Thường xuyên bơi có thể gây bệnh cho bạn?
Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Florida (Mỹ) đã chỉ ra rằng, ra khỏi nước có thể giúp bạn khoẻ mạnh hơn là việc ngâm mình dưới nước.
Ngay cả ở các vùng nước không có tạp chất, những người bơi lội có nhiều khả năng bị bệnh hơn những người tắm nắng ở bãi biển, Jay M.Fleisher - Phó Giáo sư chuyên về y tế công cộng thuộc Trường Đại học Southeastern ở Fort Lauderdale-Davie cho biết.
Và câu trả lời trong trường hợp này là có. Ông Fleisher và nhóm nghiên cứu của mình đã đưa 1.303 người trưởng thành đến bãi biển Hobie gần Miami, một nơi nổi tiếng là vùng biển nguyên sơ và nước khá sạch. Trong số những người được đưa đến đây, một nửa ở lại trên bờ và nửa kia thì thường xuyên bơi.
Trong vòng một tuần, kết quả rất rõ ràng là những người thường xuyên bơi lội có nguy cơ gặp các vấn đề về dạ dày gấp 1,76 lần người ở trên bờ, gặp các vấn đề về sốt, sổ mũi, viêm họng gấp 4,46 lần và gặp các triệu chứng ngứa phát ban gấp 5,91 lần.
Nguyên nhân? Các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chắc chắn, nhưng họ nghi ngờ vi khuẩn Enterococcus - một loại vi khuẩn bẩn thường tìm thấy trong phân người và nhiều loài động vật khác. Các nhà nghiên cứu thường phát hiện thấy loài vi khuẩn này trong nước bị ô nhiễm, nhưng họ đã ngạc nhiên khi tìm thấy nó - đôi khi ở nồng độ cao - trong một khu vực bãi biển nổi tiếng là sạch sẽ, hoang sơ và không bị ô nhiễm.
Trong khi đó ông Fleisher ghi chú rằng, mặc dù những người thường xuyên bơi lội có nhiều khả năng bị bệnh hơn so với người không bơi, nhưng số lượng người đi bơi bị ốm thực sự thì lại không nhiều.
Chỉ có khoảng 1 trong 100 người phát triển bệnh về đường hô hấp với sốt; khoảng 2 trong 100 người gặp các bệnh về đường tiêu hoá và khoảng 6 trong 100 người mắc các bệnh ngoài da.
Theo VTC