Tiểu Long Nữ xinh vì Kim Dung... mê phụ nữ đẹp
"Cha đẻ" của "Thần điêu đại hiệp" thừa nhận ông xây dựng các nhân vật nữ của mình đều là tuyệt sắc giai nhân vì ông thích phụ nữ đẹp, và "yêu" luôn các nhân vật nữ này.
Cũng như nữ văn sĩ Đài Loan Quỳnh Dao, tiểu thuyết của Kim Dung có mặt khắp nơi, là tác phẩm “gối đầu giường” của độc giả nhiều thế hệ người Hoa trên khắp thế giới. Song truyện Kim Dung không chỉ đọc giải trí, mà từ lâu chúng đã trở thành “đối tượng văn học” để nghiên cứu như một dòng văn học chính thống với tên gọi “Kim học”.
Kim Dung chỉ là bút danh, còn tên thật của ông là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại thị trấn Viên Hoa, huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Từ năm lên 8, cậu bé Tra Lương Dung đã có dịp tiếp xúc với tiểu thuyết võ hiệp, để rồi nuôi dưỡng niềm đam mê lớn - sáng tác truyện võ hiệp. Tuy nhiên, mãi đến năm 1955, khi bước sang tuổi 31, Tra Lương Dung mới thực hiện được giấc mơ của mình với tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục. Bút danh Kim Dung cũng xuất hiện từ đấy.
Tiểu thuyết Thư kiếm ân cừu lục đăng nhiều kỳ trên nhật báo Buổi chiều mới Hong Kong, rất được độc giả yêu thích. Đó là động lực khiến Kim Dung quyết tâm lao vào sáng tác truyện võ hiệp, liên tiếp cho ra đời những tác phẩm để đời sau này.
Năm 1957, Anh hùng xạ điêu xuất hiện trên Thương báo Hương cảng; năm 1959, Thần điêu đại hiệp được chọn làm “tiêu điểm” tạo sự chú ý của độc giả khi Kim Dung sáng lập Minh báo. Cùng năm này, báo Buổi chiều mới Hong Kong đăng tiếp tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, tạo nên “cơn sốt” chưa từng thấy.
1961 có lẽ là năm sung sức nhất của Kim Dung khi ông tung ra đến ba tác phẩm trên Minh báo: Ỷ thiên đồ long ký, Uyên ương đao và Bạch mã khiếu tây phong. Là “báo nhà”, vì vậy mà độc giả Minh báo luôn được Kim Dung ưu ái nên năm 1963, ông đã chọn giới thiệu Thiên long bát bộ, ngoài ra còn bán bản quyền cho báo Đông Nam Á tiểu thuyết Liên thành quyết.
Năm 1965, Minh báo ra phụ trương Nguyệt san Minh báo, được Kim Dung “câu khách” bằng tiểu thuyết Hiệp khách hành. Sang đến năm 1967, Minh báo phát hành thêm tuần báo, đăng độc quyền tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ. Và năm 1972, sau khi hoàn thành Lộc đỉnh ký, Kim Dung quyết định gác bút, không viết truyện võ hiệp nữa.
Trong gần 20 năm sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung đã cho ra đời 15 bộ, trong đó có 14 bộ truyện dài và 1 tập truyện ngắn. Mặc dù không phải tác phẩm nào cũng ăn khách nhưng giờ đây, khi nhắc đến Kim Dung là người ta nghĩ ngay đến “truyện võ hiệp”. Hơn thế nữa, tên tuổi của ông luôn gắn liền với những tác phẩm điện ảnh - truyền hình võ hiệp nổi tiếng, quen thuộc dù trước cũng như sau ông còn nhiều cây viết khác như Cổ Long, Ôn Thoại Ân… cũng đình đám không kém.
Trương Trí Lâm (vai Quách Tĩnh), Chu Ân (vai Hoàng Dung) và Lưu Đan (vai Hồng Thất Công). Cảnh trong phim "Anh hùng xạ điêu"
Dòng phim võ hiệp Kim Dung trường thọ
Ngay từ lúc tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đang thu hút độc giả trên mặt báo thì các nhà làm phim của điện ảnh Hồng Kông đã tranh nhau đưa lên màn ảnh rộng. Tuy nhiên, phim Kim Dung chỉ thật sự tạo thành “hiện tượng” khi xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Có thể nói, chính những tác phẩm của Kim Dung đã góp phần hình thành nên “giai đoạn hoàng kim” của phim truyền hình Hong Kong thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Đài truyền hình Giai thị có công khai pháo cho dòng phim truyền hình Kim Dung khi chuyển thể tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu vào năm 1975. Và từ đó đến nay, 12 trong số 14 bộ truyện dài của ông liên tục “leo lên” màn ảnh nhỏ với nhiều bản dựng khác nhau: Thư kiếm ân cừu lục 7 lần, Anh hùng xạ điêu 9 lần, Ỷ thiên đồ long ký 7 lần, Thần điêu đại hiệp 8 lần (tính cả phiên bản Vu Chính đang thực hiện), Thiên long bát bộ 5 lần; Tiếu ngạo giang hồ 7 lần, Lộc đỉnh ký 6 lần; Tuyết sơn phi hồ 5 lần, Hiệp khách hành 4 lần, Liên thành quyết 2 lần, Phi hồ ngoại truyện 5 lần và Bích huyết kiếm 5 lần. Riêng 2 tác phẩm Uyên ương đao và Bạch mã khiếu tây phong chỉ xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Trước đây, phim võ hiệp ở Trung Quốc bị xem là “rẻ tiền” nhưng từ năm 1999, sau khi Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc thực hiện bộ phim Tiếu ngạo giang hồ thì thị trường rộng lớn này đã bùng lên trào lưu “nhà nhà làm phim võ hiệp”, đặc biệt là dựng lại những tác phẩm của nhà văn Kim Dung.
