Tiếp tục có ý kiến về nghị định cấm ‘hoa cài ngực’
Quy định "không dùng hoa, nơ cài ngực" có thể phù hợp với nhóm đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước. Còn đối với kênh xã hội, tự quản, không cho thực hiện là “quá lạm”.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Lê Hồng Sơn vừa ký công văn gửi bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Tư pháp, tiếp tục có ý kiến trở lại về nội dung nghị định số 145 của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
Sau khi có phản ứng từ dư luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đã chủ trì một cuộc họp và khẳng định nghị định này “đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp; không đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế” và Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đã “nhất trí” với kết luận này.
Công văn của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu rõ sự “hoàn toàn đồng tình với chủ trương, quan điểm, mục đích cũng như đối tượng, phạm vi điều chỉnh và nhiều nội dung đã được quy định tại nghị định số 145” và tính cần thiết của nghị định này.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, Cục này cho rằng việc phân loại đối tượng điều chỉnh chưa thật sự khoa học, chính xác nên dẫn đến những quy định quá mức cần thiết.
Việc “đặt ra các quy định chặt chẽ, cụ thể về thẩm quyền, thủ tục, trình tự, nội dung buổi lễ, nguyên tắc chi tiêu nhằm bảo đảm nguyên tắc trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, chống phô trương, hình thức, lãng phí và sâu xa, kể cả chống tham nhũng” đối với các chủ thể sử dụng ngân sách nhà nước là đúng và thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Nhưng đối với các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội và tổ chức kinh tế, là nhóm các tổ chức, đơn vị được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự quản về ngân sách thì “không nên can thiệp quá sâu, đặt ra những định chuẩn “quá lạm” trong việc tổ chức ngày lễ kỷ niệm, nghi thức đón nhận hình thức khen thưởng, thi đua của họ”.
Công văn viết: Ví dụ điển hình là các quy định tại điều 23 và điều 24 của nghị định số 145: về trang phục “không dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực...”; hoặc tại điều 24 quy định về biểu diễn nghệ thuật, tặng quà, chiêu đãi có ý “thời gian biểu diễn không quá 30 phút và được ghi rõ trong giấy mời”; “không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo); không tổ chức chiêu đãi”.
Những quy định trên có thể phù hợp với nhóm đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước. Còn đối với nhóm đối tượng theo kênh xã hội, tự quản (tự chủ về kinh tế, kinh phí), không cho thực hiện như trong nghị định là “quá lạm”.