Tình ngay lý gian vì cái "ngàn vàng"
Mỗi thời điểm, các tiêu chuẩn và giá trị của chữ "trinh" lại có đôi chút thay đổi. Tuy nhiên, không ít người vẫn đặt nặng vấn đề "trinh tiết" để rồi xảy ra nhiều chuyện bi hài.
|
Sành điệu và hiện đại, Hiền khá thoáng trong chuyện yêu đương. Người yêu cô tư tưởng cũng khá "cởi mở" với quan điểm “chả tội gì dành hết cho thằng đến sau”. Chính vì lý do đó, chỉ sau hai tháng quen nhau hai người đã trao nhau mọi thứ.
Hiện đại và thoáng nhưng không có nghĩa cả hai không coi tình yêu ra gì. Bằng chứng là cả Hiền và người yêu đều là mối tình đầu và kết quả là một đám cưới hạnh phúc.
Nhưng oái oăm một điều là hai người không lường được mẹ chú rể lại quá cổ hủ. Khi quan khách hai nhà về hết, Huyền chui vào phòng cưới nằm thượt ra giường một lúc mới thấy là lạ. Trên cái đệm Hàn Quốc, hai vợ chồng đích thân chọn là một tấm vải trắng như ga giường bệnh viện.
Đang định quạt cho chồng một trận vì cái thẩm mỹ dở hơi chả hiểu sao lại phát tiết lúc này thì thấy mặt tân lang nghệt ra sau khi bị mẹ chồng kéo ra thì thầm to nhỏ.
Hóa ra chính tay mẹ chồng đã trải tấm vải trắng đó và dặn anh sáng mai phải tận tay nộp để bà yên tâm mọi bề về cô con dâu nết na hiền thảo.
Tá hỏa chả biết làm sao, vì cái “ngàn vàng” đã bay vèo đi tận 3 năm về trước, bây giờ lấy đâu ra mà trình với bẩm. Hai vợ chồng thì thào một lúc, chờ mọi người đi ngủ hết, Tuấn mới lén lút mò ra bếp thủ ngay con dao gọt hoa quả rồi mắt trước mắt sau cắm cổ chạy về phòng.
Đến lúc này lại vướng chuyện: cắt tay ai. Ai cũng sợ đau, cuối cùng là tội của đàn ông, ai bảo đòi hỏi bây giờ tự đi mà cắt tay rồi bôi ra khăn để báo cáo. Tự cắt thì sợ, nên Tuấn đành thò tay cho vợ “thịt”. Mắt nhắm tịt, Hiền mò mẫm xoẹt một phát, ai ngờ dao sắc quá, đi một miếng gần khá sâu.
Sáng hôm sau nhận lại tấm ga và nhìn tay con quấn băng to đùng bà mẹ Tuấn tin thì ít, ngờ nhiều. May mà, Hiền nết na ngoan ngoãn, đảm đang nên cái sự “giả mạo” cũng không nặng nề cho lắm.
Không thoáng như Hiền, Linh cổ hủ đến cả cách ăn mặc chứ chưa nói đến cái "ngàn vàng". Áo cài kín cổ, váy dài chấm gót, yêu anh nào cô cấm vào chỗ nào cường độ ánh sáng dưới 40W. Hôn nhau thì tay không được “đi du lịch”. Tóm lại là cẩn tắc vô ưu. Thế mà cô lại vướng vào chuyện oan như Thị Kính.
Đêm tân hôn, mặc dù có đầy đủ biểu hiện và triệu chứng của “lần đầu” nhưng cái “bằng chứng” thì chả thấy đâu. Ga giường, gầm giường, khắp phòng cứ là màu sắc như trước khi "lâm trận" ngoại trừ tấm ga có nhàu nát hơn.
Nhìn chồng mặt ngắn tũn, cô phát hoảng. Ngay hôm sau cô phải đi mua quyển sách về giới tính, gạch chân phần “màng trinh” rồi ý tứ để ở đầu giường mà mặt chồng vẫn chẳng dài ra được chút nào.
Cực chẳng đã, cô đành thủ ít mực dấu ở công ty, đêm đấy sau màn hoạt động như thường lệ lén rỏ hai giọt lên ga. Sáng hôm sau ngủ dậy thấy anh chồng đang vò đầu bứt tai nghi hoặc, cô mới giả vờ ngỡ ngàng lật quyển sách giới tính rồi khăng khăng: "Đúng rồi, "em nó" là loại “cao su”, mấy lần nó mới rách". Bán tín bán nghi nhưng cuối cùng chồng Linh cũng coi như là có.
"Chữ trinh đáng giá ngàn vàng nhưng quan niệm về chữ trinh cũng cần thay đổi. Chúng tôi gặp không ít ca tư vấn liên quan đến chuyện tế nhị này và đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến gia đình trục trặc.
Trinh nguyên là khái niệm về xã hội hay luân lý vì thế không thể hoàn toàn đem y học phán xét sự trinh nguyên được. Y học chỉ có thể nhận biết thiếu nữ còn màng trinh hay không bằng cách khám phụ khoa. Tuy nhiên, màng trinh lại không có nghĩa là người con gái còn trinh nguyên, chưa hệ quan hệ tình dục với đàn ông. Vì có thể quan hệ rồi nhưng lại nhờ bác sĩ chuyên khoa vá lại.
Điều quan trọng là tình yêu giữa hai người, sự “trinh nguyên” về tâm hồn, dành tất cả tình yêu cho người chồng, người vợ mới là điều đáng trân trọng"
TTOL