.
Bánh phu thê được hấp trong khuôn hình vuông. Người ta dàn một lớp bột vỏ bánh vào trong khuôn, sau đó xếp nhân vào và cuối cùng lại đặt một lớp bột nữa lên trên rồi đem đi hấp. Đợi khi bánh nguội, người ta bắt đầu gói bánh. Bánh được gói bằng 2 lớp: lớp bên trong là lá chuối, bên ngoài cùng là lá dong và buộc bằng dây lạt màu hồng.
Vị ngon của bánh phu thê đến từ cái nhìn: bạn sẽ luôn luôn thích thú với sự hòa trộn màu sắc của chiếc bánh. Đó là một màu vàng hổ phách trong suốt, màu xanh mát mắt của lớp lá, màu đen của vừng, màu trắng của cơm dừa, màu đỏ của lạt buộc.