Người có công hình thành dòng phim võ hiệp Trung Quốc chính là nhà sản xuất Trương Kỷ Trung. Ông đã giới thiệu đến công chúng Đại Lục nhiều tác phẩm ấn tượng, như Tiếu ngạo giang hồ, Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Lộc đỉnh ký, Bích huyết kiếm…
Chưa có một thống kê chính xác nhưng ước tính, đã có hơn 100 bộ phim điện ảnh và truyền hình ra đời từ những trang viết của Kim Dung. Điều đáng nói là hầu như bản thân Kim Dung chẳng hài lòng với bất cứ bộ phim nào, kể cả bộ phim Tiếu ngạo giang hồ mà ông đặt rất nhiều kỳ vọng, khi lấy tượng trưng một đồng Nhân dân tệ tiền tác quyền của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ông giải thích, sở dĩ cứ phải giao những đứa con tinh thần cho giới làm phim vì... ông không thể từ chối: “Có trách thì trách mình sinh con mà không có thời gian quan tâm chăm sóc, phải gửi chúng ở nhà trẻ. Nhà trẻ nào nuôi nấng không đàng hoàng, tôi chỉ có quyền lên tiếng góp ý và chuyển con mình sang nhà trẻ khác. Những tác phẩm của tôi cũng vậy, lần chuyển thể này không như ý tôi thì hy vọng vào lần chuyển thể sau. Vả lại, tôi từng có thời gian làm điện ảnh nên hiểu và thông cảm với những nhà làm phim”.
Tuy lên tiếng than thở mãi về số phận long đong của những đứa con tinh thần của mình, song trước những lời đề nghị quá chân thành của giới làm phim, Kim Dung đành phải tiếp tục “gửi con vào nhà trẻ”. Ông bảo: “Ai làm tốt thì tôi lấy ít tiền tác quyền, còn ai làm ẩu thì tôi không bớt cho một xu”.
“Đại hiệp Kim Dung”
Đọc truyện Kim Dung hay xem phim Kim Dung, người ta nghĩ rằng ông phải là một “võ lâm cao thủ”, “võ nghệ đầy mình”. Bởi ngoài anh chàng thái giám dỏm Vi Tiểu Bảo (Lộc đỉnh ký), tất cả những nhân vật nam chính trong tác phẩm của ông đều là “đại hiệp”, “hiệp khách” như Dương Quá (Thần điêu đại hiệp), Quách Tĩnh (Anh hùng xạ điêu), Viên Thừa Chí (Bích huyết kiếm), Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ), Thạch Phá Thiên (Hiệp khách hành), Địch Vân Đại (Liên thành quyết), Kiều Phong (Thiên long bát bộ), Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký), Trần Gia Lạc (Thư kiếm ân cừu lục)…
Trong một cuộc gặp gỡ với sinh viên Trung Quốc, khi được đặt câu hỏi: “Nhiều người đọc truyện của ông đều nghĩ rằng ông rất giỏi võ, có đúng thế không?”, Kim Dung hóm hỉnh trả lời: “Tôi chỉ biết một chút võ công thôi nhưng chủ yếu là lý luận chứ không thể… đánh người. Cũng giống như bóng đá vậy, tôi không biết đá cũng chẳng biết huấn luyện, song khi xem một trận đấu tôi có thể biết nó hay hay dở. Tất cả những chiêu thức võ công trong các tác phẩm của tôi đều do tôi… tưởng tượng ra”.
Ngoài võ công, còn một vấn đề mà nhiều độc giả, khán giả luôn thắc mắc là tại sao các nhân vật nữ của Kim Dung đều xinh đẹp? Thật thà thú nhận mình... rất thích phụ nữ đẹp nên khi cầm bút xây dựng các nhân vật, ông đều miêu tả họ đẹp như mơ. Chính vì vậy, Kim Dung đặc biệt “yêu” các nhân vật nữ của mình.
Đa tình nhưng chung thủy, đó là tính cách mà Kim Dung tự nhận xét về mình, vì thế mà ông cho rằng mình giống với nhân vật Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên đồ long ký) nhất.
Năm nay, Kim Dung đã gần 90 nhưng ông vẫn thường được mời đi diễn thuyết, trò chuyện, trao đổi về những tác phẩm của mình. Dưới mắt độc giả say mê truyện võ hiệp và khán giả yêu thích phim võ hiệp, Kim Dung là người đã tạo nên những huyền thoại võ lâm và là “đại hiệp” của những “đại hiệp” mà ông tạo ra.