Tiết sữa ở vùng kín thay vì ngực: Chứng bệnh siêu hiếm biến người phụ nữ thành bà bầu đau khổ nhất thế giới
Bệnh nhân 29 tuổi là một trường hợp cực kỳ hiếm gặp đối với các bác sĩ khoa sản, khi bộ phận sinh dục của cô cũng tiết ra sữa. Chuyện gì đang xảy ra?
Phải cho con bú là giai đoạn đầy khó khăn với phụ nữ, nhất là những sản phụ mới mang thai lần đầu. Cảm giác ngực đau tức vì căng sữa, nội tiết tố thay đổi ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng..., có lẽ các mẹ bỉm sữa đều thấu hiểu điều này.
Tuy nhiên đối với trường hợp mới được ghi nhận gần đây, quá trình mang thai và cho con bú còn tệ hơn rất nhiều. Không chỉ ngực căng sữa, mà triệu chứng ấy còn xuất hiện ở... bộ phận sinh dục của cô. Thậm chí, khu vực này còn tiết ra cả sữa.
Đó là những gì xảy ra với bệnh nhân 29 tuổi người Áo, được ghi nhận tại khoa sản bệnh viện ĐH Kepler (Áo). Các triệu chứng này xảy ra chỉ 5 ngày sau khi cô hạ sinh người con thứ 2.
Bệnh nhân này đã được các bác sĩ theo dõi sau khi có ghi nhận về hiện tượng sưng tấy và đau tức ở vùng âm đạo. Được biết vì không sinh mổ, vùng âm đạo có một vài vết rạn và được khâu 2 mũi.
"Khi chuyển sang khu chăm sóc, bệnh nhân cho biết vào ngày thứ 4 sau khi sinh, có cả chất lỏng màu trắng sữa tiết ra ở 2 bên âm đạo," - các bác sĩ cho biết.
"Âm đạo của bệnh nhân sưng lên, ở cả môi lớn và môi nhỏ, kéo dài xuống tận hậu môn trong vòng 4 ngày sau sinh."
Ban đầu, các bác sĩ cho rằng nguyên nhân có thể là vì nhiễm trùng vết khâu. Tuy nhiên, khi bệnh nhân chia sẻ rằng cô đã có những triệu chứng tương tự từ lúc sinh con đầu lòng thì các bác sĩ đã phải nghĩ khác. Họ làm một số xét nghiệm, và đã có kết luận cuối cùng.
Chuyện gì đã xảy ra?
Sau khi siêu âm, các bác sĩ cho biết bệnh nhân có một mô vú xuất hiện ở ngoài bộ phận sinh dục - được gọi là hiện tượng mô vú nằm lạc chỗ. Dù không có núm vú phát triển, nhưng tại đây xuất hiện ống dẫn sữa, và đó là lý do vì sao sữa lại tiết ra ở vùng "hiểm hóc" như vậy.
Theo các bác sĩ, câu chuyện này thoạt nghe thì rất khó hiểu và kỳ lạ, nhưng xét về mặt giải phẫu học thì không hề vô lý. Con người cũng giống như các loài động vật có vú khác, sở hữu hệ thống ống dẫn sữa dọc theo 2 bên sườn. Lúc còn thai nghén, đường ống này nằm ở khu vực hình thành núm vú, và đến tuổi dậy thì cơ thể phụ nữ sẽ phát triển mạnh hơn, tạo thành các mô lớn ở ngực được gọi là tuyến vú.
Sơ đồ tuyến vú ở cơ thể phụ nữ trưởng thành. Có thể thấy đường dẫn sữa (milk line) kéo dài dọc theo cơ thể.
Vấn đề nằm ở chỗ núm vú và các mô ngực có thể hình thành ở bất kỳ đâu trên đường dẫn sữa, gây ra hiện tượng một người có nhiều hơn 2 núm ngực (núm vú thứ 3 - polythelia), hoặc như trường hợp của bệnh nhân người Áo là mô ngực hình thành ngay tại âm đạo.
Hiện tượng này thực sự hiếm gặp, nhưng y học đã từng ghi nhận một số trường hợp như vậy rồi. Khoảng 1-5% trẻ gái sinh ra với mô vú nằm lạc chỗ nhưng hiếm khi xuất hiện ở âm hộ mà chủ yếu ở vùng nách. Đa số đều khó phát hiện cho đến khi bộc lộ một số dấu hiệu, như căng tức trong thai kỳ hoặc thậm chí phát triển thành ung thư.
Riêng với trường hợp ung thư, thường chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ mô vú thừa kịp lúc là vấn đề sẽ được giải quyết.
Quay trở lại với bệnh nhân người Áo, những mũi khâu vùng âm đạo dường như đã gây ra hiện tượng kích sữa, khiến sữa tiết ra nhiều hơn và khiến bệnh nhân đau đớn hơn. Các bác sĩ đã phải gỡ chỉ để làm dịu bớt tình hình, đồng thời cho bệnh nhân uống thêm kháng sinh để tránh nhiễm trùng.
May mắn là các triệu chứng này đã giảm bớt sau đó 2 tuần, giúp bệnh nhân an tâm cho con bú như bình thường mà không có bất kỳ vấn đề gì. Dù vậy các bác sĩ cho biết họ chưa cắt những mô ngực thừa của bệnh nhân, bất chấp nguy cơ hình thành ung thư sau này.
"Khả năng các u ác tính sẽ hình thành ở các mô ngực ngoài tử cung, vậy nên cần phải thật cẩn thận trước khi cắt bỏ. Quá trình chẩn đoán phải thực sự cẩn trọng."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Obstetrics & Gynecology.