Tiến sĩ tâm lý và phát triển Nhi khoa: Thay vì không chấp nhận sự thực và tự trách mình, bố mẹ có con tự kỷ nên làm những điều này

Dr Mimi Thương ,
Chia sẻ

Hành trình làm cha mẹ của trẻ có "nhu cầu đặc biệt" là một nhiệm vụ đầy thử thách. Thực tế là tất cả các cha mẹ bắt đầu bước vào chặng đường này không hề có sự chuẩn bị.

Khi có con là trẻ "có nhu cầu đặc biệt", nhiều bố mẹ không chấp nhận sự thực, tự trách mình, tự hỏi mình đã làm gì để nhận "nghiệp" này. Tuy vậy, liệu trẻ "nhu cầu đặc biệt" có phải do lỗi của cha mẹ, và cha mẹ cần làm gì trong trường hợp này? 

Chúng tôi xin được chia sẻ bài viết từ Tiến sĩ tâm lý và phát triển Nhi khoa Mimi Thương về vấn đề này. 

Làm cha mẹ của trẻ có "nhu cầu đặc biệt" - hành trình đầy thử thách

Tự kỷ là gì? Tại sao lại gọi là trẻ tự kỷ là trẻ có nhu cầu đặc biệt. Đây là một trong những câu hỏi thường gặp của nhiều phụ huynh, thầy cô và ngay cả các nhà chuyên môn. Cụm từ "nhu cầu đặc biệt" là một cụm từ chung cho các trẻ cần được sự quan tâm đặc biệt để có thể đạt được các tiềm năng của mình. 

Trong Phát Triển Nhi Khoa, "nhu cầu đặc biệt" có thể bao gồm rối loạn ngôn ngữ, rối loạn Học tập, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn cảm giác, rối loạn phổ tự kỷ. Trong Tâm lý Nhi Khoa, " nhu cầu đặc biệt" có thể bao gồm rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn gắn bó, ám ảnh cưỡng chế, chấn thương tâm lý…. Cho dù rối loạn phát triển hay tâm lý, trẻ đặc biệt luôn có những ảnh hưởng nhất định đến tinh thần, sức khoẻ, và tài chính của cha mẹ.

Có đến 8 lời đồn về trẻ tự kỷ mà đi đâu cũng nghe thấy, nhưng liệu sự thật có đúng như vậy? - Ảnh 5.

Hành trình làm cha mẹ của trẻ có "nhu cầu đặc biệt" là một nhiệm vụ đầy thử thách. Thực tế là tất cả các cha mẹ bắt đầu bước vào chặng đường này không hề có sự chuẩn bị. Tôi làm việc với rất nhiều phụ huynh của các em nhỏ đặc biệt, mỗi cha mẹ đều trải qua những cung bậc cảm xúc mãnh liệt khi nhận được bảng kết quả trên tay. Có người mất vài tuần, vài tháng, nhưng cũng có vài người mất vài năm để có thể hiểu về nhu cầu đặc biệt của trẻ.

Một người mẹ đã nói tôi: "3 năm trời chị không chấp nhận,... Chị cố bấu víu vào những dấu hiệu mong manh, rồi tự lừa dối mình rằng con mình bình thường, hay chỉ là nó hơi khác thường một chút thôi. Rồi từ những cái mà chị cho rằng chỉ hơi khác thường một chút thôi ấy lại là những dằn vặt thôi thúc, làm sao để giúp con. Chị ngày đêm tìm hiểu về các trẻ đặc biệt qua các thông tin trên mạng. Có quá nhiều thứ phải hiểu, phải biết. Các trẻ em đặc biệt không hề giống nhau…".

Rất nhiều cha mẹ mang một cảm giác có lỗi và dằn vặt về hàng trăm điều họ đã có thể làm "khác đi." Câu hỏi: "Tôi đã làm gì sai?", "Tôi có phải là một người mẹ tồi không?", "Tôi có thể làm gì hơn nữa?". Các câu hỏi đó cứ hiện mãi trong tâm trí. Đối với các cha mẹ, câu hỏi này có thể kéo dài đến vài năm nếu như không có được một sự giải thích thoả đáng.

Có đến 8 lời đồn về trẻ tự kỷ mà đi đâu cũng nghe thấy, nhưng liệu sự thật có đúng như vậy? - Ảnh 6.

