Thuốc trị COVID-19 Molnupiravir mang lại hy vọng mới cho các nước nghèo

Hoài Thanh,
Chia sẻ

Khi Merck & Co chạy đua với thời gian để đưa ra thị trường thuốc điều trị dạng viên chữa COVID-19, hãng này cùng nhiều bên liên quan cũng tăng cường nỗ lực đưa sản phẩm tới các nước đang phát triển – số đang gặp khó khăn trong việc tiêm chủng vaccine cho dân chúng.

Thuốc trị COVID-19 Molnupiravir mang lại hy vọng mới cho các nước nghèo - Ảnh 1.

Thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merck & Co (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Philippe Duneton – Giám đốc điều hành Sáng kiến Y tế toàn cầu (Unitaid) cho biết cơ quan này cùng với các đối tác liên quan trong tuần tới dự kiến sẽ hoàn tất thỏa thuận cung cấp những lô hàng thuốc uống trị COVID-19 Molnupiravir do Merck nghiên cứu, phát triển cho các nước có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Unitaid cũng đã thảo luận với Merck về điều khoản sản xuất thuốc gốc (generic).

Theo ông Duneton, thuốc Molnupiravir thực sự là điều cả thế giới trông đợi, hy vọng trong những tháng qua trong cuộc chiến chống đại dịch. Nó mở ra cánh cửa hy vọng về phương pháp điều trị hiệu quả COVID-19 và giờ là lúc các bên cần phối hợp với nhau để giúp người dân tại các nước nghèo có điều kiện tiếp loại thuốc này.

Nếu được cấp phép và đưa ra thị trường, Molnupiravir có thể sẽ là công cụ tạo ra thay đổi bước ngoặt trong cuộc chiến chống COVID-19. Nhưng vấn đề nguồn cung toàn cầu tới đâu, có đạt được sự đồng đều, bình đẳng hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Ví dụ như trên mặt trận vaccine, các nước thu nhập thấp rõ ràng đã bị tụt lại phía sau. 9 tháng sau khi vaccine được đưa vào tiêm chủng trên toàn cầu, vẫn có 55 nước chưa đạt độ che phủ vaccine 10% dân số. Hàng chục nước có tỉ lệ dưới 2%.

Molnupiravir là thuốc kháng virus SARS-CoV-2 dạng uống đang thử nghiệm của hãng Merck. Thuốc được cho là có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, kể cả biến thể Delta có mức độ lây nhiễm cao. Thuốc giúp giảm 50% tỉ lệ số ca bệnh nặng phải nhập viện, hoặc số ca tử vong.

Theo kết quả phân tích sơ bộ về nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3 đối với 775 bệnh nhân được Merck công bố ngày 1/10, có 7,3% trong số đó được dùng thuốc Molnupiravir phải nhập viện trong vòng 29 ngày sau khi được điều trị, trong khi con số này ở những người dùng giả dược là 14,1%. Không có ca tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir trong vòng 29 ngày, trong khi ở những người dùng giả dược là 8 ca.

Thử nghiệm giai đoạn 3 này được tiến hành tại hơn 170 địa điểm ở các nước và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Brazil, Italy, Nhật Bản, Nam Phi, Guatemala và Đài Loan (Trung Quốc). Tất cả 775 người tham gia thử nghiệm đều có các triệu chứng mắc COVID-19 đã được xác nhận và được phân bổ ngẫu nhiên thuốc Molnupiravir hoặc giả dược trong vòng 5 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Những tham gia đều chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và có ít nhất một yếu tố tiềm ẩn khiến họ có nguy cơ bệnh tiến triển nặng như tiểu đường, bệnh tim mạch, béo phì hay tuổi cao trên 60.

Trước những kết quả tích cực trên đây, Merck cùng với đối tác Ridgeback Merck và Ridgeback có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Liên danh này cũng sẽ đệ trình dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho các cơ quan quản lý thuốc, dược phẩm trên toàn cầu.

Merck cho biết có thể sản xuất 10 triệu viên vào cuối tháng này, với số lượng sẽ tăng lên nhiều trong năm 2022. Tháng 6/2021, Merck đã ký thỏa thuận trị giá 1,2 tỉ USD với chính phủ Mỹ, trong đó có điều khoản cung ứng 1,7 triệu liều Molnupiravir.

Hồi đầu năm nay, Merck cũng tuyên bố đã ký hợp thỏa thuận tự nguyện chuyển giao cấp phép cho 5 nhà sản xuất thuốc gốc tại Ấn Độ. Mục đích chính là giúp mở rộng khả năng tiếp cận thuốc điều trị ở hơn 100 quốc gia thu nhập trung bình và thu nhập thấp sau khi Molnupiravir được phê duyệt cấp phép khẩn cấp tại các nước. Ngoài ra, Merck dự kiến sẽ triển khai chiến lược giá bán nhiều mức ở từng nước, dựa trên tiêu chí thu nhập trung bình mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra.

Chia sẻ