'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài

Trung Hạ,
Chia sẻ

Andres Valencia nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật Mỹ chỉ với một tác phẩm duy nhất có giá 6 con số (tính theo USD).

Tranh được triển lãm tại Art Basel diễn ra ở Miami (hội chợ nghệ thuật quốc tế vì lợi nhuận, thuộc sở hữu tư nhân, được quản lý và tổ chức hàng năm), sở hữu một phòng tranh nổi tiếng ở New York để tổ chức triển lãm cá nhân, bán được 35 bức tranh với số tiền “khủng” cho các ngôi sao Hollywood - Đây chính là những thành tích của cậu bé 10 tuổi Andres Valencia, họa sĩ trẻ nhất tham dự Art Basel trong lịch sử. 

'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài - Ảnh 1.

Andres Valencia

Năm 2022, Valencia nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật Mỹ chỉ với một tác phẩm duy nhất có giá 6 con số (tính theo USD). Cậu bé nhút nhát này đã xuất hiện trên nhiều truyền thông quốc tế như The Times, New York TimesForbes, và mệnh danh là "tiểu Picasso" và "thần đồng nghệ thuật". 

Thành công của Valencia đương nhiên gây ra nhiều tranh cãi. Một số chỉ trích cha mẹ cậu bé đã hợp tác với các họa sĩ để thổi phồng tên tuổi con trai, nhiều người khác lại xem Valencia như một minh chứng điểm nhấn của thị trường nghệ thuật hiện đại. 

Đam mê hội họa được đánh thức

Valencia đi qua đi lại quanh khu vực triển lãm, nghịch chiếc huy hiệu đeo trên cổ, giới thiệu tác phẩm của mình với các phóng viên. 

Giọng nói non nớt và chậm rãi. Vì chiều cao có hạn, các phóng viên đang đưa tin về Valencia đều phải ngồi xổm xuống để nói chuyện với cậu bé. 

Khi nói về tác phẩm, Valencia tỏ ra khá chuyên nghiệp: "Cháu luôn muốn vẽ trên vải toan", "Bức tranh này hình như được vẽ khi cháu 9 tuổi", "Tô màu bức tranh này cần nhiều loại cọ khác nhau". 

Một phóng viên của ABC đã chỉ vào một bức tranh và hỏi: "Bức này được gọi là gì?". 

"Nó được gọi là The Observer (Người quan sát)", Valencia đáp.

"Người quan sát? Tại sao lại gọi như vậy?".

"Vì nó có nhiều mắt!".

'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài - Ảnh 2.

Được biết, Valencia sinh ra ở San Diego (California, Mỹ), bố là luật sư và quản lý, mẹ là nhà thiết kế trang sức. 

Khi 4 tuổi, Valencia được bố mẹ đưa đến một nhà hàng ở San Diego ăn tối. Những bức tranh treo trên tường trong nhà hàng đã hấp dẫn Valencia. Đó là tác phẩm của nghệ sĩ graffiti, Retna.

Bố mẹ Valencia phát hiện cậu bé ngày càng dành nhiều thời gian hơn để vẽ tranh trong phòng. Ban đầu chỉ là những nét nguệch ngoạc bằng bút dạ, sau đó cậu bé đã nhờ bố mẹ mua thêm màu vẽ, vải chuyên dụng và bút vẽ đặc biệt. 

"Có tâm hồn già nua"

Valencia chưa bao giờ được đào tạo chính quy về nghệ thuật và cậu bé đã tự học bằng cách xem video trên YouTube và các trang website khác. Ba nghệ sĩ yêu thích của Valencia là Picasso, Condo và Gerhard Richter. Cậu bé cũng thích nghiên cứu các tác phẩm của Van Gogh, Georges Braque và Salvador Dali... 

Valencia học sáng tạo theo video và phim hoạt hình vì khả năng đọc hiểu từ ngữ chưa hoàn thiện. Cậu bé liên tục sao chép tác phẩm của các họa sĩ khác để mài giũa kỹ năng. Nếu cảm hứng đến bất chợt, Valencia sẽ bật dậy khỏi giường để vẽ trong khi đã 10 giờ tối.

