Thương cảnh dân bãi giữa chống chọi mùa mưa bão

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

Không có một mái nhà kiên cố, hàng chục chiếc thuyền bè vừa là phương tiện mưu sinh, vừa là nơi ăn chốn ở của nhiều người dân bãi giữa đang phải gồng mình chống chọi với mùa mưa bão.

“Xóm ba không” chênh vênh mùa mưa bão

Bãi giữa sông Hồng là nơi quy tụ hàng trăm dân ngụ cư từ các tỉnh thành đổ về sinh sống. Chỉ độc một chiếc thuyền bè, vài vật dụng đơn giản cho sinh hoạt, cuộc sống với họ coi như cũng đủ đầy.

Chúng tôi tìm đến xóm ngụ cư này trước mùa mưa bão, hàng chục con thuyền vẫn cắm mốc nổi lênh đênh trên dòng nước, chỉ khác là cái xóm “ba không” này đang tất tả chuẩn bị “tân trang” lại “nhà” để đón bão.

Nghe nói sắp tới Hà Nội có mưa dài ngày, anh Phạm Văn Minh vội vàng mua thêm bạt, gỗ và không quên ít lương thực để tích trữ dài ngày.
 
Vẫn bàng hoàng khi nhớ lại trận lụt lịch sử ở Hà Nội, anh tâm sự: “năm đó quả là dân xóm chài này cũng chủ quan, năm nào cũng bão, cũng mưa, có sao đâu, ai ngờ năm đó nước dâng cao đến thế. Cái bè nhà tôi đã hỏng nhiều, mưa to một chút là nước chảy vào trong, có đêm, cả nhà đành thức trắng vì chẳng có lấy một chỗ khô ráo để ngủ. Đúng năm đó, tôi phải đưa vợ con lên xuồng sang nhà khác ở nhờ. Năm nay, rút kinh nghiệm, tôi phải sửa sang lại cái bè cho chắc chắn.”
 
 
Xóm chài đơn sơ này liệu có chống chịu nổi qua cơn mưa bão?

Nói rồi anh cầm tấm bạt, ít gỗ, đinh, búa... chuẩn bị cho công việc của mình. Anh dự định sẽ đóng thêm gỗ mới vào những phần gỗ đã cũ, căng thêm tấm bạt lên nóc bè để tránh mưa dột. Nhưng nhìn chiếc bè đã quá cũ nát, ẩm mốc và có phần trống hoác của vợ chồng anh, tôi thầm nghĩ, không biết liệu nó có chống chọi nổi qua mùa mưa bão?

“Tân trang” lại nơi ăn chốn ở đón bão là điều đương nhiên, nhưng còn có một “thành tích” đáng nể hơn mà anh muốn kể với tôi đó là việc, anh đã dạy cho hai đứa con nhỏ thành thạo cả việc chèo xuồng lẫn bơi lội. Chỉ tay vào hai đứa nhỏ đen, gầy nhưng nhanh nhẹn như những con rái cá, anh bảo: “đấy, dạy chúng biết bơi, biết chèo xuồng thì mưa bão thế nào cũng không sợ, vẫn an tâm.”

Mỗi năm, bão chồng bão, mưa chồng mưa đổ về, nước sông dâng nhanh như thác lũ, ngồi bên trong bè nhìn ra, cả không gian chỉ đặc quánh một màn mưa và nước sông dâng lên đục ngầu. Cái thảm cảnh đó năm nào cũng diễn ra, năm nào người dân cũng phập phồng lo sợ. Sợ là thế, nhưng cả xóm cũng chỉ biết chống chọi đơn giản bằng việc neo chặt nhà cửa vào cây cối.
 
Phương tiện di chuyển duy nhất.

“Thực tế ở đây lâu cũng quen cảnh mưa bão rồi, chỉ là ở tạm, đồ đạc không có gì giá trị nên không lo. Dân ở đây đều như thế cả. Lo nhất là những cơ nghiệp quần quật vun trồng cả tháng chỉ một trận gió bão là tan tành chả còn gì nữa,” bác Chiến, một người dân sinh sống nhiều năm ở đây cho biết.

Ngôi nhà mái lá tuềnh toàng của vợ chồng anh Hải nằm lọt thỏm giữa vườn chuối xanh tốt, um tùm. Anh cười hớn hở nói rằng, cái lều nhỏ của hai vợ chồng năm nay chẳng lo mưa bão, vì anh đã trồng mấy cây chuối xung quanh. “Nhưng nếu có gió to cũng nguy hiểm, lỡ may chuối đổ vào lều, nhà thì chẳng có gì tôi chẳng lo, chỉ lo là giữa lúc mưa to gió lớn, hai vợ chồng chẳng biết đi đâu, về đâu.”
 
