Tiêu chuẩn mỹ nam Trung Quốc thời xưa: Càng mong manh yếu đuối, càng được nhiều người mê

Phương Giấy Spiderum,
Chia sẻ

Nhắc tới tiêu chuẩn mỹ nam trong lịch sử, người ta hay nghĩ tới những vị anh hùng khôi ngô dũng mãnh. Thế nhưng, theo sử sách ghi lại, những bậc nam nhi được mến mộ thời bấy giờ lại sở hữu dung mạo khá khác biệt so với tưởng tượng.

Những "anh chồng quốc dân" ở Trung Quốc

Trung Quốc ngày nay dường như đang xuất hiện quá nhiều các "anh chồng quốc dân". Bất kì một chàng diễn viên điển trai, một anh ca sĩ đa tài hay một vận động viên sáu múi nào cũng có thể được chị em tôn lên làm… "chồng". Các tiêu chí để một chàng trai làm thổn thức trái tim chị em khá đơn giản: gương mặt ưa nhìn, cơ bắp cuồn cuộn, lịch thiệp và ga-lăng.

Tiêu chuẩn mỹ nam Trung Quốc thời xưa: Càng mong manh yếu đuối, càng được nhiều người mê - Ảnh 1.

Ninh Trạch Đào - vận động viên bơi lội đang khiến phái nữ Trung Quốc phát sốt.

Nhưng đó chỉ là những gì đang thịnh hành trong xã hội hiện đại. Bất kể ở phụ nữ hay đàn ông, các chuẩn mực về vẻ đẹp luôn thay đổi không ngừng theo bối cảnh và thời gian. Tiêu chuẩn ngoại hình nam giới ở Trung Quốc cũng có sự khác biệt trong những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong xã hội Trung Quốc cổ đại, như thế nào là một mỹ nam quyến rũ? Liệu các tiêu chí ấy có còn tương đồng so với ngày nay?

Vẻ đẹp lí tưởng của nam giới qua các thời kì lịch sử

Trong những câu chuyện cổ được ghi chép lại trong biên niên sử thời nhà Tần (thế kỉ 21 TCN), khi phải lựa chọn giữa một chàng trai thư sinh, nho nhã và một bậc trượng phu đầu đội trời chân đạp đất, nhân vật nữ thường có xu hướng lựa chọn anh chàng thư sinh dịu dàng.

Ngoài ra, trong những ca khúc cổ xưa, người ta thường dùng những hình tượng như "ngọc", "hoa", "tuyết" để miêu tả những người đàn ông đẹp. Ngoài một khuôn mặt tuấn tú, một tiêu chí quan trọng không kém để đánh giá ngoại hình là chiều cao của một mỹ nam.

Tiêu chuẩn mỹ nam Trung Quốc thời xưa: Càng mong manh yếu đuối, càng được nhiều người mê - Ảnh 2.

Người xưa miêu tả đàn ông bằng những từ tưởng chừng chỉ dành riêng cho phái đẹp (Ảnh minh hoạ)

Suốt triều đại nhà Ngụy, nhà Tấn, những bậc nam nhi sở hữu vẻ ngoài thanh tao, có chút "yểu điệu" đã trở thành hình mẫu lí tưởng trong xã hội. Dưới thời nhà Tấn, một nhà thơ nổi tiếng khắp thiên hạ vì… tướng mạo khôi ngô – Phan An. Thậm chí người đời còn có câu "dung mạo tựa Phan An", ý ngợi khen những người có vẻ đẹp tuấn tú.

Tương truyền mỗi lần Phan An ra ngoài đi dạo, mọi người chen lấn chạy theo chiếc xe ngựa của chàng. Phụ nữ, những "người hâm mộ" cuồng nhiệt nhất, tìm cách gây sự chú ý của nam thần bằng cách ném hoa quả lên xe, và bao giờ cũng vậy, Phan An trở về với một xe đầy hoa trái. Theo những ghi chép và tranh vẽ, chàng sở hữu nét đẹp dịu dàng, có chút gì hơi yếu đuối.

Phan An được mệnh danh là tứ đại mỹ nam Trung Hoa (Ảnh minh hoạ)

Sống cùng thời đại với Phan An còn có Vệ Giới, cũng là một nam nhân có ngoại hình xuất chúng, được miêu tả với vẻ đẹp hoàn mĩ như tượng tạc. Ngay từ nhỏ, Vệ Giới đã là một đứa trẻ "xinh đẹp như châu ngọc". Đáng tiếc, chàng qua đời ở tuổi 27 với một lí do dở khóc dở cười – chết vì… quá đẹp. Người ta nói, do luôn luôn bị theo dõi, rình rập, Vệ Giới ăn không ngon, ngủ không yên, rồi sinh bệnh mà mất.

Cái chết kì lạ phần nào minh chứng cho sự mong manh của vị nam thần này.

Mãi đến thời nhà Đường (618 – 907), vẻ đẹp mạnh mẽ, cứng rắn mới bắt đầu được ưa chuộng. Người thời Đường yêu thích những gì to lớn, sắc sảo và gây ấn tượng mạnh, chẳng hạn như hoa đẹp là cánh phải lớn, ngựa tốt là ngựa phải khỏe. Đàn ông cũng vậy, phụ nữ mến mộ những đấng trượng phu mạnh mẽ và vững vàng. Ngoài tướng mạo dũng mãnh, người đàn ông còn phải giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, biết kiếm thuật và võ thuật.

Tiêu chuẩn mỹ nam Trung Quốc thời xưa: Càng mong manh yếu đuối, càng được nhiều người mê - Ảnh 5.

Giả Bảo Ngọc (do diễn viên Dương Dương thủ vai)

Nhưng đến thời nhà Thanh, hình tượng "hoàng tử trong mơ" của các thiếu nữ lại quay trở về những anh chàng mảnh mai, tinh tế và lịch thiệp. Trong tác phẩm Hồng Lâu Mộng, nhân vật chính Giả Bảo Ngọc cũng được miêu tả với dung mạo xinh đẹp như một thiếu nữ, với "khuôn mặt như trăng rằm mùa thu, sắc như hoa buổi sớm, lông mày lá liễu như mực vẽ".

Nhìn chung trong suốt quá trình lịch sử, vẻ đẹp mềm mại, nữ tính dường như có phần chiếm ưu thế. Thật ngạc nhiên vì đó lại từng là hình mẫu "anh chồng quốc dân" lí tưởng mà các thiếu nữ ngày trước mê như điếu đổ.

Nguồn: usa.chinadaily.com.cn

Chia sẻ