Tìm ra manh mối về cách biến thể Delta 'lẩn tránh' hệ miễn dịch
Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể né tránh các kháng thể nhắm vào một số bộ phận của virus, khiến vaccine phòng ngừa bị giảm hiệu quả so với những biến thể khác.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature ngày 8/7 đã cung cấp lời giải thích cho việc vaccine bị giảm hiệu quả khi chống lại Delta.
Biến thể xuất hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ này được cho là có khả năng lây lan cao hơn khoảng 60% so với Alpha – biến chủng tấn công Anh và phần lớn châu Âu vào đầu năm nay - và có thể lây lan nhanh gấp đôi so với chủng SARS-CoV-2 ban đầu.
Biến thể Delta đang làm bùng phát dịch bệnh tại những bộ phận dân số chưa được tiêm phòng ở các quốc gia như Bồ Đào Nha, Malaysia, Indonesia và Australia.
Delta hiện cũng là biến thể nghiêm trọng nhất ở Mỹ. Các ca mắc mới ở nước này đã giảm ở mức thấp nhất kể từ thời kỳ đầu của đại dịch, mặc dù số ca có thể đang tăng lên. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 cũng giảm mạnh. Một phần là do tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao tại Mỹ: 48% dân số đã tiêm chủng đủ liều và 55% đã tiêm ít nhất một liều.
Nghiên cứu mới trên tạp chí Nature chỉ ra rằng Delta hầu như không phản ứng với một liều vaccine, đồng thời xác nhận các nghiên cứu trước đó cho rằng biến thể này có thể né tránh một phần hệ thống miễn dịch, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với Beta - biến thể xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi.
Nhóm nhà nghiên cứu Pháp đã thử nghiệm xem các kháng thể được tạo ra từ vaccine và ở người khỏi bệnh sẽ vô hiệu hóa các biến thể Alpha, Beta và Delta cũng như một biến thể tương tự như virus gốc như thế nào.
Họ đã kiểm tra mẫu máu của 103 người nhiễm virus và kết quả cho thấy Delta ít phản ứng với vaccine hơn Alpha rất nhiều. Một liều vaccine cũng làm tăng đáng kể độ phản ứng với virus. Điều này cho thấy những người đã khỏi COVID-19 vẫn cần tiêm vaccine để chống lại một số biến thể.
Nhóm nghiêm cứu cũng phân tích mẫu máu của 59 người sau khi tiêm mũi một và mũi hai của vaccine AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech. Kết quả, chỉ 10% số người được chủng ngừa một liều AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech có thể vô hiệu hóa các biến thể Delta và Beta trong thí nghiệm. Nhưng liều thứ hai đã tăng con số đó lên 95%. Không có sự khác biệt lớn về mức độ kháng thể tạo ra giữa hai loại vaccine kể trên.
Họ kết luận rằng việc tiêm một liều duy nhất của Pfizer hoặc AstraZeneca sẽ chỉ thu đươc hiểu quả kém hoặc không hiệu quả đối với các biến thể Beta và Delta.
Dữ liệu của Israel và Anh đã minh chứng rộng rãi phát hiện này, mặc dù những nghiên cứu đó cho thấy rằng một liều vaccine vẫn đủ để ngăn ngừa người mắc phải nhập viện điều trị hoặc tử vong do COVID-19.
Theo nghiên cứu, biến thể Delta cũng không phản ứng với kháng thể đơn dòng bamlanivimab của công ty dược Eli Lilly. May mắn thay, ba kháng thể đơn dòng khác được thử nghiệm trong nghiên cứu vẫn giữ được hiệu quả chống lại biến thể.
Tháng 4 vừa qua, với lý do gia tăng các biến thể kháng bamlanivimab, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi giấy phép sử dụng khẩn cấp bamlanivimab như một phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh nhân COVID-19.
Trong diễn biến liên quan, hãng dược Pfizer ngày 8/7 thông báo đang phát triển một phiên bản vaccine khác chống lại biến thể Delta và dự kiến thử nghiệm lâm sàng vào tháng 8.
Pfizer cũng báo cáo kết quả đầy hứa hẹn của thử nghiệm tiêm liều thứ 3 bổ sung. Công ty này cho biết việc tiêm nhắc lại 6 tháng sau liều thứ hai làm tăng hiệu lực của kháng thể chống lại chủng virus gốc và biến thể Beta gấp 5 - 10 lần. Pfizer cho biết mức kháng thể có thể giảm đi sau 6 tháng tiêm chủng và có thể cần tiêm liều bổ sung để chống lại các biến thể.
Tuy nhiên, kháng thể không phải là yếu tố duy nhất trong phản ứng miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu khác đã nêu bật khả năng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm chủng đầy đủ có thể duy trì mạnh mẽ trong nhiều năm, thậm chí chống lại được các biến thể.