Tiếng động lạ trong nhà vệ sinh khiến tôi bừng tỉnh, nhận ra mình là bà mẹ vô tâm như nào
Tôi vô cùng đau buồn khi phát hiện sự việc.
*Câu chuyện được một bà mẹ ở Trung Quốc chia sẻ trên mạng xã hội
Con gái tôi hiện đang học trung học. Cách đây không lâu, con làm bài thi chỉ được 36 điểm (36/100, Trung Quốc sử dụng thang điểm 100). Khi nhìn thấy điểm số của con, cảm xúc của tôi lẫn lộn. Là cha mẹ, tôi mong con mình có thành tích học tập tốt đẹp, tương lai thành công. Nhưng điểm số thực tế của con đã dội vào mặt tôi một gáo nước lạnh.
Tôi cố gắng không bực bội, hết sức bình tĩnh ngồi nói chuyện với con, tìm hiểu tại sao điểm số của con lại sa sút như vậy. Nhưng con tôi chỉ im lặng không nói gì.
Cho đến hôm vừa rồi, khi đi làm về, tôi tình cờ nghe thấy những tiếng động lạ trong nhà vệ sinh. Có tiếng cười nói, nhưng chỉ có tiếng của con gái tôi mà không có tiếng của ai khác. Con gái tôi liên tục nói "Cảm ơn các bạn", "Cảm ơn lời khen của các bạn",... Con tôi đang nói chuyện với các bạn nào trong nhà vệ sinh?
Vì tò mò, tôi nhẹ nhàng mở cửa nhà vệ sinh xem và thấy con gái đang vừa cười tươi rói, vừa trò chuyện với cái điện thoại. Cảnh tượng này làm tôi ngạc nhiên và bối rối. Từ khi nào con gái tôi bắt đầu quan tâm đến việc phát sóng trực tiếp trên điện thoại di động?
Tôi đã cố gắng giao tiếp với con gái mình và hiểu lý do tại sao cháu lại quay livestream trong nhà vệ sinh. Con gái tôi ban đầu có vẻ hơi phản kháng, nhưng sau khi tôi kiên nhẫn hỏi thăm, cuối cùng cháu cũng chịu mở lòng.
Hóa ra con gái tôi luôn là một học sinh tầm thường trong lớp. Cháu không tìm được cảm giác thành tựu trong học tập. Trên nền tảng phát sóng trực tiếp, cháu có thể thể hiện tài năng của mình thông qua ca hát, nhảy múa, trò chuyện,... và nhận được sự đánh giá cao cũng như sự chú ý của cư dân mạng. Cảm giác được thừa nhận này đã giúp cháu tìm lại được sự tự tin, nhưng cũng khiến cháu mất hứng thú học tập.
Tôi đã thay đổi mình để con thay đổi
Tôi vô cùng đau buồn khi nghe điều này. Là cha mẹ, chúng tôi đã và đang làm việc chăm chỉ vì tương lai của con gái mình, mong rằng con có được môi trường học tập tốt và nhận được nền giáo dục chất lượng cao. Tuy nhiên, chúng tôi vô tình bỏ qua nhu cầu nội tâm của con gái.
Không thể tìm thấy cảm giác thỏa mãn trong học tập, cháu tìm kiếm sự hài lòng ở những lĩnh vực khác. Điều này khiến tôi nhận ra rằng với tư cách là cha mẹ, chúng ta không thể chỉ tập trung vào kết quả học tập của con mình mà còn cả nhu cầu phát triển và sức khỏe tinh thần của chúng.
Vì vậy, tôi bắt đầu cố gắng giao tiếp với con gái và tìm hiểu sở thích, cũng như ước mơ của con. Tôi khuyến khích cháu thử những điều khác nhau và khám phá tiềm năng cũng như điểm mạnh của mình. Đồng thời, tôi cũng trao đổi với các thầy cô ở trường, mong họ có thể quan tâm, hỗ trợ con gái tôi nhiều hơn. Với sự nỗ lực chung của thầy cô và phụ huynh, con gái tôi đã dần lấy lại hứng thú học tập, điểm số cũng được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi phải cấm hoàn toàn con gái mình phát sóng trực tiếp. Ngược lại, chúng tôi hướng dẫn con làm điều đó một cách đúng đắn. Phát trực tiếp có thể là một cách để thể hiện tài năng của con, nhưng đó không thể là cái cớ để trốn tránh thực tế và học tập. Chúng ta nên giáo dục con biết quý trọng thời gian, sức lực và dành nhiều tâm sức hơn cho việc học tập và hoàn thiện bản thân.
Nhìn lại trải nghiệm này, tôi hiểu sâu sắc trách nhiệm của người làm cha mẹ. Chúng ta không thể chỉ tập trung vào kết quả học tập của trẻ mà còn cả nhu cầu phát triển và sức khỏe tinh thần của chúng. Chỉ khi chúng ta thực sự hiểu và quan tâm đến trẻ, chúng ta mới có thể giúp trẻ thoát khỏi khó khăn và hướng tới tương lai. Đồng thời, chúng ta cũng nên hướng dẫn trẻ nhìn nhận đúng đắn về mối quan hệ giữa Internet và thực tế, để trẻ học được cách duy trì đầu óc tỉnh táo, tâm lý lành mạnh trong thế giới ảo.