Tiếng thở dài của phụ nữ độc thân tuổi xế chiều

,
Chia sẻ

"Nếu không chịu được cảnh cô đơn thì các em nên quyết định lập gia đình sớm đừng để như cô đến già khổ lắm", đôi mắt xa xăm bà Hoa khuyên nhủ các học trò cũ đến thăm mình.

Bước vào tuổi 60, mỗi khi trái gió trở trời, huyết áp lên đột ngột, bà Hoa phải nhờ đến ông bán chó dạo chở đi bệnh viện. Song đâu đấy ông này về nhà, để lại người phụ nữ độc thân thui thủi trên giường bệnh.

“Trước đây cứ say sưa làm việc, vì nghĩ sống một mình tự do hơn nên không thiết lấy chồng, giờ mới thấy khổ em ạ. Mặc dù nhà cửa đầy đủ tiện nghi không thiếu thứ gì nhưng vào tuổi này sức khỏe yếu dần, những lúc bệnh tật không có ai chăm sóc thấy tủi thân lắm”, bà Hoa thở dài trên giường bệnh.

10 năm liền là giáo viên dạy giỏi ở một trường tiểu học tỉnh Đồng Nai, bà Hoa luôn được đồng nghiệp đánh giá cao bởi khả năng quán xuyến công việc và phương pháp sư phạm thuộc hạng ‘đỉnh’ nhất trường. Không dừng lại ở đó, bà không ngừng phấn đấu để đạt được những danh hiệu cao hơn, từ bằng khen cấp huyện đến cấp tỉnh là giáo viên dạy giỏi. Tuy nhiên con đường rải đầy hoa hồng này đã kết thúc khi cô giáo bước vào tuổi nghỉ hưu.

Đến thăm nhà bà Hoa vào một buổi trưa mùa hè nóng bức, căn nhà nhỏ bé xinh xắn trước đây luôn được trang trí với hoa tươi và những bức tranh trừu tượng nhiều màu sắc do chính tay bà thiết kế. Song kể từ khi bà đổ bệnh, ngôi nhà ấy ngập trong rác, bụi và mạng nhện, những bình hoa héo quắt không có người chăm tưới, những bức tranh bạc màu đang bị mối mọt đục khoét rớt xuống từng mảnh.

"Cô nói thật nếu không chịu được cảnh cô đơn thì các em nên quyết định lập gia đình sớm chứ đừng để như cô đến già khổ lắm", đôi mắt xa xăm bà Hoa khuyên nhủ các học trò cũ đến thăm mình.

Chọn đời sống độc thân vì sợ những đau khổ trong đời sống gia đình, song chị Kim, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân 40 tuổi ở Bình Thuận, TP HCM lại rất yêu trẻ con. Vì thế ngay từ năm 30 tuổi chị quyết định “xin” một đứa con từ anh chàng đẹp trai, thông minh, hào hoa mà chị gặp trong một lần đi công tác. Sau khi có thai với anh này, chị âm thầm từ giã người đàn ông và về nhà nuôi con một mình.

Đến nay bà giám đốc trẻ đã có 2 đứa con trai kháu khỉnh 6 tuổi và 10 tuổi cùng mẹ khác cha, song tất cả đều mang họ mẹ. Mặc dù dành cho con đầy tình yêu và chế độ chăm sóc tốt nhất, song nhiều lúc trước những thắc mắc của con về cha khiến chị băn khoăn không biết trả lời thế nào, rồi chỉ ậm ừ cho qua chuyện.

Chị Kim tâm sự: “Biết con mình bị nhiều thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa nên mình luôn quan tâm và dành cho chúng những tình cảm và sự quan tâm gấp đôi những gì mình có thể. Tuy nhiên bây giờ là bạn bè của con cứ trêu chọc, mình chỉ lo chúng nghĩ ngợi rồi sinh ra mặc cảm vì không có cha”.

Hiện nay chị Kim một mình tất bật vừa phải quản lý công ty vừa chăm sóc con. “Dường như công việc mình phải làm gấp đôi gấp ba các phụ nữ bình thường. Nhiều lúc oải quá nằm lì không muốn dậy nhưng rồi không có ai làm thay được, người giúp việc lại càng không, nên đành lóp ngóp bò dậy đối diện với cả đống việc ngập đầu đến ngán ngẩm", người phụ nữ độc thân trải lòng.

Không ít chị em khác phải chịu cảnh sống phòng không bất đắc bởi những lý do khách quan vì nhan sắc, bệnh tật mà goá bụa hoặc ly thân, ly dị...

Như trường hợp của chị Trang, quê Vũng Tàu, bị khiếm thính bẩm sinh đã 45 tuổi mà vẫn chưa có chồng. Mặc dù cũng nghĩ đến việc xin một đứa con nuôi, song vì kinh tế gia đình thiếu thốn nên chị sớm từ bỏ ý định.

"Lúc khỏe đi thăm chòm xóm thấy khuây khỏa, nhưng mỗi khi tối về, một mình trong căn nhà tối tăm, vắng lặng, nhất là những lúc trở bệnh, thấy chua xót lắm", chị tâm sự. Chị bảo biết thế ngày trẻ cứ xin đại một đứa con, giờ có mẹ có con chắc cũng đỡ buồn hơn. "Sắp tới tôi định xin nhận một đứa cháu họ về nuôi, cho nó vui cửa vui nhà. Cũng đã nói với cha mẹ cháu rồi, nhưng họ còn hơi do dự", người phụ nữ khắc khổ làm nghề bán nước và vé số tâm sự.

Nhận định tình trạng ngày càng nhiều phụ nữ chọn cuộc sống độc thân, ông Văn Thanh Sĩ, chuyên viên tư vấn tổng đài 1088 TP HCM cho rằng, đó là sở thích của họ và cần được mọi người tôn trọng. Trên thực tế mỗi cá nhân có quyền lựa chọn cách sống cho mình miễn sao không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Vì thế xã hội cần có cái nhìn thoáng hơn đối với những người này bởi suy cho cùng "hạnh phúc là được làm những gì mình yêu thích".

Nếu cách đây khoảng 30 năm, lối sống độc thân còn là một hiện tượng cá biệt thì nay nó đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên theo ông Sĩ, ở xã hội phương Tây, phụ nữ độc thân gặp ít khó khăn hơn ở các nước nghèo do các dịch vụ xã hội tiên tiến hơn. Chẳng hạn khi gặp sự cố về sức khỏe hay cần sửa chữa các thiết bị trong nhà, họ chỉ cần gọi điện thoại thì sẽ có nhân viên chăm sóc đến tận nhà.

"Vì thế thay vì ngăn cản lối sống này, chúng ta cần gióng lên hồi chuông kêu gọi bảo vệ những người này để xã hội có nhiều hơn nữa những dịch vụ chăm sóc cho họ. Thiết nghĩ phụ nữ sống độc thân đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi từ dư luận bên ngoài đến nhu cầu tình cảm bên trong. Vì thế nếu họ có bản lĩnh lựa chọn lối sống này và can đảm chấp nhận mọi tổn thương thì không lý do gì cha mẹ hay xã hội lại lên án hoặc ép buộc họ theo con đường khác", ông Sĩ bày tỏ.

Theo Ngoan Ngoan
Vnexpress
Chia sẻ