Tiến sĩ Vũ Thu Hương: Gửi các cha mẹ có con lên cấp 2, đừng cuống cuồng cho con đi học thêm ngoài, đây mới là những điều trẻ thực sự cần
Nếu các bậc cha mẹ cho rằng kiến thức học trên lớp thiếu thì tôi đồng ý 100%. Không phải vấn đề các thầy cô có giấu bài hay không mà là kiến thức thực sự mênh mông và việc học ở trên lớp chỉ chiếm 1 phần.
Tiến sĩ Giáo dục Vũ Thu Hương - cựu Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội đã có những lời nhắn nhủ thiết thực đến các bậc cha mẹ trong năm học mới:
Các bậc cha mẹ thường lo lắng về việc chọn lớp, chọn trường cho con. Những đứa trẻ được cha mẹ định hướng thi vào trường chuyên, lớp chọn thì vội vã, cuống cuồng trong các kỳ thi tuyển. Đến khi vào được lớp rồi, phần lớn cha mẹ bắt đầu lo đến chuyện học thêm bởi một suy nghĩ: Cô không dạy hết ở lớp đâu, cô để ở lớp học thêm dạy nốt.
Đi dự buổi họp phụ huynh đầu tiên trong năm lớp 6 của con, tôi ngạc nhiên tròn mắt khi thấy câu đầu tiên các cha mẹ hỏi nhau và hỏi cô là: "Học thêm như thế nào?". Đây chính là lí do những đứa trẻ cấp 2 phải chịu nhiều áp lực học tập và cũng là một trong những lí do lớn để trẻ phá phách. Tôi chẳng nói gì, lẳng lặng ra về và lẳng lặng làm khác người: TÔI KHÔNG CHO CON HỌC THÊM!
Tôi nghĩ nếu cha mẹ cho rằng tất cả các thầy cô thủ thế không dạy đủ bài học ở lớp thì có nghĩa là đã xúc phạm đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận lớn các giáo viên. Tôi không tin rằng 100% các thầy cô đều như vậy. Tiền cũng là một vấn đề quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả chính là đạo đức, nhân cách của con người.
Các cha mẹ sẽ hỏi tôi: "Vậy nếu cô giáo của con gái em làm vậy thì sao?".
Câu trả lời của tôi sẽ là: "Vậy thì con tôi sẽ tự bổ sung kiến thức nhưng bằng cách khác". Và các cách đó chính xác là như sau:
Nếu các bậc cha mẹ cho rằng kiến thức học trên lớp thiếu thì tôi đồng ý 100%. Không phải vấn đề các thầy cô có giấu bài hay không mà là kiến thức thực sự mênh mông và việc học ở trên lớp chỉ chiếm 1 phần. Vì vậy con cần bổ sung như này:
- Con cần học qua thực tế cuộc sống. Những kiến thức lý, hóa, sinh, địa,… đều có ở khắp nơi. Nếu con học qua thực tế cuộc sống thì vừa đầy đủ vừa chính xác. Đây là cách bổ sung kiến thức tốt nhất.
- Con cần học thêm trong sách tham khảo bởi một tác giả nói chưa đem lại cái nhìn tổng quát được mà chỉ là ý chủ quan của tác giả. Vì thế, nếu đọc nguyên sách giáo khoa sẽ không bao giờ đầy đủ. Học trong sách tham khảo, sách bài tập thêm sẽ bổ sung cho con những gì còn thiếu ở trường lớp.
Các cha mẹ lại hỏi tôi: "Vậy lên cấp 2 phải dạy con thế nào?" Tôi nghĩ các cha mẹ nên biết rằng: Học cấp 1 và cấp 2 khác nhau, giống như mầm non và tiểu học. Nếu cấp 1 học rất nhàn hạ, điểm số không quan trọng và cô chẳng chấm điểm mấy khi thì cấp 2 lại khác. Điểm số là thứ vô cùng quan trọng và mỗi bài học sẽ có điểm.
Điểm cuối năm sẽ là tổng trung bình cộng của các điểm với các hệ số khác nhau. Vì vậy, việc đầu tiên là phải dạy con quen với điểm. Ngoài ra, học tập trung và khoa học là việc tối quan trọng. Dạy con phân phối thời gian học cũng là việc cực kì cần thiết. Để con học được như vậy thì cần rèn cho con theo các bước sau:
Bước 1: Cùng con lập thời gian biểu
Tôi nhớ hồi con học lớp 6, tôi từng rất vất vả nghiên cứu và lập thời gian biểu với con. Qua nhiều trải nghiệm thì thời gian biểu cần đáp ứng đủ các tiêu chí sau:
- Bài nào cũng cần được dành thời gian để học vì các môn học đều quan trọng như nhau.
- Cần có thời gian đọc bài trước khi lên lớp để đến khi học, cô giảng là hiểu luôn cho nhanh.
- Cần bố trí làm bài tập sớm trước hôm học 3 – 4 hôm để nếu ngay trước ngày lên lớp xảy ra việc đột xuất thì con cũng đã làm bài tập trước rồi.
