Tiền điện tháng 6 tăng đột biến: Mức lũy tiến hiện nay của EVN là quá cao
TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội cho rằng, mức lũy tiến hiện nay của EVN là quá cao khiến cho chỉ số điện năng có thể chỉ tăng gần gấp đôi nhưng số tiền người dân phải trả có thể tăng đến gấp 3, thậm chí gấp 4 lần.
Nhiều nguyên nhân khiến giá điện tăng!
Thời gian gần đây, dự luận đang nóng lên với câu chuyện điện tăng giá. Dù nhiều hộ gia đình đã đoán trước tiền điện tháng 6 có thể tăng do thời tiết nắng nóng nên mức độ sử dụng quạt, điều hòa nhiều hơn mọi khi. Nhưng khi cầm tờ hóa đơn tiền điện trên tay nhiều khách hàng vẫn bất ngờ "bật ngửa" khi tiền điện tăng cao. Có những gia đình, tiền điện tăng gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí gấp 5 lần khiến nhiều người thấy choáng váng.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, có nhiều yếu tố làm hóa đơn tiền điện tăng trong đó có nguyên nhân giá điện mới cho sử dụng điện sinh hoạt tăng cao phần lũy tiến theo quyết định tăng giá bán điện từ ngày 16/3 vừa qua.
Theo ông Tuấn, trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6 vừa qua, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tăng sản lượng điện tiêu thụ của toàn hệ thống. Công suất cực đại đạt 2.987 MW (lúc 14 giờ ngày 29/5) so với cùng thời điểm năm 2014 là 2.180 MW, tăng 30,01%. Sản lượng cực đại cũng đạt 61,48 triệu kWh, tăng 17,04% so với năm 2014.
Bên cạnh đó, do kỳ ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng mua điện sinh hoạt của EVN Hà Nội kéo dài từ ngày 5 đến 25 hàng tháng, trùng vào những ngày cao điểm nắng nóng, nhiệt độ thường xuyên duy trì ở mức cao từ 36 độ C đến trên 40 độ C. Cùng với việc áp giá điện mới cho sử dụng điện sinh hoạt tăng cao phần lũy tiến theo Quyết định tăng giá bán điện từ ngày 16/3 vừa qua.
Như vậy, hóa đơn tiền điện tháng 6 có rất nhiều yếu tố đột biến tăng, dẫn đến khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có sản lượng tiêu thụ và số tiền thanh toán sẽ tăng so với tháng trước liền kề. Thậm chí nhiều trường hợp tiền điện tiêu thụ tăng từ 1,5 đến 3 lần.
Giá điện sinh hoạt mới được xây dựng theo mức bậc thang (6 bậc), nên nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều, tác động tăng tiền điện càng lớn. Đơn cử theo biểu giá điện mới, một hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt tiêu thụ 270kWh/tháng sẽ phải trả 535.029 đồng (đã bao gồm VAT); trong đó, 50kWh đầu tiên có giá 81.620 đồng (đã bao gồm VAT); 50kWh tiếp theo có giá 84.315 đồng (đã bao gồm VAT); 100kWh tiếp theo có giá 196.460 đồng (đã bao gồm VAT) và 70kWh còn lại có giá 172.634 đồng (đã bao gồm VAT). Nhưng nếu tiêu thụ với sản lượng 405kWh/tháng (sản lượng tăng 50%), số tiền phải thanh toán sẽ là 898.574 đồng (tiền điện tăng 68%); trong đó, 3 bậc thang đầu (50-50-100) có mức giá như trên, nhưng 100kWh (bậc thang thứ tư) có giá 2.242 đồng/kWh, 100kWh (bậc thang thứ năm) có giá 2.503 đồng/kWh và 5kWh (bậc thang thứ sáu) có giá 2.587 đồng/kWh.
Ông Tuấn cũng khẳng định trong vấn đề tiền điện tăng cao đến thời điểm hiện tại do những yếu tố khách quan kể trên chứ đến thời điểm hiện tại EVN chưa ghi nhận bất cứ sai sót nào.
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành Cụ thể: Bậc 1 cho từ 0-50 kWh giá 1.484 đồng/kWh, bậc 2 từ 51-100 kWh là 1.533 đồng/ kWh, bậc 3 từ 101-200 kWh là 1.786 đồng/ kWh, bậc 4 từ 201-300 kWh là 2.242 đồng/ kWh, bậc 5 từ 301-400 kWh là 2.503 đồng/ kWh, bậc 6 từ 401 kWh trở lên giá 2.587 đồng/ kWh. (Ảnh minh họa)
EVN cần xem xét lại
Đó là ý kiến của TS Nguyễn Minh Phong – chuyên gia Kinh tế - Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội nhận định về tình hình tiền điện hiện nay. TS Phong cho biết, cũng như ngành điện chia sẻ, nguyên nhân thứ nhất đó là mức độ tiêu thụ của người dân vào những ngày nắng nóng tăng cao hơn các thời điểm khác trong năm. Điều hòa, máy lạnh sẽ phải làm việc với công suất lớn hơn, từ đó gây tổn thất nhiều điện năng hơn vào những thời điểm nhiệt độ ngoài trời chênh lệch cao so với nhiệt độ làm mát trong phòng. Ngoài ra cũng có gia đình bật điều hòa, máy lạnh cả ngày lẫn đêm. Trời nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân rất cao rất lớn, trong khi nguồn cung điện ở Việt Nam lại chỉ có hạn.
Thực ra, việc áp dụng công thức lũy tiến trong biểu giá điện hiện nay của EVN một phần là để khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm điện hơn, lượng điện tiêu thụ được giới hạn trong bậc có mức giá thấp thì chắc chắn giá thành cũng sẽ thấp. Tuy nhiên mức lũy tiến hiện nay của EVN là quá cao, từ kWh 401 trở lên người dân sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang cao nhất là 2.587 đồng/kWh, khiến cho chỉ số điện năng có thể tăng gần gấp đôi nhưng số tiền người dân phải trả có thể tăng đến gấp 3, thậm chí gấp 4 lần.
Bên cạnh đó, cũng có một vài điểm bất hợp lý, bình thường người tiêu dùng dùng điện quen, họ biết cách tiết kiệm, ước chừng được lượng mình dùng trong tháng là bao nhiêu. Vậy mà dẫn tới việc tăng gấp 3, gấp 4 lần như thế này, có thể rất nhiều nguyên nhân có thể xảy ra như do cố tình cộng dồn tiền lũy tiến điện ngành điện sẽ được lời, cũng có thể do công tơ ghi sai. Ngành điện nên làm sao để cải thiện việc này. Chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngành điện cũng nên xem xét lại quy trình ghi số điện, kiểm tra máy móc công tơ xem cách đo đếm số điện tiêu thụ liệu có gì khuất tất, sai lệch hay không.
Theo TS Phong ngành điện độc quyền từ lâu, sự việc lần này là yếu tố đó tác động hay không thì chưa biết được. Có thể 1 EVN thứ 2 nào đó nhảy vào cuộc thì mình mới có thể biết, so sánh được EVN hiện tại có làm sai lệch gì hay không? Độc quyền xảy ra rất nhiều vấn đề, EVN cần đẩy nhanh quá trình không độc quyền.