Thuốc làm béo: Bên ngoài béo phì, bên trong teo cơ
Có một số loại thuốc khi uống vào, cơ thể sẽ mập ra nhưng đi kèm theo đó là nhiều tác dụng phụ.
Thuốc làm cho mập đầu tiên phải kể là thuốc chống viêm glucocorticoid thường được gọi tắt là corticoid. Thuốc corticoid gồm nhiều loại: dexamethason, prednison, prednisolo... Về phương diện chữa bệnh, thuốc corticoid là thuốc rất quý dùng để chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp, bệnh suy tuyến thượng thận.
Chính cơ thể có vẻ như mập ra và tăng trọng khi uống thuốc này liên tục và kéo dài là biểu hiện một tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Do thuốc corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể làm rối loạn chuyển hóa lipit và làm đọng mỡ lại ở mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ bị béo phì, mặt tròn trịa, thật ra cơ thể lại bị teo cơ.
Song song với tác dụng phụ gây béo phì, thuốc còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác là làm loãng xương, tăng huyết áp, làm giảm sự đề kháng của cơ thể đưa đến dễ nhiễm trùng nếu đã bị bệnh lao sẽ làm bệnh nặng thêm...
Thuốc thứ hai giúp làm cho mập một cách gián tiếp là durabolin, tên biệt dược của nandrolon phenylpropionat, là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức. Thuốc này không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ còn trẻ.
Thuốc thứ ba thường được dùng là cyproheptadin. Thuốc được gọi là kháng histamin trị dị ứng nhưng lại có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn.
Tức là thuốc này làm tăng trọng một cách trực tiếp, làm giữ nước và natri lại trong cơ thể, gây phù như thuốc corticoid. Người dùng thuốc này có thể ăn nhiều hơn nhưng cyproheptadin chỉ kích thích sự thèm ăn tạm thời và có nhiều tác dụng phụ.
Thuốc gây buồn ngủ, không được dùng đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ dưới 2 tuổi và người già suy nhược. Đối với trẻ con, thuốc có thể gây cơn co giật gọi là tác dụng phụ thần kinh ngoại tháp. Thuốc cũng không được dùng ở người bị tăng nhãn áp, u tuyến tiền liệt, loét tá tràng. Do lợi bất cập hại như vậy nên nhiều nước không còn ghi chỉ định trị chứng chán ăn đối với cyproheptadin.