Tìm ra chất ức chế tế bào ung thư từ lúa gạo
Hai hợp chất có thể chiết xuất từ nguồn gốc tự nhiên như lúa gạo có tác dụng ức chế tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường.
Một nghiên cứu chuyên sâu đã được Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Xuân, thuộc Đại học Hiroshima (Nhật Bản) và các cộng sự thực hiện, đã chứng minh hai hợp chất có thể chiết xuất từ nguồn gốc tự nhiên như lúa gạo có tác dụng ức chế tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Cancers - tạp chí quốc tế nổi tiếng chuyên nghiên cứu về ung thư.
Trong nghiên cứu chuyên sâu gần đây, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Xuân thuộc Đại học Hiroshima và các cộng sự đã thành công chứng minh hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B có tiềm năng vượt trội trong tiêu diệt các tế bào ung thư và an toàn với tế bào thường. Hai hợp chất này cũng đã từng được chứng minh có tiềm năng chống ung thư, nhưng chưa rõ cơ chế hoạt động.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Quân - Đại học Hiroshima, Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi đã làm rõ hơn về cơ chế, chúng tôi nhận thấy Momilactone A và B làm tăng quá trình hủy và kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài ra, chúng tôi phát hiện ra rằng với một hàm lượng tương đương gây chết tế bào ung thư thì Momilactone A và B an toàn với tế bào thường".
Phòng thí nghiệm do Giáo sư Trần Đăng Xuân đứng đầu cũng là một trong số ít phòng thí nghiệm trên thế giới có thể chiết xuất thành công Momilactone A và B với hiệu xuất cao từ các nguồn tự nhiên như từ gạo hay vỏ trấu, đây vốn là hợp chất rất khó phân lập, tinh chế và được định giá đắt hơn nhiều lần so với vàng.
Nhóm nghiên cứu cho biết, đây mới chỉ là thành công bước đầu trong phát hiện tác dụng và phương pháp hiệu quả để chiết xuất hai hợp chất này, nhóm sẽ tiếp tục các nghiên cứu, thúc đẩy sớm thử nghiệm lâm sàng, cũng như phát triển các phương pháp chiết xuất ưu việt hơn, nhanh chóng đưa hai hợp chất này vào sử dụng và điều trị thực tế cho bệnh nhân ung thư.
"Một số công ty dược tại Nhật Bản đang cùng chúng tôi nghiên cứu sản xuất Momilactone A và B theo quy mô công nghiệp, ngoài ra một số viện nghiên cứu Việt Nam cũng cùng chúng tôi nghiên cứu để lai tạo sản xuất một số giống lúa của Việt Nam giàu Momilactone A và B", Tiến sĩ Nguyễn Văn Quân cho biết thêm.
Việc phát hiện đặc tính ưu việt chống lại tế bào ung thư của hai hợp chất Momilactone được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho các nghiên cứu và phát triển các loại thuốc điều trị ung thư hiệu quả trong tương lai. Theo Giáo sư Trần Đăng Xuân, Việt Nam có nhiều giống lúa có hàm lượng Momilactone cao, nếu có thể ứng dụng nghiên cứu này vào thực tế cũng giúp nâng cao giá trị lúa gạo của Việt Nam.