Thương nhau như chị em dâu
Ai bảo chị em dâu không thể yêu nhau như ruột thịt, ai bảo “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng?”.
. |
Chỉ có độc một ông anh “khô như ngói” nên từ ngày anh có vợ, Chi Anh bỗng dưng có thêm “một người bạn” thân thiết. Chị Hằng cũng chỉ hơn Chi Anh 5 tuổi. Hai chị em lại rất tâm đầu trong khoản quần áo, đầu tóc hay ăn uống. Được chị tư vấn về thời trang, Chi Anh luôn làm lóa mắt đám bạn thân bằng vẻ đẹp “dịu dàng mà không chói lóa”. Thậm chí thời gian trước, Chi Anh còn ngẩn ngơ như người mất hồn vì cậu bạn lớp phó đẹp trai, không thiết ăn, không thiết học. Thế mà qua tay chị dâu ba buổi tư vấn, comment trên blog, cô nàng đã hạ quyết tâm: “Quyết chí học hành rồi đỗ đạt sẽ tính chuyện yêu đương tiếp”.
Anh trai vẫn thường đùa: “Không khéo sau này cô đi lấy chồng, chị dâu lại bỏ cả anh để theo cô mất”.
Năm nay, Chi Anh nộp hồ sơ dự tuyển vào Đại học Kinh tế. Chị Hằng, năm trước, tốt nghiệp trường này lọai ưu, được giữ lại làm giảng viên. Vớ được thầy giỏi tại gia, Chi Anh tha hồ có đất “dụng võ” mấy khoản bài vở, được truyền kinh nghiệm ăn uống, giữ sức cho mùa thi. Tối tối, trên căn phòng nhỏ lại chí chóe tiếng chị em cười nói, tranh luận cách giải bài này bài nọ. Hăng say đến nỗi, nhiều hôm, anh trai phải nhảy vào cuộc làm trọng tài chính: “Thôi, thôi, trả vợ cho anh. Khuya rồi đấy”.
Không có nhiều niềm vui như Chi Anh, Khanh gặp một cú sốc đầu đời. Cú sốc nặng nề đến mức nếu không có chị dâu nâng đỡ, cô chẳng biết mình có đủ sức vượt qua. Chứng kiến cảnh bố mẹ chia tay, từ bé Khanh đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc dịu dàng của mẹ.. Sống trong gia đình toàn đàn ông, Khanh hơi khép mình, ít chia sẻ. Nhất là mấy chuyện về tình cảm, giới tính.
Kết hôn được khoảng 3 tháng, hạnh phúc là thế nhưng rồi chồng Khanh đột ngột qua đời vì tai nạn. Cô hụt hẫng và choáng váng. Bố và anh trai đề nghị đưa Khanh về nhà chăm nom. “Nhưng là đàn ông, chả khéo an ủi, dỗ dành”. Thấy chồng tâm sự buồn rầu, dù mới bước chân về làm dâu, chị Điệp cũng không khỏi mủi lòng thương xót…
Từ ngày ấy, chị ra sức cưng chiều, sẻ chia với cô em dâu. Khanh lặng lẽ và khó gần nhưng dần dần cũng bị người chị dâu tốt bụng cảm hóa. Hôm Khanh ốm, sốt cao, trong mơ cô thấy bóng chị nhẫn nại, cần cù thức đêm thức hôm. Mấy anh chị nằm viện cùng phòng với Khanh còn bán tín bán nghi khi cô nói đấy là chị dâu mình.
Dần dà, được chị chăm ăn tốt lại tâm lý, tế nhị, Khanh bớt nặng lòng về nỗi đau khổ, bất hạnh của mình. Khỏi phải nói, bố mẹ và anh trai vui mừng thế nào khi thấy cô bớt lầm lũi, vui vẻ, lạc quan hơn.
Để trả ơn chị, lúc rảnh rỗi, Khanh thuờng âm thầm chuẩn bị chu đáo mọi thứ: Là phẳng phiu bộ quần áo mới cóng cho anh, vá lại đường sứt trên cái áo ba lỗ của bố. Thậm chí nhà cửa cũng được Khanh lau chùi, quét tước không còn một hạt bụi.
Vậy mà, hễ có thành viên nào mắt tròn mắt dẹt hỏi han, Khanh nháy mắt với chị dâu tinh nghịch: “Chị Điệp làm hết bố ạ. Chị ấy cũng giỏi giang, khéo léo lắm”. Bỗng dưng, Khanh trở thành cầu nối giữa chị dâu với gia đình. Thi thoảng, chị phải đi công tác xa, Khanh lại tranh thủ “buôn dưa lê” nũng nịu đòi quà cáp.
Ai bảo chị em dâu không thể yêu nhau như ruột thịt, ai bảo “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng?”.