Tiền và giáo dục: Khi sự thật trần trụi được phơi bày

Nghiêm Huê,
Chia sẻ

Tiền là một khái niệm được coi là “nhạy cảm, tế nhị”, “nói giảm, nói tránh” trong giáo dục. Nhưng thời gian vừa qua, nó lại được phơi bày một cách trần trụi nhất trong lịch sử ngành giáo dục từ trước tới nay.

Miếng bánh đấu thầu thiết bị giáo dục

Trong thời gian 2 năm vừa qua, hàng loạt giám đốc, cựu giám đốc Sở GD&ĐT trên cả nước bị khởi tố, bị bắt giam vì liên quan đến những sai phạm trong đấu thầu các dự án đầu tư thiết bị giáo dục gây hậu quả nghiêm trọng. Như cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Vũ Liên Oanh; cựu Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng; Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên Nguyễn Văn Kiên.

Tiền và giáo dục: Khi sự thật trần trụi được phơi bày - Ảnh 1.

Sách giáo khoa và thiết bị giáo dục là hai miếng bánh béo bở hiện nay

Một số lãnh đạo Sở GD&ĐT khác tuy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cũng đã để xảy ra sai phạm trong đấu thầu thiết bị giáo dục như cựu Giám đốc Sở GD&ĐH Cần Thơ Trần Hồng Thắm.

Tháng 11 vừa qua, Thanh tra TP Cần Thơ đăng thông báo kết luận thanh tra một số gói thầu mua sắm sách, sổ sách quản lý, thiết bị dạy và học từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục cấp TP tại GD&ĐT và UBND cấp quận, huyện giai đoạn 2016 – 2021. Kết quả thanh tra cho thấy Sở GD&ĐT TP Cần Thơ đã thiếu kiểm tra, giám sát bàn giao, nghiệm thu việc cung cấp, lắp đặt thiết bị cho các điểm trường dẫn đến một số gói thầu có thiết bị được nghiệm thu không đúng nguồn gốc xuất xứ.

Ví dụ gói thầu số 06 năm 2016 "Mua thiết bị máy photocopy, máy in siêu tốc, cassette, tivi các loại và loa cầm tay" có máy in siêu tốc nhãn hiệu Trung Quốc không đúng nguồn gốc, xuất xứ Thái Lan mà đơn vị cung cấp đã ký hợp đồng với sở. Giá trị chênh lệch mỗi thiết bị gần 48 triệu đồng, với 12 máy in trị giá hơn 378 triệu đồng. Các gói thầu mua sắm thiết bị khác từ năm 2019 đến 2021 cũng được thanh tra xác định có sai phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Tháng 12, Giám đốc và Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh Nguyễn Thị Thúy bị kỷ luật Đảng do thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát mua sắm trang thiết bị dạy học. Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra tỉnh Quảng Ninh, Sở GD&ĐT có vi phạm trong thực hiện mua sắm thiết bị tối thiểu lớp 1 cho các Trường Tiểu học công lập; mua hóa chất phục vụ cho công tác dạy và học cho các Trường Phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2020; chưa kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm các hạn chế, khuyết điểm liên quan đến việc quản lý, sử dụng thiết bị đã được chỉ ra sau kiểm tra, giám sát, thanh tra.

Trước đó, tháng 5, Thanh tra tỉnh Phú Yên cho biết, qua thanh tra công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí năm 2019-2020 và Đề án 1436, Chương trình 775 giai đoạn 2017-2020 tại Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên, Thanh tra tỉnh phát hiện nhiều sai phạm. Thanh tra tỉnh Phú Yên yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót trong việc thực hiện gói thầu mua sắm thiết bị dạy học và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; rà soát chấn chỉnh công tác lập quỹ cải cách tiền lương của các đơn vị trực thuộc Sở, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 76 triệu đồng do chi, sử dụng kinh phí không đúng quy định. Đồng thời, Thanh tra tỉnh thực hiện các thủ tục chuyển hồ sơ các gói thầu 1436 và Chương trình 775 sang Công an tỉnh để làm rõ những sai phạm trong đấu thầu và thẩm định giá.

