Tiếp tục sạt lở, sụt lún đất tại khu vực hồ Đông Thanh
Đánh giá từ đoàn khảo sát địa chất và khí tượng thủy văn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong hôm 20/8, tại khu vực này vẫn có nguy cơ rất cao về trượt lở đất đá.
Nhìn từ trên cao có thể thấy rõ vết nứt dài hay gọi là cung trượt trên sườn đồi, khu vực trồng trọt và có nhà ở của 3 hộ dân xóm 2, thôn Đông Anh.
Trên diện tích hơn 1.000m2 đất đồi trồng cà phê của gia đình bà Phạm Thị Thảo (xã Đông Thanh, Lâm Hà, Lâm Đồng), phát hiện rất nhiều vết nứt. Thậm chí rất nhiều khu vực sạt trượt lớn.
Bắt đầu xuất hiện các vết nứt nhỏ vào đầu tháng 7, sau đó phát triển thành 2 vết nứt dài và sâu bên sườn đồi. Đến nay, các vết nứt cũng xuất hiện ngày càng nhiều và rõ rệt, gây biến dạng đất ở khu vực này. Vật liệu trượt tiếp tục đẩy xuống từ trên sườn dốc, đe dọa trực tiếp đến công trình nhà dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là một trong những điểm sạt lở được đánh giá lớn nhất trong thời gian qua tại khu vực Tây Nguyên. Và tính từ thời điểm bắt đầu bị sạt lở đầu tháng 8 thì đến nay, chỉ sau 3 tuần các vết nứt vẫn tiếp tục mở rộng và đất thì bị sụt xuống khoảng 1m.
Đáng nói là khu vực sạt lở này đang tác động trực tiếp đến cụm công trình của hồ thủy lợi Đông Thanh. Đánh giá ban đầu của đoàn khảo sát, khu vực sườn dốc có nguy cơ rất cao về xảy ra trượt lở đất đá. Cần có các điều tra đánh giá chi tiết để đưa ra phương án xử lý giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra tại đây.