Cha mẹ Á Đông thường tự hỏi liệu khi con mình "bị" một điều gì đó, có phải đó là lỗi của mình hay không? Vì những ảnh hưởng văn hoá, các cha mẹ dường như cảm thấy xấu hổ. Cha mẹ có thể cảm thấy tội lỗi và day dứt. Cha mẹ có thể đối đầu với hàng chục câu hỏi: "Tự kỷ là gì? Tương lai con mình sẽ về đâu?". Mặt khác, cha mẹ cũng có thể một mực từ chối và không chấp nhận thực tế: "Điều đó không bao giờ xảy đến với con mình".

Khi là cha mẹ của trẻ có nhu cần đặc biệt, bạn có thể gặp những người đồng cảm và chia sẻ. Nhưng bạn cũng sẽ gặp những người nhìn bạn bằng một đôi mắt rất lạ. Có người sẽ đánh giá bạn, nhận xét bạn, và thậm chí có thể phê phán bạn là người cha mẹ chưa đủ tốt. Có những người còn nói ra những câu nói khủng khiếp. Vài người thân trong gia đình thậm chí có thể đổ lỗi cho bạn vì những điều bạn đã làm, hoặc đã không làm cho con. 

Những họ hàng, bạn bè, người thân có thể đưa cho cha mẹ một núi lời khuyên dựa trên kinh nghiệm cá nhân của họ. Còn những nhà chuyên môn thì có thể liệt kê cho cha mẹ hàng chục phương pháp để giúp đứa trẻ cải thiện. Tuy nhiên, tất cả những điều này dường như không có ích cho người cha/ người mẹ tại thời điểm đó. Trong thời gian cảm xúc đang hỗn loạn, các lý luận và giải thích dường như đều vô nghĩa.

Vừa đủ là đầy đủ

Với vai trò là một người mẹ, tôi từng thắc mắc: Cha mẹ làm bao nhiêu cho con thì đủ? Với vai trò là một nhà tâm lý, tôi nghiệm ra được rằng: "VỪA ĐỦ LÀ ĐẦY ĐỦ". Những câu hỏi giả thuyết: "Nếu như..." không phải là một điều hữu ích. Chúng ta không thể làm gì để quay lại và thay đổi bất cứ điều gì. Thay vì xoáy vào những câu hỏi: "Giá mà mình đã", hãy tập trung năng lượng vào câu trả lời: "Bây giờ mình sẽ …".

Vì thế, một khi bạn đã làm vừa đủ hết khả năng của mình cho con, trong hoàn cảnh đó, tại thời điểm đó, thế là đầy đủ.

Nghiên cứu đã cho thấy cha mẹ của con có nhu cầu đặc biệt trải qua nhiều căng thẳng hơn trong cuộc sống. Một kỹ thuật tôi thường dùng là hít thở. Khi bạn cảm thấy căng thẳng vì bất cứ lý do gì, hãy hít thở thật sâu, và nghĩ đến hình ảnh của hoa và nến. "Hít sâu như ngửi hoa, Thở ra như thổi nến". Hãy nhớ, cha mẹ cần phải chăm sóc bản thân mình, để có thể chăm sóc cho con được nhiều lần tốt hơn.

Có đến 8 lời đồn về trẻ tự kỷ mà đi đâu cũng nghe thấy, nhưng liệu sự thật có đúng như vậy? - Ảnh 8.

Cách hít thở thư giãn cho bố mẹ.

Chuyện cũ kể lại 

Đây là câu chuyện do nhà văn Emily Kingsley viết năm 1987. Cô là một người mẹ của em bé có nhu cầu đặc biệt. Hôm nay tôi xin phép được kể lại câu chuyện này với một vài thay đổi nhỏ để phù hợp với hình ảnh và gần gũi với người Việt.

Chuyện kể rằng:

Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng khi bạn đang mang thai, đó cũng giống như bạn chuẩn bị cho một chuyến đi du lịch đến Hoa Kỳ đầy thú vị!

Bạn lên kế hoạch rõ ràng, trước hết sẽ đi xem Nữ Thần Tự Do tại New York, sau đó đến Tòa Bạch Ốc tại Washington, rồi xem Cầu Cổng Vàng ở San Francisco, rồi đến Đại Lộ Danh Vọng ở Hollywood, và còn rất nhiều nơi khác nữa. Để đảm bảo cho chuyến đi được hoàn hảo nhất, bạn tranh thủ học tiếng Anh với giọng Mỹ nữa chứ! Cảm giác thích thú mong chờ không thể nào diễn tả được.