"Andres bắt đầu vẽ khi mới 4-5 tuổi. Những nhân vật mà thằng bé vẽ khiến chúng tôi bất ngờ. Nghệ thuật của con tôi có chút khác biệt", Elsa, mẹ của Valencia nói. 

"Tôi hỏi thằng bé tại sao vẽ các bức vẽ phức tạp như vậy, tại sao khuôn mặt lại biến dạng như thế? Thằng bé chỉ trả lời là không biết, nghĩ sao vẽ vậy. May mắn là sau khi vẽ xong, thằng bé tự động dọn dẹp màu vẽ và tranh giấy cùng quần áo bẩn”, Elsa chia sẻ.

'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài - Ảnh 3.

Valencia thể hiện gu nghệ thuật “trưởng thành” với truyền thông. Theo lời của Elsa, Valencia "có một tâm hồn già nua". 

Valencia nói với báo chí Pháp rằng khi vẽ tranh, cậu bé thích ở trong phòng nghe The Beatles, Jimi Hendrix và Queen, loại nhạc yêu thích của thế hệ cha mẹ cậu bé. 

"Cháu chơi piano từ năm 6 tuổi và bây giờ cháu đang học chơi guitar. Cháu thích xem phim tài liệu về phong trào dân quyền. Thần tượng của cháu là Harriet Tubman (nhà hoạt động nhân đạo hoạt động chống lại chế độ nô lệ Người Mỹ gốc Phi) và Martin Luther King (nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi và là người đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 1964)".

Khi không vẽ, Valencia sưu tập các mô hình Hasbro và là một fan của Pokémon. 

Valencia đến muộn 20 phút trong buổi hẹn phỏng vấn của tờ New York Post vì “mẹ hứa đưa cháu đi mua đồ chơi”.

"Thành danh sau 36 giờ"

Valencia trưởng thành rất nhanh, cha mẹ "dường như không thể theo kịp tiến độ nghệ thuật của con trai". 

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, bố mẹ của Valencia cuối cùng đã đồng ý mua những bức vải lớn để con trai thỏa sức sáng tạo. Bức vải lớn đến nỗi cậu bé phải đứng trên ghế đẩu để vẽ. 

Ban đầu, các tác phẩm nghệ thuật được bố mẹ dự định bán cho người thân và bạn bè với giá 20 USD. Bố mẹ cậu bé đã lập tài khoản mạng xã hội để ghi lại toàn bộ quá trình sáng tác của con trai, thu hút người hâm mộ trên khắp thế giới. 

'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài - Ảnh 4.

Bố của Valencia từng là quản lý cho các vận động viên và nghệ sĩ địa phương nổi tiếng, đã gặp Bernie Chase, người sáng lập phòng tranh Chase Contemparary. Khi Chase nhìn thấy tác phẩm của Valencia, ông cho biết có thể bán với 100 USD.

Bố của Valencia đáp: “Không, nó trị giá 5.000 đô”

Chase gật đầu đồng ý, không chỉ mua mà còn lấy tranh của Valencia tổ chức triển lãm mang tên "No Rules" ở New York. Tất cả những bức tranh này hiện đã được bán hết. Chase tin chắc rằng nghệ thuật ở Valencia là "khác biệt" và cậu bé sẽ là "nhân vật lớn trong tương lai của nghệ thuật hiện đại".

Nick Korniloff, giám đốc nghệ thuật của Art Basel Miami, người đã quyết định mời cậu bé 10 tuổi tham gia triển lãm sau khi được Chase giới thiệu về tác phẩm của Valencia. 

Nick Korniloff cho biết vô số khách đến xem tranh không thể tin đường đứa trẻ 10 tuổi lai có thể vẽ ra những bức tranh này. 

“Tôi đã làm nghệ thuật 30 năm và chưa bao giờ thấy một họa sĩ tài năng nào ở độ tuổi trẻ như vậy. Trách nhiệm của thế giới nghệ thuật là tìm ra một họa sĩ vĩ đại tiếp theo, tôi đã thấy điều này ở Andres. Cậu bé đã nổi tiếng toàn cầu chỉ sau 36 giờ trưng bày”, Korniloff cảm thán. 