- Con phải có thời gian vui chơi giải trí, tập thể thao, đọc sách và làm công việc nhà.
Bước 2: Giám sát con thực hiện bảng thời gian biểu và tuyệt đối không cho phép ngoại lệ
Học kì 1 năm lớp 6 sẽ vô cùng vất vả vì những đứa trẻ vẫn đang quen với sự tự do từ cấp 1. Vì vậy, các cha mẹ cần vô cùng kiên nhẫn và tuyệt đối không mắng mỏ, đánh đòn con. Bởi chúng có thể gây phản tác dụng, khiến con chán, sợ việc học.
Bước 3: Bổ sung sách cho con và tạo hứng thú đọc sách
Cha mẹ chỉ cần đọc cho con ½ câu chuyện trong 1 cuốn sách nào đó và bỏ lửng đi làm việc khác. Trí tò mò sẽ khiến con mở sách ra và đọc nốt đoạn kết. Vài lần như vậy con sẽ đọc sách rất nhiệt tình. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần bổ sung sách theo nội dung con đang học. Lượng sách của mỗi môn chỉ cần 2, 3 quyển trong 1 năm học là đủ.
Bước 4: Đưa con đến thư viện và làm thẻ cho con
Con gái tôi có thẻ thư viện Hà Nội và cháu cũng đã "đào bới" ở đó khá nhiệt tình. Việc tự đi bộ đến thư viện trong giờ quy định ở thời gian biểu chính là một niềm vui nho nhỏ của bọn trẻ đấy nhé!
Bước 5: Tập cho con đưa kiến thức đã học ra ngoài thực tế
Khi mua rau về, tôi thường dụ con ngắt đoạn gốc rau cho vào cốc đất nhỏ xíu để trồng. Chăm sóc và tưới tắm là việc bọn trẻ rất hào hứng. Khi ngọn rau ngóc dần lên, con thật sự vui sướng và hi vọng sẽ trồng cả vườn rau cho gia đình thỏa thích.
Tôi cũng mua bản đồ về cho con tự tìm các địa danh, phỏng đoán các kí hiệu trên bản đồ. Những "ồ, à" khi đọc bản đồ, lược đồ, biểu đồ khiến con cảm thấy giờ địa lý vui vẻ lắm. Quả địa cầu cũng rất hữu ích. Để con hiểu bài hơn thì bạn có thể đề nghị con đọc sách địa lý và sử dụng địa cầu để giảng bài lại cho mẹ. Việc truyền tải lại kiến thức cho người khác sẽ giúp con chăm chỉ và nỗ lực hiểu bài hơn.
Bước 6: Cho con lựa chọn và theo đuổi 1 bộ môn thể thao
Thể thao thật sự cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Bật mí cho các bậc cha mẹ một số bộ môn hữu ích, đó là bóng bàn và bóng rổ, thể dục dụng cụ. Cụ thể bóng bàn sẽ giúp mắt con không bị cận thị còn thể dục dụng cụ, bóng rổ sẽ giúp con phát triển chiều cao.
Bước 7: Cho con tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt tuổi trẻ
Sống hữu ích và vui vẻ sẽ giúp con giảm bớt các suy nghĩ tiêu cực và sống hạnh phúc hơn, giảm tải căng thẳng sau giờ học.
Bước 8: Duy trì các giờ tâm sự riêng giữa con và cha mẹ
Càng tâm sự để hiểu con càng giúp con đỡ "dở hơi" (tuổi teen mà).
Những buổi tâm sự, trò chuyện thân mật sẽ giúp mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái gần gũi, gắn bó hơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con những lời khuyên bổ ích và nắm rõ hơn những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của con.
Bước 9: Dành thời gian cho con nghe nhạc và xem các loại hình nghệ thuật
Công việc này cũng rất quan trọng. Nó sẽ nâng cao khả năng thẩm âm thẩm mĩ của con đấy nhé.
Bước 10: Đừng quên các công việc nhà
Ở độ tuổi này, con cần tăng cường làm việc. Điều này không chỉ khiến con khéo léo, học thêm được nhiều kĩ năng sống mà còn giúp giảm bớt vất vả cho cha mẹ. Ngoài ra nó còn giúp con có thêm trách nhiệm với gia đình.
Bước 11: Chuẩn bị cho tuổi dậy thì cho con
Kể chuyện với con, mua sách cẩm nang tuổi teen cho con đọc và chia sẻ kinh nghiệm cho con là việc không bao giờ các cha mẹ được phép “quên” trong tuổi này. Ở độ tuổi dậy thì, con thực sự cần một người thầy, một người bạn.
Làm bạn cùng con chẳng bao giờ là dễ. Và trong lúc dạy con từ lúc mới chào đời cho đến nay (con tôi hiện đã 20 tuổi), tôi thấy năm lớp 6 là khó nhất. Và tôi hi vọng, những chia sẻ của mình sẽ giúp các bậc cha mẹ có thêm kinh nghiệm, dễ dàng hơn trong việc dạy dỗ, làm bạn với con.
Năm học mới đến rồi, chúc các con có một năm học thành công rực rỡ!