Sau bao ngày mong mỏi chờ đợi, cuối cùng ngày đó cũng đến. Bạn mang hành lý và hối hả lên đường. Sắp được đến Mỹ rồi, sắp lắm rồi!!! Bạn lên máy bay với tâm trạng bồn chồn, háo hức. Trải qua một chặng đường dài, máy bay cuối cùng đã hạ cánh. Bỗng dưng bạn nghe tiếng thông báo trong phi trường: "Chào mừng quý khách đến Bồ Đào Nha".

Có đến 8 lời đồn về trẻ tự kỷ mà đi đâu cũng nghe thấy, nhưng liệu sự thật có đúng như vậy? - Ảnh 9.

"Chào mừng đến với Bồ Đào Nha". (Ảnh minh họa)

Cái gì? Tại sao lại Bồ Đào Nha? Bạn sững sờ: "Có lộn không? Rõ ràng là mình đặt vé đến Hoa Kỳ mà. Chặng đầu tiên sẽ hạ xuống New York, qua Washington, sau đó sẽ bay sang San Franciso, rồi đến Hollywood. Cả đời mình đã lên kế hoạch và dành dụm cho chuyến đi này, không tài nào lộn được".

Nói gì chăng nữa thì máy bay cũng đã đáp xuống Bồ Đào Nha, chứ không phải Mỹ. Bạn trải qua các thăng trầm cảm xúc cực độ: lạc lõng, đau buồn, giận dữ, suy sụp… Bạn không chấp nhận và nghĩ rằng mãi mãi bạn sẽ không bao giờ chấp nhận.

Thời gian trôi qua, bỗng đến một ngày bạn nhận ra một điều: Thật ra nơi đây không phải là một nơi gì đó xấu xí, đói kém, nghèo nàn, hay bệnh tật. Nó chỉ là một nơi khác, rất khác, so với mơ ước của bạn.

Thế là, bạn quyết định bắt đầu khám phá đất nước này, bạn bắt đầu học tiếng Bồ Đào Nha, mua sách du lịch tham quan, gặp gỡ những người dân nơi đây, từ đó bạn nhận thấy:

Bồ Đào Nha có biển trong xanh ấm áp, có tòa lâu đài xanh ngát trong rừng sâu, có bánh trứng Pastel de Nata nổi tiếng thế giới, có chợ hải sản tươi sống, có cây cầu 25 de Abril trên mặt nước êm ả. Những thứ này chưa hề có trong dự kiến của bạn, và bạn cũng chưa từng quan tâm tới, nhưng khi biết đến nó, bạn nhận ra rằng, những thứ thật dễ thương này, chỉ duy nhất có nơi đây mới có.

Còn những người quen và bạn bè của bạn, họ có thể vẫn tấp nập đến Mỹ, và không ngừng khoe khoang về những điều họ thấy ở Mỹ. Khi nghe họ kể, có thể bạn sẽ nhủ thầm: "Ừ, đó chính là nơi mà tôi đã rất muốn tới. Đó là mơ ước cả đời của tôi".

Nỗi đau mà bạn không được đến Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ mất đi. Có nỗi đau nào lớn hơn mơ ước cả đời bị dập tắt?

Tuy nhiên, nếu suốt cuộc đời này bạn cứ mãi đau khổ và than khóc vì mình không đến được Mỹ, có lẽ phải mất rất lâu bạn mới nhận ra những điều đặc biệt mà chỉ Bồ Đào Nha mới có.

Dr. Mimi Thương là Tiến sĩ Tâm lý và Phát triển Nhi khoa. Cô là một trong những Chuyên gia Tâm lý hiếm hoi tại Hoa Kỳ thông thạo Việt ngữ trong việc chẩn đoán và điều trị.

Dr. Mimi Thương được chứng nhận bởi Học viện Sức khỏe Tâm lý Trẻ em và Gia đình tại California chứng nhận là Chuyên Gia Tâm Lý Nhi (IFECMHS) và được cấp giấy phép hành nghề tại tiểu bang California.

Cô sáng lập Trung Tâm Beautyful Hero với trụ sở tại miền Nam California và chi nhánh tại TPHCM. Beautyful Hero cung cấp dịch vụ Chẩn Đoán, Can Thiệp, Đào Tạo chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển tâm lý nhi. Các dịch vụ sử dụng phương pháp đã được kiểm chứng lâm sàng về hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển ở trẻ và giảm tối đa sự căng thẳng của cha mẹ.

Chia sẻ