Cũng trong năm 2022, Thanh tra tỉnh Điện Biên kết luận, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, Hiệu trưởng các trường có liên quan chịu trách nhiệm đối với các khuyết điểm, sai phạm như: đ ề xuất, thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm một số thiết bị không đúng quy định về tiêu chuẩn thiết bị tại các thông tư hướng dẫn, chưa ghi chép phản ánh thiết bị đã mua vào sổ sách theo dõi tài sản; thẩm định trình duyệt dự toán giá gói thầu một số vật tư thiết bị vượt giá đã được cơ quan chức năng công bố; trách nhiệm trong việc chấp hành trình tự, thủ tục về đấu thầu. Thanh tra tỉnh Điện Biên đã thu hồi số tiền sai phạm trên 127 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

“Dấu hiệu lợi ích nhóm” trong xuất bản, phát hành SGK

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo trong giai đoạn từ 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018.

Theo thông báo này, Bộ GD&ĐT bị thanh tra về quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, in và phát hành sách giáo khoa; quản lý, thực hiện một số dự án đầu tư cho giáo dục, đào tạo...

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy năm 2013, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản về việc sử dụng sách tham khảo có nội dung: "Sách bài tập do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn dựa theo sách giáo khoa. Sách được Bộ thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành".

Việc Bộ GD&ĐT tự nhận được thẩm định, cho phép xuất bản, in và phát hành sách bài tập bị cơ quan thanh tra cho là "không đúng chức năng, nhiệm vụ". Thực tế, việc tổ chức biên soạn, xuất bản, in ấn và tổng phát hành các loại sách bài tập, sách tham khảo là chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhà xuất bản này là đơn vị thống lĩnh thị trường, độc quyền tổ chức biên soạn, xuất bản, in và phát hành.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, điều này khiến phụ huynh và học sinh hiểu nhầm rằng sách bài tập là tài liệu bắt buộc, phải mua kèm theo sách giáo khoa. Từ đây dẫn đến hầu hết gia đình học sinh khi mua sách giáo khoa đều mua sách bài tập kèm theo do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Do đó, Thanh tra kết luận ở đây có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ GD&ĐT, là cơ quan quản lý nhà nước với nhà xuất bản trong việc in ấn, phát hành sách bài tập. Đồng thời, chuyển nội dung này sang Bộ Công an xem xét xử lý.

Một nội dung khác được Thanh tra Chính phủ kết luận là khi biên soạn sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT đã thiết kế một số bảng số liệu để trống nên học sinh có thể viết vào sách. Bộ sau đó mới ban hành được 3 văn bản hướng dẫn việc giữ gìn sách.

Từ 2014 đến tháng 8/2019, 73/193 sách giáo khoa học sinh có thể viết vào đã được in, phát hành; trong đó bán được hơn 300 triệu bản. Khi sách giáo khoa bị viết vào sẽ không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội với số tiền tạm tính hơn 2.300 tỷ đồng.

Những thiệt hại của người dân và nhà nước đối trong giáo dục không chỉ dừng lại ở những con số vài triệu, vài chục triệu mà đã lên đến hàng nghìn tỷ. Chính vì vậy, đã đến lúc cần nói thẳng, nói thật về chữ “tiền” trong giáo dục. Có thể thấy, Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã bóc tách được tầng tầng lớp lớp những vấn đề trong xuất bản, phát hành sách giáo khoa trong trường học vừa qua. Vấn đề đấu thầu thiết bị giáo dục thời gian tới sẽ không chỉ dừng lại ở các con số trên vì thời gian vừa qua, ngành thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các Sở GD&ĐT đều phải đấu thầu, mua sắm thiết bị.

Chia sẻ