Thúy Hạnh - Bố mẹ dạy chúng tôi yêu gia đình

Theo Phụ nữ ngày nay ,
Chia sẻ

Có hai điều tôi thích ở Thúy Hạnh: Nụ cười rộng mở và sự nồng nhiệt. Nồng nhiệt trong công việc và cả trong trò chuyện.

Chị luôn mang đến một cảm giác thật ấm áp cho người đối thoại, nhất là khi chia sẻ một câu chuyện cũng thật ấm áp về điểm tựa gia đình mình. Cần cù làm việc và khéo chăm chút gia đình đó chính là "bí quyết" để nữ giám đốc chuyên môn của công ty cổ phần giải trí Elite Việt Nam tạo dựng sự nghiệp vững vàng và giữ gìn gia đình như hôm nay... Điều quý giá đó, chị nhận mình thừa hưởng và được nuôi dưỡng từ chính cách sống của bố mẹ.

- Nhắc đến bố mẹ, thấy chị rất tự hào. Chị thấy mình ảnh hưởng từ họ điều gì lớn nhất?

- Có lẽ đó là sự trân trọng, chăm sóc cuộc sống gia đình. Cả bố và mẹ tôi đều có điểm chung: dù có đi đâu, làm gì thì gia đình vẫn là điều đáng quan tâm nhất, quý giá nhất. Chị em tôi lớn lên trong bầu khí ấy nên dù hồi ấy rất nghèo, khó khăn, vất vả nhưng trong gia đình, chúng tôi không bao giờ cảm thấy thiếu tình yêu thương. Nhất là sự đồng cam cộng khổ xây dựng, vun vén cho nhau. Tôi nghĩ mình đã chịu ảnh hưởng có ý thức và cả vô thức từ bố mẹ, ảnh hưởng từ quan điểm về đồng tiền, lối sống, đến sự trân trọng cuộc sống gia đình bình yên.

- Cha mẹ ta xưa thường tâm niệm "Em ơi chua ngọt đã từng/Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau". Bài học đầu tiên về sự chia sẻ, đồng cam cộng khổ của bố mẹ mà chị nhớ nhất là gì?

- Tôi nghe ông bà kể lại, bố mẹ tôi lúc cưới nhau chỉ có hai bàn tay trắng. Nghèo lắm, thậm chí không có nổi chiếc giường cưới, phải đi mượn người bạn, ba ngày sau trả lại. Cưới nhau rồi cũng không có nhà, phải ở nhờ lúc bên ngoại, lúc bên nội, rồi nhà thuê. Mãi sau này được nhà nước cấp cho miếng đất, chính bố mẹ tôi tự xây nhà, ròng rã trong hai năm trời, mỗi ngày một ít. Vì thế, ngôi nhà ở Hà Nội với gia đình tôi có quá nhiều kỷ niệm gắn bó. Biết bao vui buồn, sướng khổ và cả tuổi thơ ở đó cả.
 
- Tôi nghe nói 13 tuổi chị đã tập tành kinh doanh. Phải chăng chị ý thức phải tự lập sớm từ sự vất vả của gia đình? Hay đơn giản trong chị đã có "máu" kinh doanh?
 
- Có lẽ là cả hai. Hồi bé, do mẹ làm trong rạp phim nên tôi hay được mẹ dắt theo. Tôi mê phim lắm. Tôi còn nhớ năm 13 tuổi, tôi có dịp vào Sài Gòn chơi. Thời điểm ấy nhiều người rất mê các phim bộ kiếm hiệp của Hong Kong và sưu tầm ảnh diễn viên. Tôi đã nảy ra sáng kiến là mua rất nhiều ảnh nghệ sĩ về Hà Nội bán lại cho bạn bè kiếm lãi. Qua những "thương vụ" đó cũng tự lo được tiền học phí, đỡ cho bố mẹ (cười). Vì là con nhà nghèo, nên mình sớm học cách tự lập, chịu khó. Đức tính này tôi ảnh hưởng từ bố tôi đấy! Thỉnh thoảng tôi vẫn nói đùa với ông xã là anh còn phải học tập bố dài dài. Bố tôi là mẫu đàn ông đúng nghĩa của gia đình!
 
