Thuê "chồng" để bán đất

Theo Pháp Luật TP HCM,
Chia sẻ

Chồng bị tạm giam về tội Giết người, bà Trang thuê người đóng giả giá 1,1 triệu đồng để bán một lô đất.

Mới đây, Công an quận 6, TP HCM có quyết định khởi tố bị can với bà Trương Thị Thùy Trang (ngụ phường 10, quận 6) và ông Hoàng Tuấn Kiệt (ngụ quận Bình Tân) về tội sử dụng, làm giả tài liệu cơ quan tổ chức.

Đầu tháng 6/2012, bà Trang mượn ông Kiệt đóng giả làm chồng, sử dụng giấy tờ giả đến Phòng Công chứng số 7 (quận 6) để công chứng việc bán đất. Khi công chứng, ông Kiệt trình giấy CMND có ảnh và vân tay của ông nhưng tên trên CMND là Tạ Chí Hoàng. Nhân viên phòng công chứng phát hiện có dấu hiệu giả mạo trên giấy CMND nên mật báo cho Công an phường 12. Công an vừa xuất hiện, ông Kiệt bỏ chạy còn bà Trang bị công an mời về trụ sở làm việc.

Tại thời điểm bà Trang cùng “chồng” ra cơ quan công chứng ký hợp đồng sang nhượng đất thì chồng thật của bà Trang đang bị tạm giam về tội Giết người. Bước đầu, bà Trang thừa nhận là muốn bán nhà, đất trong khi người chồng bị tạm giam nên nhờ người làm giả giấy CMND cho ông Kiệt, thuê ông Kiệt làm chồng giả với giá 1,1 triệu đồng.

Thuê
Giấy CMND giả mà bà Trang và ông Kiệt sử dụng khi bán đất.

Theo nhân viên thẩm định hồ sơ vụ bán đất trên, bà Trang và ông Kiệt “diễn” rất đạt khi đến cơ quan công chứng. “Tôi thấy Kiệt đóng giả chồng bà Trang rất tốt và tỏ ra rất bình tĩnh trước các câu hỏi của tôi”.

Công an quận 6 đang cho bà Trang và ông Kiệt tại ngoại điều tra. Công an cũng đang điều tra hai người làm giả giấy CMND cho bà Trang để xử lý.

Đây là một trong những vụ hiếm hoi mà Công an TP HCM khởi tố với những kẻ lừa đảo mượn tay các cơ quan công chứng để hoàn tất hành vi vi phạm của họ khi việc lừa đảo qua cơ quan công chứng chưa gây hậu quả vật chất cho nạn nhân.

Bà Phan Thị Bình Thuận, Trưởng phòng Công chứng số 1 (TP HCM), nhận định, hiện những kẻ lừa đảo “nhờn” công chứng viên, thậm chí rất ung dung khi mang giấy tờ giả, người giả đến nhờ công chứng. Họ thường giả giấy tờ (một phần hoặc toàn bộ hồ sơ) và giả mạo chủ sở hữu, sử dụng tài sản để lừa giao dịch.

Công chứng viên Mai Đức Thế Anh, Phòng Công chứng số 3 (Thủ Đức), thông tin thêm: Có muôn hình vạn trạng “chiêu thức” mà kẻ lừa đảo sử dụng. Trong đó thủ thuật tinh vi nhất là chèn thêm nội dung định đoạt tài sản trong văn bản ủy quyền. Nếu công chứng viên không cẩn thận, làm việc trong tình trạng bận rộn, khách vây đông rất dễ mắc sai lầm.

Với chứng minh thư, bọn lừa đảo sử dụng kỹ thuật in laser có thể làm một CMND giống như thật, sử dụng hình, dấu vân tay của chính kẻ lừa đảo trong CMND nên có đối chiếu dấu vân tay cũng không phát hiện được.

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Trưởng phòng Công chứng số 7 còn cho biết, bọn lừa đảo còn dùng “chiêu độc” là vờ mua nhà, thuê nhà để ở rồi lấy bản photo giấy tờ nhà mang về làm giả như thật để bán cho người khác. Thậm chí chúng còn dùng giấy tờ làm giả đó mang đến đánh tráo hồ sơ thật của chủ nhà rồi mang bán nhà cho người khác.

Chia sẻ