Thuốc kháng virus Lambda - "cánh tay nối dài" đầy triển vọng trong cuộc chiến chống COVID-19
Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các loại vaccine và đẩy mạnh tiêm phòng, các nhà khoa học đang thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc đặc trị virus SARS-CoV-2.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một trong những liệu pháp được cho là rất có triển vọng hiện nay là Interferon Lambda (gọi tắt là Lambda) do Đại học Stanford của Mỹ nghiên cứu và thử nghiệm.
Tại bệnh viện Đại học Stanford, bang California, Mỹ, giáo sư, bác sĩ Jeffrey Glenn đang trao đổi về kết quả dùng thuốc kháng virus có tên Lambda, vốn được phát triển để điều trị bệnh viêm gan D, được thử nghiệm điều trị bệnh nhân COVID-19.
Theo giáo sư Jeffrey, khi xâm nhập vào cơ thể, virus SARS-CoV-2 cản trở Interferon Lambda, loại protein phát triển tự nhiên trong cơ thể để chống lại virus. Thuốc Lambda giúp đảo ngược tình trạng này với nhiều ưu điểm so với các liệu pháp và thuốc điều trị COVID-19 hiện nay.
Giáo sư, bác sĩ Jeffrey Glenn cho biết: "Lambda ít có tác dụng phụ bởi nó không hoạt động trên toàn cơ thể mà chỉ tập trung vào phổi, ruột và gan. Đó cũng là những nơi mà COVID-19 thường tấn công. Một trong những lợi ích lớn nhất của Lambda là kích hoạt hệ thống phòng vệ tự nhiên của cơ thể nên không xảy ra tình trạng kháng thuốc như với vaccine".
Dựa trên kết quả thử nghiệm và kinh nghiệm của mình, giáo sư, bác sỹ Jeffrey tin rằng, cùng với vaccine, Lambda sẽ là bổ sung hữu hiệu cho cuộc chiến chống COVID-19.
Kết quả thử nghiệm giai đoạn 2 tại Mỹ và Canada với các bệnh nhân COVID-19 cho thấy, 79% bệnh nhân đã chấm dứt tình trạng nhiễm trùng sau 7 ngày được tiêm 1 mũi Lambda, hàm lượng virus cũng đã giảm nhanh chóng ở tất cả các bệnh nhân được tiêm.
Hiện thuốc Lambda đang được thử nghiệm giai đoạn 3 tại 11 cơ sở ở Brazil và Canada. Kết quả của giai đoạn này, dự kiến kết thúc cuối quý III năm nay, sẽ giúp Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ có đủ căn cứ để phê chuẩn việc đưa Lambda vào sử dụng trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với các biến thể mới, trong khi thế giới vẫn chưa có đủ vaccine để tiêm, khiến số ca nhiễm mới vẫn đang tiếp tục gia tăng.