Cái mác "thiên tài" bị hoài nghi

Là nghệ sĩ trẻ nhất trong lịch sử tổ chức triển lãm tranh tại Art Basel ở Miami, Valencia đã thành công vang dội như Kornilov dự đoán. 

Good Morning America đưa tin về Valencia và sau đó cậu bé đã phủ sóng rộng khắp trên nhiều truyền thông quốc tế. Các ngôi sao Hollywood như Channing Tatum, Sofia Vergara và Jordan Belfort mua các bức tranh của Valencia vào năm 2022 tại triển lãm cá nhân "No Rules"

"Cháu rất vui vì mọi người thích những bức tranh của cháu", Valencia nói với New York Post.

Tờ New York Post nhận xét: “Valencia đã thể hiện sự khôn ngoan đáng kinh ngạc trong việc bán các tác phẩm nghệ thuật của mình. Bố mẹ cậu bé cho biết các bức tranh của Valencia đã bán được tổng cộng 300.000 USD, nhiều bức tranh trong số đó được quyên góp cho các tổ chức từ thiện AIDS và dành cho trẻ em”.

'Tiểu Picasso' nổi danh thế giới chỉ sau 36 giờ, bị hoài nghi về cái mác thiên tài - Ảnh 6.

Tờ Los Angeles Times cho rằng những "thiên tài nghệ thuật" như Valencia đều có chung một kịch bản, nhưng hầu hết kết thúc không có hậu như người ta hy vọng. 

“Cứ sau vài năm lại có một họa sĩ nhí ‘thiên tài’ xuất hiện, trở thành ‘tiểu Braque’ hoặc 'tiểu Picasso'. Câu chuyện của mọi thiên tài đều giống nhau, đứa trẻ đứng trên ghế và vẽ, thị trường trả tiền cho sự bất thường mới lạ này”. 

Năm 2009, cô bé Aelita Andre (4 tuổi) đã có một buổi triển lãm cá nhân. Các nhà phê bình nghệ thuật gọi tác phẩm của cô bé là "nghệ thuật trừu tượng rất trưởng thành". 

Cùng lúc đó, giới truyền thông Mỹ phát hiện ra Marla Olmstead, tác phẩm của cô bé được ca ngợi là "mới mẻ và gây sốc", được bán với giá hàng chục nghìn USD. 

Hiện tại, cả hai không còn được truyền thông chú ý. Mara tổ chức buổi triển lãm cá nhân cuối cùng vào năm 2013 và từ đó đến nay chưa bao giờ cập nhật trang website cá nhân, cũng như không được giới truyền thông mời phỏng vấn. 

Tờ Los Angeles Times viết: "Nghệ thuật của những đứa trẻ mệnh danh thiên tài có lẽ là hiện thân của sự tự do và hồn nhiên mà người lớn khao khát. Nhưng không đứa trẻ nào có thể vẽ ‘Bữa ăn tối cuối cùng’ hay ‘Mona Lisa’ của Leonardo da Vinci, bởi vì chúng không có khả năng đó. Tác phẩm của các họa sĩ nhi đồng thiếu ý nghĩa và chúng có thể chỉ tốt cho việc đưa tin, triển lãm và bán hàng".

Tờ Atlantic Monthly hỏi Valencia về việc dấn thân vào thế giới nghệ thuật: "Thế nào là một thần đồng thực sự? Liệu các thần đồng có thể tạo ra những bước đột phá mới sau này không? Cháu có suy ngẫm về tác phẩm của chính mình không? Thần đồng được đánh giá bởi công chúng hay số liệu khoa học?". 

Tạp chí này trích dẫn nghiên cứu của các nhà tâm lý học, cho rằng thần đồng nghệ thuật khác với thiên tài toán học, âm nhạc, cờ vua, càng khó đánh giá và đưa ra tiêu chuẩn.

Nhiều nghi hoặc được đưa ra đối với sự phát triển trong tương lai của Valencia. Song điều không thể phủ nhận là những bức tranh của cậu bé rất được đón nhận. 

Bố mẹ của Valencia vẫn cố gắng ủng hộ và tạo điều kiện để con trai được vùng vẫy trong thế giới nghệ thuật cho đến khi cậu bé dừng lại mới thôi.

Nguồn: Thepaper

Chia sẻ