Tìm hiểu căn bệnh quái ác đằng sau thử thách "dội nước đá lên người"
Hiểu thêm về căn bệnh nguy hiểm ALS đang được gây quỹ trên thế giới nhờ thử thách "dội nước đá lên người".
Trong thời gian vừa qua, dư luận thế giới đang “sốt xình xịch” vì hiện tượng Ice Bucket Challenge (tạm dịch: Dội nước đá lên người) nhằm ủng hộ một quỹ từ thiện chống lại căn bệnh ALS.
Trào lưu được Pete Frates - cầu thủ bóng chày đến từ đội tuyển của trường ĐH Boston khởi xướng. Anh là một trong số các bệnh nhân mắc phải căn bệnh chưa có thuốc chữa trị mang tên ALS.
Hiện tượng này nhanh chóng lan rộng, thu hút sự tham gia của cả những nhân vật nổi tiếng như tỉ phú Bill Gates, cha đẻ Facebook - Mark Zuckerberg, siêu sao bóng đá C.Ronaldo…
Vậy sự thật ALS là gì, tại sao nó nguy hiểm và nhận được nhiều sự quan tâm tới vậy? Hãy cùng khám phá và tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
ALS là tên viết tắt của cụm từ Amyotrophic Lateral Sclerosis, tạm dịch là xơ cứng teo cơ một bên. Cái tên này vốn có gốc từ tiếng Hy Lạp cổ - “A - Myo” vốn để chỉ sự nuôi dưỡng cơ bắp, trong khi tiền tố “A” ám chỉ sự bất thường.
Như vậy, ALS có nghĩa là quá trình biến đổi bất thường trong cơ thể, khi cơ bắp không còn được nuôi dưỡng và chết đi. Đây là một trong những căn bệnh kì lạ nhưng vô cùng nguy hiểm mà con người từng ghi nhận sự tồn tại.
ALS còn có tên khác là bệnh Lou Gehrig, được đặt theo huyền thoại bóng chày Mỹ, Lou Gehrig - người được mệnh danh là “Người sắt” khi còn thi đấu.
Ông mắc phải chứng xơ cứng teo cơ một bên khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và qua đời chỉ 2 năm sau khi được chẩn đoán ở tuổi 39. Ngoài ra, nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking và tay guitar Jason Becker cũng là những nạn nhân của ALS.
Chúng ta biết rằng, cơ thể có nhiều loại neuron thần kinh đảm nhận những chức năng khác nhau. Có loại tham gia trong quá trình vận động của não, có loại ảnh hưởng tới các phản ứng không điều kiện của cơ thể (cảm giác nóng, lạnh, đói)…
Đối tượng tấn công của ALS là hệ thống thần kinh vận động, tức là các neuron phụ trách hoạt động và sức mạnh của các cơ bắp.
Về cơ chế, ALS khiến cho các tế bào thần kinh vận động nói trên không truyền được tín hiệu tới các cơ bắp như chân, tay, ngực…
Khi tế bào cơ không nhận được xung động tín hiệu của não và tủy, chúng mất dần sức mạnh. Theo thời gian, cơ teo dần và cuối cùng là chết hoàn toàn. Thời điểm cơ bắp không còn hoạt động, bệnh nhân cũng sẽ không thể qua khỏi được nữa.
ALS không phải bệnh truyền nhiễm và rất khó dự đoán sớm vì cho tới nay, nguyên nhân gây ra căn bệnh này vẫn chưa được khẳng định chính xác.
Mặt khác, có tới 90% người mắc bệnh này một cách ngẫu nhiên, chỉ có 10% các trường hợp được ghi nhận là do ảnh hưởng gene di truyền của gia đình.
Đặc biệt, ALS tấn công mà không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Tất cả mọi người, từ già tới trẻ, nam hay nữ, béo hay gầy… đều có nguy cơ mắc bệnh mà không hề biết trước.
Những triệu chứng ban đầu của ALS thường xuất hiện ở chân, cánh tay, cổ họng hay phần ngực trên. Người mắc bệnh này ban đầu thường hay bị ngã mà không hiểu lý do vì sao, khả năng điều khiển tay yếu dần và khó nuốt khi ăn.
Bệnh phát triển với tốc độ rất cao và phá hoại cơ thể người bệnh. Khi mắc ALS, bệnh nhân nhanh chóng không còn khả năng đi bộ, cầm, nắm bằng tay, mắt khép hoặc mở rất khẽ vì cơ ở bộ phận này đã yếu đi.
Trong giai đoạn cuối cùng, người bệnh thậm chí sẽ bị nghẹn hay tắc thức ăn ở phổi do cơ nuốt không còn khả năng vận động.
Thông thường, người mắc ALS chỉ sống được thêm từ 3 - 5 năm kể từ khi được chuẩn đoán. Cho tới nay, chưa có một phương thuốc đặc trị nào giúp chữa lành hoàn toàn căn bệnh này.
Qua nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia y tế chỉ tìm ra được một chất có tên Riluzole với tác dụng cải thiện và kéo dài sự sống cho người bệnh song cũng chỉ là tạm thời.
Theo các chuyên gia, việc duy trì hoạt động nhẹ nhàng sẽ giúp tăng sức mạnh cơ bắp, làm chậm quá trình teo cơ khi mắc ALS, từ đó giảm đau đớn cho người bệnh.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: MDA, ALSA, ALSBC, Wikipedia...