Tiết lộ "tỷ lệ ăn chia" chạy thận giữa BV Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn
Tại phiên xét xử vụ tai biến y khoa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình chiều nay, theo thông tin luật sư Hoàng Ngọc Biên trình bày, trong hồ sơ vụ án có hợp đồng chạy thận giữa BVĐK Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn, ghi rõ tỷ lệ ăn chia đối với mỗi bên.
Phiên xét xử vụ tai biến y khoa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình ngày 17/5.
Xã hội hóa chạy thận từ năm 2010
Trả lời câu hỏi của luật sư tại phiên tòa chiều 17/5, ông Đỗ Đình Vận – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình – cho biết bệnh viện thực hiện việc xã hội hóa trong chạy thận từ năm 2010, thực chất của việc xã hội hóa này là liên kết kinh doanh trong việc chạy thận.
Tại thời điểm đó, theo lời ông Vận, ông Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình không thông báo cho ông Vận được biết các thông tin chi tiết trong hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn.
“Tôi chỉ biết là Công ty Thiên Sơn có trách nhiệm thanh toán chi phí, lợi nhuận cho bệnh viện vào ngày 25 hàng tháng. Còn lại tôi không được biết các chi tiết trong hợp đồng”, ông Đỗ Đình Vận nói.
Tỷ lệ ăn chia... gây sốc
Trước việc ông Vận trả lời “không biết thông tin cụ thể”, luật sư Hoàng Ngọc Biên (bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương) công bố nội dung ghi trong hồ sơ, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn:
“Thiên Sơn hưởng 90% tổng doanh thu trong tháng, bệnh viện hưởng 10% tổng doanh thu của tháng, số tiền này bệnh viện chi cho chi phí điện nước, ấn phẩm, phụ phí thủ thuật”.
Ông Đỗ Đình Vận khẳng định lại việc chỉ nắm được chủ trương xã hội hóa, còn tỷ lệ phần trăm như thế nào ông không nắm được.
Luật sư tiếp tục công bố thông tin có trong hồ sơ: “Số tiền bên Công ty Thiên Sơn sẽ nhận là 7,7 USD/1 ca chạy thận”.
Về việc này, ông Vận khẳng định không được ông Trương Quý Dương phổ biến và cũng chưa được nghe bao giờ.
Luật sư công bố tỷ lệ ăn chia trong hợp đồng chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. |
Trước đó, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết do số lượng bệnh nhân quá đông, dù bệnh viện có 10 máy chạy thận nhưng vẫn phải phân ra làm 3 ca mỗi ngày mới có thể đáp ứng nhu cầu chạy thận của người bệnh.
Việc ký kết hợp đồng chạy thận giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình là gói thầu riêng, khác với hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại đơn nguyên thận nhân tạo.
Đối với hợp đồng này, phía Thiên Sơn đã không thực hiện mà “bán thầu” cho Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh do bị cáo Bùi Mạnh Quốc là Giám đốc.
* Bác sỹ Hoàng Công Tình, phụ trách khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh Hòa Bình cho biết:
Một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận ít nhất 3 lần/tuần, thậm chí 4 lần nếu không chạy kịp thời chất độc trong cơ thể sẽ ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Tại thời điểm xảy ra vụ án, bệnh viện có xấp xỉ 130 bệnh nhân.
Nếu dừng chạy thận 10-15 ngày, các bệnh nhân này sẽ phải chạy thận ở nơi khác.