Thúy Hạnh và mẹ

- Người đàn ông đúng nghĩa của gia đình như chị nói, có thể được hiểu như thế nào?

- Bố tôi rất chịu khó, việc gì ông cũng làm, không nề hà, miễn sao lo được cho vợ con. Như tôi đã nói, chính bố tôi cặm cụi tự xây ngôi nhà cho gia đình suốt hai năm trời. Ngay cả những việc tưởng dành cho phụ nữ bố cũng thường làm để chia sẻ với mẹ. Từ khi tôi lấy chồng, vào TP.HCM, bố vào đây giúp vợ chồng tôi chăm sóc bé Suli từ khi bé mới được sinh ra đến giờ.
 
Ngoài 60 tuổi mà hàng ngày ông vẫn đi chợ, lo cơm nước, chăm sóc con cháu đấy! Một tay ông đỡ đần! Mẹ tôi thì ở ngoài Bắc chăm sóc con chị Hằng. Ông bà chấp nhận sống xa nhau vì thương con cháu, thỉnh thoảng mới gặp nhau rồi lại hoán đổi cho nhau (cười).

- Chị thừa hưởng đức tính cần cù, chịu khó của bố, thế còn mẹ, điều gì ở bà chị học được nhiều nhất?

- Người mẹ nào không yêu con, nhưng mẹ tôi có những cách thể hiện tình cảm đặc biệt, trìu mến lắm. Tôi còn nhớ hồi nhỏ, có lần vừa mở mắt thức dậy, tôi thấy mẹ đang nhìn mình đăm đăm. Tôi bảo "Trời ơi! Mẹ làm giật cả mình, mẹ làm gì mà nhìn con chằm chằm thế?". Bà mỉm cười: "Cái con bé này! Mẹ yêu con, ngắm con mà cũng kêu à!". Bà luôn hướng đến việc bày tỏ tình yêu thương trìu mến một cách tự nhiên, không ngại ngần. Chị em tôi dù đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng sinh nhật năm nào cũng nhận quà, lời chúc, tin nhắn yêu thương của bố mẹ.

- Vào thời điểm chị em thấy khó khăn nhất trong cuộc đời, gia đình có ý nghĩa thế nào với chị?

- (Ngẫm nghĩ) Thời điểm khó khăn nhất ư? Có lẽ là thời điểm khi tôi vào Sài Gòn, mang thai bé đầu. Trong khi sửa sang căn hộ vừa mua, một lần cúp điện, tôi chủ quan leo 11 tầng lầu lên căn hộ của mình. Sau lần ấy, tôi có nguy cơ bị sẩy thai, phải nằm bẹp một chỗ. Mọi việc lúc ấy rất ngổn ngang, từ công việc, gia đình cho đến môi trường xa lạ. Tinh thần tôi xuống rất tệ, sợ hãi, lo âu đủ thứ!
 
Khi biết tin, ngay lập tức mẹ tôi vội ngưng ngay việc kinh doanh, đóng luôn cửa hàng, bay vào chăm sóc, an ủi con. Từ việc cơm nước cho đến hàng ngày chở tôi đi tiêm thuốc. Bố tôi vì công việc không vào được cũng liên tục điện vào thăm hỏi, động viên. Thú thực lúc ấy, tôi không biết sẽ thế nào nếu không có bố mẹ bên cạnh. Tình yêu thương, sự hy sinh của bố mẹ dành cho chúng tôi là tuyệt đối! Sau này, sinh con, nuôi con, mình càng hiểu, càng thấm sự hy sinh ấy.

- Gần 18 năm gắn bó với thời trang, một môi trường lập lờ cạm bẫy, chị và Thúy Hằng vẫn được xem là mẫu người biết giữ mình, không vướng "scandal" ồn ào và luôn có những bước tiến vững vàng trong nghề nghiệp. Hai cô con gái đến với nghề khi mới 14 tuổi, bố mẹ chị hẳn không khỏi lo lắng? Họ đã định hướng điều gì cho chị?