Những chiếc bè mái căng bằng bạt, tường chằng chịt, chắp vá
 hàng trăm thứ gỗ, vải, cót...

Mọi vật dụng trong lều chỉ đủ cho những nhu cầu nhỏ nhất của cuộc sống. Một cái bếp, dăm bộ bát đũa, vài cái nồi, một cái chõng để ngả lưng. Ngay cả bản thân cái lều cũng chỉ được dựng bằng tre và cót ép. Nóc lều nơi nào thủng thì vá tạm bằng nilon. Chỉ có thế, nhưng cơn bão lớn, bão nhỏ đã từng kinh qua hết.

Vợ chồng anh tính sẽ chẳng sửa sang gì cho căn nhà đã quá dột nát, nhưng thấy hàng xóm đi kiếm hàng bó dây khoai, còn cả rễ lẫn lá đem xếp lên mái nhá để tránh dột và tốc mái, nên vợ chồng anh cũng thử.

“Nhiều nhà làm theo cách này, đơn giản, không tốn tiền mà cũng có hiệu quả nên vợ chồng tôi cũng đi dứt dây khoai về. Chằng buộc một lúc là đêm mưa to ngủ vẫn ngon,” anh lạc quan nói.

Lũ đến, lo kế sinh nhai

Dân bãi giữa ngại nhất là nước lụt. Trận lụt nào cũng gây mất mát về mùa màng, cây cối. “Người tuy chưa có tổn thất gì, nhưng làm gì còn kế sinh nhai. Sau lũ, tài sản cũng theo con nước mà ra đi,” anh Hưng, một cư dân ở đây cho biết.

Những năm trước đây, khi nước lụt dâng ngập trắng xung quanh, vợ chồng anh và ba đứa con nhỏ lâm vào cảnh đói, khát. Bè dột, không có chỗ để nấu ăn, gạo, nước hết dần mà mưa vẫn không ngớt, nước vẫn chưa rút. Anh phải chèo xuồng sang những nhà hàng xóm, vay từng bơ gạo, gói mì về cứu đói cho cả gia đình.
 
Giống như vợ chồng anh Hưng, vừa nghe tin có mưa lớn, chị Hạnh đã vội vàng kiếm những chiếc sào dài chống chuối. “Bão đến chỉ sợ đổ chuối thôi, bao nhiêu cây ra buồng, quả sắp chín rồi. Đổ hết chỗ chuối này, thì chẳng biết lấy đâu ra tiền mà đóng học phí cho mấy đứa con. Năm học mới của chúng trông cả vào đây.”

Bếp củi, nước mua theo can, ăn uống thiếu thốn là thảm cảnh cuộc sống
 của người dân nơi đây.

Không chỉ kiếm những thanh củi to, chắc, chị còn mua những mảnh áo mưa che kín buồng chuối sai trĩu quả, đôi tay chị làm nhanh thoăn thoắt tưởng chừng như chỉ chậm một chút nữa thôi thì cơn mưa to sẽ ập đến.

Nhớ trận lụt lịch sử ở Hà Nội, toàn bộ vườn chuối, vườn rau xanh tươi tốt của vợ chồng chị Hạnh mất trắng. Chuối đổ cây, chết hết, rau ngập úng cũng không sống được. “Năm đó vợ chồng tôi mất toi bao tiền dành để mua giống, tiền phân bón, công làm lụng chăm nom. Thế là mất hết.”

Năm nay, sợ có mưa lũ, chị cùng chồng hái rau bán rẻ, được đồng nào, hay đồng đó.
 
Nếu có lũ, công việc phơi, nhặt nilong của ông Bài sẽ bị ngừng trệ.

Sau khi thu hoạch, trừ tiền thuê đất, phân bón, bơm nước thì mỗi sào cũng chỉ lãi vài trăm nghìn đồng mà suốt cả năm quần quật vun xới, chăm chút, nhưng cũng là đủ sống,” chị tâm sự.

Còn đối với ông Bài, nếu có lũ đến thì công việc nhặt nilong, đem giặt, phơi rồi đi bán của ông sẽ bị... ngừng trệ. Đồng nghĩa với việc ngồi nhà và không có tiền để chi cái ăn, thức uống. “Những ngày nắng cũng kiếm được vài chục nghìn, chứ ngày mưa thì chỉ biết ngồi than trời mà thôi.”

Mỗi năm, khi mùa mưa bão đổ là cái xóm chài “ba không” này lại gồng mình lên chống chịu, hàng chục thuyền bè, hàng trăm con người cả già lẫn trẻ vẫn cố gắng bám trụ lại nơi đây. Cho dù cuộc sống còn nhiều khốn khó, thì họ vẫn vững tin sau bão, lớp phù sa mới sẽ bồi, một mùa màng tươi tốt đang chờ phía trước.
Chia sẻ