Tiếp sức mùa thi: Những thực phẩm giúp sĩ tử có sức khỏe tốt

Thùy Dung (T/h),
Chia sẻ

Một thói quen ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng trong mùa thi khi mà các sĩ tử phải tập trung cao độ để có kết quả tốt nhất.

Ăn đủ chất, tăng cường thực phẩm lành mạnh

Ngoài việc áp dụng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm thực phẩm (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), các em học sinh nên tăng cường ăn các thực phẩm lành mạnh như: rau, trái cây, ngũ cốc, sữa, cá và thịt gia cầm…, theo Sức khỏe & Đời sống.

Tiếp sức mùa thi: Những thực phẩm giúp sĩ tử có sức khỏe tốt - Ảnh 1.

Ăn uống lành mạnh giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có thể gây bất lợi trong khi học tập và thi cử. Ảnh minh họa

Những thực phẩm này đặc biệt tốt vào mùa thi, giúp cung cấp dinh dưỡng để cơ thể có thể hoạt động ở mức tối ưu, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho hoạt động của não và hỗ trợ duy trì trí nhớ.

Ăn uống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe có thể gây bất lợi trong khi học tập và thi cử.

Sĩ tử nên ăn gì?

Ngũ cốc

Ngũ cốc là nhóm thực phẩm chủ yếu cung cấp tinh bột cho cơ thể, đặc biệt là cung cấp năng lượng cho hoạt động của não.

Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, bánh mì nguyên hạt, các loại đậu, khoai củ… sẽ tốt hơn ngũ cốc tinh chế vì chúng hấp thu vào máu từ từ, giúp lượng đường trong máu ổn định.

Sữa

Tiếp sức mùa thi: Những thực phẩm giúp sĩ tử có sức khỏe tốt - Ảnh 2.

Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh minh họa

Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đầy đủ các chất đạm, chất béo, đường, vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch.

Ngoài ra, một số sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai cũng rất tốt, giúp bổ sung lợi khuẩn và chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa.

Cá rất giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể. Một số loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá mòi… là nguồn cùng cấp omega-3 tuyệt vời.

Omega-3 là một loại axit béo không no rất cần thiết đối với cơ thể, đặc biệt là não bộ và hệ thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ, khả năng tư duy và sự tập trung trong học tập.

Bên cạnh đó protein trong cá dễ tiêu hóa và hấp thu hơn thịt. Vì vậy, để có sức khỏe tốt và tăng cường hoạt động của não, nên cho trẻ ăn cá 2-3 lần/tuần.

Trứng

Trứng giàu đạm, kẽm, sắt, vitamin, đây đều là những chất dinh dưỡng rất cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể, đặc biệt là trí não và hệ miễn dịch.

Chất đạm trong lòng đỏ trứng có thành phần các acid amin tốt nhất. Các chất khoáng như sắt, kẽm, đồng, mangan, iốt... tập trung hầu hết trong lòng đỏ. Cả lòng đỏ và lòng trắng có chất biotin. Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để sản xuất năng lượng cho cơ thể.

Trứng cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin A, D và B12, cũng như choline và lutein, chất dinh dưỡng cần thiết để trao đổi chất, liên quan đến chức năng nhận thức, điều hòa hệ thần kinh và chức năng của não.

Rau xanh và trái cây tươi

Tiếp sức mùa thi: Những thực phẩm giúp sĩ tử có sức khỏe tốt - Ảnh 3.

Các sĩ tử nên ăn các loại rau dền, rau đay, rau lang, rau ngót, rau diếp, rau muống… rất giàu sắt, vitamin nhóm B, vitamin A…Ảnh minh họa

Rau xanh và trái cây tươi chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất, chất xơ, đặc biệt là vitamin C, E, A, kali… tốt cho hệ miễn dịch, bổ mắt và hệ thần kinh.

Các sĩ tử nên ăn các loại rau dền, rau đay, rau lang, rau ngót, rau diếp, rau muống… rất giàu sắt, vitamin nhóm B, vitamin A…

Một số loại trái cây có màu vàng, đỏ chứa nhiều vitamin A rất tốt cho mắt như: dưa hấu, đu đủ, xoài… Các loại quả giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, bưởi, kiwi, dâu tây... chứa chất chống oxy hóa mạnh. Trái cây giàu vitamin C cũng giúp hấp thu sắt, canxi cho cơ thể.

Ngoài ra, mỗi ngày cũng nên ăn một quả chuối để bổ sung thêm kali, vitamin B6 rất tốt cho hệ thần kinh.

Không nên lạm dụng cà phê, nước tăng lực

Rất nhiều sĩ tử lựa chọn việc sử dụng cà phê, nước tăng lực để tỉnh táo hơn tranh thủ thời gian học tập. Chia sẻ với báo Giao Thông, BS Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc sử dụng liên tục trà, cà phê, nước tăng lực sẽ khiến bộ não tỉnh táo nhưng chỉ là cách đánh lừa cảm giác.

Các loại nước tăng lực ngoài tác dụng giúp tỉnh táo còn chứa hàm lượng đường cao, dẫn tới quá tải năng lượng và tăng cân. Việc dùng cà phê, trà đậm đặc hay nước tăng lực số lượng nhiều còn gây thiếu nước, rối loạn điện giải và khiến cơ thể mệt hơn.

Về việc không ít gia đình tìm mua các loại thực phẩm chức năng bổ não cho các sĩ tử, BS Mai cho rằng: Việc phát triển trí não là hành trình dài, không có thuốc nào chỉ uống trong 1-2 tuần giúp các bạn trẻ tự nhiên đang học bình thường trở nên xuất sắc. Với các thực phẩm gắn mác bổ não, bản chất là vitamin, khoáng chất, vitamin B tổng hợp, hoàn toàn có thể bổ sung từ bữa ăn hợp lý.

Còn theo BS Hòa, việc lạm dụng nước trà, cà phê hay bổ sung thực phẩm chức năng thực ra cũng là một dạng cưỡng ép cơ thể. Bởi việc thu nạp kiến thức là cả một quá trình lâu dài, đều đặn.

Thông tin thêm về quan niệm "ăn gì bổ nấy", kiêng ăn trứng vì hình dáng như điểm 0 hoặc nên ăn nhiều đậu đỏ, BS Mai cho rằng, quan điểm này chưa chính xác. Ví dụ, với 100gr óc heo thì chứa tới 10g chất béo và lượng đạm chỉ bằng 1/2 lượng đạm có trong 100g thịt; đây là món khó tiêu do nhiều chất béo và ít đạm, không khuyến khích sử dụng.

Với hạt óc chó giàu omega 3, omega 6 được cho là những dưỡng chất bổ cho hệ thần kinh, chỉ cần ăn 5-6 hạt là đã đủ lượng chất béo cần cho cả ngày. Còn với trứng, trong lòng đỏ có chứa nhiều photpho lipit, giúp hoạt động trí não tốt hơn. Do vậy, không nên kiêng loại thực phẩm nhiều dưỡng chất này.

Chia sẻ