- Bố mẹ tôi có cách giáo dục rất thoáng, không áp đặt và tôn trọng những suy nghĩ, quyết định của con. Ông bà đều thống nhất với nhau quan điểm: dạy con không phải khiến con sợ để nghe lời mà xem con cái là bạn bè, có thể trao đổi, thoải mái trò chuyện. Chính vì vậy, khi được một người bác làm ở Cung Văn hóa Việt Xô khuyến khích, tôi và chị Thúy Hằng đã tham gia cuộc thi "Người đẹp đêm Noel" và may mắn, cả hai chị em đều lọt vào top 10.
 
Con đường bén duyên với thời trang của hai chị em cũng bắt đầu từ đó. Bố mẹ tôi không phản đối vì hồi ấy, người mẫu cũng là nghề quá mới, cũng không có những phức tạp hậu trường như sau này. Chúng tôi đến với nghề và hoạt động nghệ thuật một cách rất hồn nhiên. Tuy nhiên, lúc nào bố mẹ tôi cũng dõi theo công việc và cho những lời khuyên hợp lý, nhất là luôn dặn các con bước đi bằng chính đôi chân của mình.

- Cách sống và giáo dục của bố mẹ đã được chị vận dụng thế nào trong việc giáo dục các con cũng như giữa gìn sự yên ấm trong gia đình nhỏ của mình?

- Đó chính là cách hướng dẫn con bày tỏ tình yêu thương, chia sẻ, cho con hiểu được sự gắn kết thiêng liêng của tình cảm gia đình bằng những cử chỉ, lời nói, sự ân cần chăm sóc, quan tâm đến nhau hàng ngày. Gia đình tôi có truyền thống là chọn Chủ nhật làm ngày "family's day". Dù bận bịu thế nào, hôm đó, mọi thành viên trong nhà cũng dành thời gian để ăn cơm gia đình và hàn huyên chuyện trò giữa ba thế hệ: ông bà - bố mẹ - con cái.

Bản thân tôi là người nóng tính nhưng tôi học được từ bố sự nhường nhịn trong đời sống vợ chồng, biết ghìm cái tôi của mình đúng lúc với suy nghĩ "không trầm trọng vấn đề". Nếu mình xem nó nhỏ, nó sẽ là chuyện nhỏ và ngược lại. Chẳng hạn nếu có chuyện cãi và xảy ra, bố tôi thường nhịn hoặc nếu bức bối quá sẽ bỏ ra nơi khác để mẹ "hạ hỏa" rồi sau đó mới trao đổi. Tôi cũng nghĩ vợ chồng cũng cần sự tinh tế, điều này tôi học được từ mẹ đấy. Chẳng hạn ông xã tôi có ham vui, đi nhậu với bạn bè, thay vì bực bội căn vặn, tôi nhắn tin: "Ba ơi, khi nào về mua giúp mẹ gói xôi nha! Mẹ đói bụng!". Thế là anh ấy sẽ gọi điện ngay và thường về sớm, mua đồ ăn cho vợ (cười).

- Trong xã hội hiện đại, ở nhiều gia đình, mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo. Áp lực cuộc sống cuốn người ta vào guồng quay hối hả của công việc và đủ thứ trách nhiệm hoặc các mối bận tâm khác. Nhiều người trở nên xem nhự mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ. Chị nghĩ thế nào về xu hướng này?

- Tôi nghĩ, dù xã hội phát triển đến đâu, cuộc sống hiện đại thế nào thì giá trị gia đình là bất biến. Vấn đề là ở ý thức và sự giáo dục trong mỗi nếp nhà. Cuộc sống bây giờ ai mà không gặp áp lực, không bận rộn? Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta không còn thời gian dành cho nhau quan tâm đến nhau nữa. Ăn thua vẫn chính là tình cảm và sự nhận thức của mình thôi.
 
Ngay cả ở phương Tây, văn hóa của họ đề cao sự độc lập và tính cá nhân là thế nhưng hiện nay, họ đang có xu hướng tìm về những giá trị gia đình giống như người Á Đông. Tôi từng thấy, từng biết rất nhiều người đã gục ngã, chống chếnh thế nào khi không tìm thấy điểm tựa gia đình. Tuy nhiên, để gia đình thực sự là bến đỗ bình yên nhất thì chính bản thân mỗi người phải nỗ lực, kiến tạo và vun xới nó.
 
Chia sẻ