Tiếng nói Xanh mùa 2: Nhiều sáng kiến đầy tính thực tiễn, khả năng áp dụng rộng rãi

Thanh Hương,
Chia sẻ

Cuộc thi hùng biện – tranh biện Tiếng Nói Xanh mùa 2 khép lại với dấu ấn tốt đẹp sau hành trình thể hiện đột phá của hàng nghìn học sinh.

Sau hơn 5 tháng tranh tài, cuộc thi hùng biện - tranh biện Tiếng nói Xanh mùa 2 đã để lại dấu ấn sâu sắc với hàng trăm ý tưởng sáng tạo, mang tính ứng dụng cao, qua đó khắc họa rõ nét hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam đầy sáng tạo và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường và hướng tới sự phát triển bền vững.

Học hỏi và trưởng thành qua từng vòng đấu

Với các bậc phụ huynh, Tiếng nói Xanh không chỉ là một sân chơi trí tuệ mà còn là hành trình chứng kiến sự trưởng thành từng ngày của con em mình.

Chị Đinh Thúy Nga, mẹ của thí sinh đội Greenie Goofballs - đội giành Giải Nhất bảng tiếng Anh, xúc động chia sẻ: "Mỗi vòng thi, tôi hồi hộp nhưng cũng đầy vui mừng khi nhận thấy sự trưởng thành của con qua từng ngày".

Đây không chỉ là một cuộc thi hùng biện, mà còn là cơ hội để các con phát triển tư duy, mở rộng kiến thức về môi trường và lan tỏa giá trị tích cực.

Chị Đinh Thúy Nga

Chị còn ví von cuộc thi như một "cuộc thi hoa hậu" bởi bên cạnh phần tranh tài, các thí sinh còn được học hỏi từ các chuyên gia giàu kinh nghiệm, giúp họ hoàn thiện kỹ năng toàn diện. Chính niềm vui khi được gặp gỡ những cố vấn uy tín đã tiếp thêm động lực để các thí sinh luôn tràn đầy năng lượng dù lịch trình thi đấu dày đặc.

Tiếng nói Xanh mùa 2: Nhiều sáng kiến đầy tính thực tiễn, khả năng áp dụng rộng rãi- Ảnh 1.

Phụ huynh của đội Greenie Goofballs – quán quân bảng Tiếng Anh

Trong khi đó, chị Phan Thị Thanh Huyền, mẹ của thí sinh đội Đại sứ Xanh - đội đạt Giải Nhất bảng tiếng Việt, không ngại vượt hơn 100 km từ Nghệ An ra Hà Nội để đồng hành cùng con trong hai ngày thi Chung kết.

Chị bày tỏ niềm tự hào khi thế hệ trẻ ngày nay có ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm với môi trường: "Ở độ tuổi này, việc các bạn trẻ nhận thức được trách nhiệm với môi trường, dù qua những hành động nhỏ, cũng đã tạo ra giá trị lớn lao. Tiếng nói Xanh chính là cơ hội để các bạn khẳng định tiếng nói của mình".

Không chỉ phụ huynh, giáo viên cũng dành những lời khen ngợi cho sự tiến bộ của học sinh. Thầy Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), tự hào trước thành tích đáng khích lệ của học sinh trường mình với hai giải Nhì và một giải Khuyến khích.

Theo thầy Châu, việc các em vào đến chung kết và thể hiện xuất sắc như vậy là thành công lớn. Các em không chỉ khẳng định trí tuệ và bản lĩnh của mình mà còn truyền cảm hứng về trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

Những ý tưởng táo bạo mang hơi thở thực tiễn

Mùa 2 của Tiếng nói Xanh ghi nhận hàng loạt ý tưởng độc đáo, không chỉ sáng tạo mà còn rất thực tế và gần gũi với đời sống. GS.TS. Nguyễn Thị Kim Cúc, từ Khoa Hóa và Môi trường, Trường Đại học Thủy Lợi, bày tỏ sự ấn tượng: "Các bạn trẻ không chỉ lắng nghe mà còn quan sát và cảm nhận các vấn đề môi trường ngay tại địa phương mình, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn".

