Tìm thấy thi thể cô dâu người Việt trên tàu Sewol

Theo Vietnamplus,
Chia sẻ

Vào lúc 21h58 ngày 23/4, các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy thi thể của chị Phan Ngọc Thanh, cô dâu Việt (hiện mang quốc tịch Hàn Quốc) trong con tàu đắm.

Phóng viên Việt Nam đã cùng bố đẻ chị Thanh là ông Phan Văn Chạy và em gái út Phan Ngọc Hạnh đến bãi biển Bengmok, quận Jindo, tỉnh Chonlanm Do và xác nhận thi thể của cô dâu Việt xấu số Phan Ngọc Thanh.

Chị Thanh, quê ở Cà Mau, cùng chồng và hai con nhỏ đi trên chuyến tàu Sewol định mệnh chìm ngoài khơi bờ biển phía tây nam Hàn Quốc ngày 16/4.

Tìm thấy thi thể cô dâu người Việt trên tàu Sewol 1
  Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye an ủi bé Kwon, con gái chị Thanh, trong cuộc gặp gỡ các gia đình có người thân mất tích trên tàu Sewol. Ảnh: Yonhap.

Chị Phan Ngọc Thanh sinh ngày 28/2/1985 tại Cà Mau, lấy chồng rồi sau đó nhập quốc tịch Hàn Quốc ngày 10/7/2013 với tên tiếng Hàn là Han Yun Ji.

Gia đình Việt Hàn này đã sinh hai người con là bé trai Kwon Hyuk Kyu (6 tuổi) và bé gái Kwon Ji Yeon (5 tuổi).

Sau một thời gian sống tại Seoul, cả gia đình đã gói ghém hành lý lên tàu hôm 16/4 để tới đảo Jeju lập nghiệp.

Tuy nhiên, đó lại là chuyến đi định mệnh. Các nhân viên cứu hộ chỉ tìm thấy bé Kwon Ji Yeon còn sống, với chiếc áo phao được chính anh trai nhường cho.

Nỗi oan của những thủy thủ cứu người trên tàu đắm

Nhiều người gọi hành động của các thành viên thủy thủ đoàn là “hèn nhát”. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye cho rằng việc thuyền trưởng và một số người trong đoàn thủy thủ bỏ mặc hành khách để thoát khỏi tàu là "hành vi giết người không thể tha thứ”.

Tìm thấy thi thể cô dâu người Việt trên tàu Sewol 2
  5 người anh hùng đã bất chấp tính mạng để cứu sống những người khác. Ảnh: Twitter.

Một số người cố gắng thoát khỏi tàu và thuyền trưởng là một trong số họ. Nhưng không phải tất cả thủy thủ đoàn đều hành xử hèn nhát như vậy. Ít nhất 7 người trong số 29 thành viên thủy thủ đoàn vẫn mất tích hoặc đã chết. Nhiều người khác đã ở lại tàu để giúp đỡ các hành khách trong tình huống nguy cấp, AP đưa tin.

Khi tàu Sewol dần chìm xuống biển, nữ thuyền viên Park Ji Young, 22 tuổi, vẫn bình tĩnh hướng dẫn hành khách mặc áo phao rồi đẩy họ thoát ra ngoài. Cô đã tử nạn khi cố gắng giải cứu các hành khách ở tầng 3 và 4.

“Anh đang cố gắng cứu bọn trẻ. Đó là những lời cuối cùng của chồng tôi”, Ahn So Hyun nói với các phóng viên về chồng của cô, anh Yang Dae Hong. Anh là một thành viên của thủy thủ đoàn. Theo Ahn, cuộc nói chuyện cuối cùng qua điện thoại giữa hai người, anh đề cập tới việc cứu 323 em học sinh trong tổng số 476 hành khách trên tàu.

Nhiều hành khách sống sót nhớ lại những hành động dũng cảm mà âm thầm của các thuyền viên. Ông Koo Bon Hee, 36 tuổi, kể với AP rằng, vì số lượng áo phao không đủ lớn để dành cho tất cả mọi người trên tầng 3 nên các thuyền viên - gồm một người đàn ông và một phụ nữ - nhường áo phao cho hành khách.

Ông Oh Yong Seok, một người lái tàu 57 tuổi, cho biết, ông và 4 thành viên khác của đội thuyền cứu hộ đập vỡ các cửa sổ trên con tàu Sewol và đưa 6 hành khách mắc kẹt trong cabin đến nơi an toàn. Sau đó, ông và các đồng nghiệp vẫn ở lại giúp đỡ mọi người tới khi lực lượng bảo vệ bờ biển xuất hiện và yêu cầu họ quay trở lại đất liền.

Tại bệnh viện, mắt ông Oh ngấn lệ khi nói về vụ tàu chìm. Trái tim ông tan vỡ khi dõi theo tin tức về những hành khách mất tích. Oh tự dày vò bản thân trước cái chết của các em học sinh đáng tuổi cháu ông.

“Chúng tôi đã trải qua những giờ phút khó khăn nhưng không ai hiểu. Họ chỉ nói rằng, tất cả các thành viên thủy thủ đoàn đã chạy trốn”, ông Oh nói.

Tìm thấy thi thể cô dâu người Việt trên tàu Sewol 3
  Oh Yong Seok, một thành viên trong thủy thủ đoàn trên tàu Sewol, điều trị các vết thương trong bệnh viện Mokpo Hankook ở thành phố Mokpo hôm 19/4. Ảnh: AP

Đêm 21/4, một kỹ sư thuộc thủy thủ đoàn của tàu Sewol tự giam bản thân trong căn phòng khách sạn tại thành phố Mokpo sau khi kể với đồng nghiệp về ý định tự sát. Cảnh sát phát hiện một sợi dây khi khám xét phòng của người kỹ sư. Tuy nhiên, anh vẫn an toàn.


Chia sẻ