Trong số những dự án nổi bật có thể kể đến hệ thống thùng rác thông minh tích hợp AI, mô hình Eco-Token dựa trên blockchain để khuyến khích du lịch xanh, hay ý tưởng tạo vật liệu xây dựng bền vững từ đất, rơm và cát.

Ông Kithmina Hewage, cố vấn chính sách phát triển tại Trung tâm Từ thiện và Xã hội Châu Á (Hong Kong), nhấn mạnh: "Các đội thi đã tập trung vào những vấn đề gần gũi như lãng phí thực phẩm hay tình trạng ngập lụt tại Hà Nội".

Điều đáng chú ý là các giải pháp không chỉ sáng tạo mà còn thể hiện sự tham vọng, đột phá.

Ông Kithmina Hewage

Bà Wen-Yu Weng, chuyên gia tư vấn tại PA Consulting (Anh), cũng dành lời khen ngợi cho sự nghiêm túc và quyết tâm của các thí sinh: "Không chỉ dừng lại ở ý tưởng, các bạn còn chủ động nghiên cứu, tạo nguyên mẫu và tính toán đến tính bền vững của dự án trong nhiều lĩnh vực".

Theo bà Hyewon Rho, Giám đốc Điều hành Debate For All, nhiều giải pháp tại cuộc thi không chỉ mang tính ứng dụng cao tại Việt Nam mà còn có tiềm năng mở rộng sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar hay Indonesia – những quốc gia đang đối mặt với các vấn đề tương tự về đô thị hóa và môi trường.

Tiếng nói Xanh mùa 2: Nhiều sáng kiến đầy tính thực tiễn, khả năng áp dụng rộng rãi- Ảnh 2.

Bà Hyewon Rho cố vấn trực tiếp cho các bạn thí sinh trong cuộc thi

Lan tỏa tiếng nói xanh từ mọi miền đất nước

Một trong những điểm sáng của Tiếng nói Xanh mùa 2 là sự tham gia sôi nổi của thí sinh đến từ khắp các tỉnh thành, tạo nên một sân chơi thực sự toàn quốc. 

Ông Nguyễn Nhật Hùng, đồng sáng lập SocioLogic, nhận xét: "Thông thường, các cuộc thi tranh biện thường tập trung nhiều thí sinh từ Hà Nội. Nhưng tại Tiếng nói Xanh, chúng tôi thấy sự tham gia từ Nghệ An, Trà Vinh và nhiều khu vực khác, chứng tỏ cuộc thi đã thực sự chạm tới học sinh từ mọi miền Tổ quốc".

Đặc biệt, một số đội thi còn sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải thông điệp, thể hiện sự sáng tạo và mong muốn mở rộng tác động của cuộc thi đến nhiều nhóm đối tượng hơn. Chính điều này khiến GS.TS. Nguyễn Thị Kim Cúc đánh giá cao cách thế hệ trẻ tiếp cận vấn đề môi trường theo nhiều chiều hướng. 

Các bạn không chỉ tập trung vào giải pháp kỹ thuật mà còn cân nhắc các khía cạnh chính sách để giải quyết vấn đề một cách toàn diện. Đây là một thay đổi rất tích cực.

GS.TS Nguyễn Thị Kim Cúc

Xây dựng nền tảng cho tương lai bền vững

Không chỉ là một cuộc thi, Tiếng nói Xanh đã trở thành nơi ươm mầm cho những ý tưởng đột phá, đồng thời tạo tác động lan tỏa đến cộng đồng. 

Ông Kithmina Hewage kỳ vọng cuộc thi sẽ tiếp tục phát triển để nâng cao nhận thức về các giải pháp bền vững: "Sự tham gia nhiệt tình của phụ huynh và giáo viên cho thấy các ý tưởng xanh đang ngày càng lan rộng từ nhà trường đến cộng đồng".

Với những thành tựu đáng ghi nhận, Tiếng nói Xanh mùa 2 không chỉ là nơi thế hệ trẻ thể hiện tài năng mà còn khẳng định sự dấn thân của họ vì một tương lai xanh, bền vững.

Chia sẻ