"Thực ra, mọi đứa trẻ đều thích nghe đọc sách" - Cuốn sách giúp cha mẹ nhận ra: Muốn con yêu thích việc đọc chẳng hề khó!
Kiến thức quyết định cuộc đời và sách giúp trẻ lớn lên thông minh, tài giỏi. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra, đọc sách là một trong những cách tốt nhất giúp trẻ phát triển trí thông minh.
Không phải đứa trẻ nào cũng thích đọc sách! Ngày nay, trẻ có nhiều thú vui như điện thoại di động, laptop, máy tính bảng nên dần xao nhãng, bỏ qua việc đọc. Dù nhiều gia đình đã cố khuyến khích con đọc sách nhưng vẫn không mấy hiệu quả. Trẻ tỏ ra không hứng thú. Vậy phải làm thế nào để nuôi dưỡng niềm đam mê cho con?
Cuốn sách "Thực ra, mọi đứa trẻ đều thích nghe đọc sách" (bản gốc: Jim Trelease's Read-Aloud Handbook) của 2 tác giả Jim Trelease và Cyndi Giorgis có lẽ sẽ giúp ích cho bạn. Đây không phải là cuốn sách hướng dẫn cách dạy trẻ biết đọc, mà là cuốn sách hướng dẫn cách giúp trẻ muốn đọc.
Đọc to thành tiếng - Chìa khóa khuyến khích niềm đam mê đọc cho trẻ
Phần mở đầu của cuốn sách đưa độc giả trở về thập niên 1960. Khi ấy vào mỗi tối, Jim đều đọc truyện cho con gái và con trai của mình nghe trước giờ đi ngủ. Khi đó, Jim vẫn chưa ý thức được thói quen này mang lại lợi ích gì về cảm xúc cũng như tuy duy cho tụi nhỏ. Anh không hề biết nghe đọc truyện sẽ có tác động thế nào tới vốn từ, quãng tập trung hay sự hứng thú đối với sách của trẻ.
Anh đọc sách cho con nghe chỉ vì một lý do: Hồi xưa anh rất thích được nghe bố đọc truyện, và anh muốn các con mình cũng có được trải nghiệm như thế.
Cùng khoảng thời gian đó, Jim còn làm tình nguyện hỗ trợ một phòng học lớp 6. Anh bàng hoàng nhận ra học sinh trong một số giờ học đọc rất nhiều nhưng trong các giờ khác thì lại đọc rất ít. Tại sao lại có sự khác biệt như thế?
Tìm hiểu sâu hơn, Jim nhận ra một điểm chung ở gần như tất cả các giờ học có học sinh ham đọc, đó là giáo viên những giờ đó thường xuyên đọc to cho học sinh nghe. Jim đã tìm được các nghiên cứu chứng minh rằng việc đọc to có thể giúp trẻ nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và quan trọng nhất là cải thiện thái độ của chúng đối với việc đọc.
Ở các phần sau của cuốn sách, Jim phân tích cho độc giả hiểu những khía cạnh liên quan như: Vì sao lại là đọc thành tiếng; Thời điểm để bắt đầu (và kết thúc) việc đọc thành tiếng là gì; Các giai đoạn của việc đọc to; Đọc độc lập và niềm vui đọc; Tầm quan trọng của những ông bố; Thế giới ấn bản ở nhà, ở trường và thư viện;...
Tổng cộng 10 chương sách sẽ giúp cha mẹ có cái nhìn tổng thể nhất về lợi ích của việc đọc thành tiếng, cũng như những việc cần làm để khuyến khích sự ham mê đọc của trẻ, những điều nên và không nên khi đọc cho trẻ nghe,...
Có những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng có thể ảnh hưởng đến việc đọc sách của trẻ. Chẳng hạn khi đọc cho trẻ nghe, đừng chọn tư thế quá thoải mái. Ngồi ghế dựa hay nằm rất dễ làm chúng ta buồn ngủ. Hay đừng bực bội nếu trẻ đặt câu hỏi trong lúc đọc; hay nếu lỡ chọn phải một cuốn sách không phù hợp, đừng cố đọc tiếp;...
Việc đọc thành tiếng, không chỉ giúp trẻ nuôi dưỡng niềm đam mê đọc mà còn là một cách trân quý những khoảnh khắc cha mẹ được ở bên con, cũng như trân trọng những cuốn sách mà gia đình đọc cùng nhau.
Trẻ biết đọc sớm hơn không có nghĩa là tốt hơn!
Có một câu ngạn ngữ là "Những gì ta dạy trẻ yêu và đam mê sẽ luôn bền hơn những gì ta bắt chúng học". Thực tế là có những trẻ biết đọc sớm hơn các bạn khác, và có những đứa trẻ học tốt hơn các bạn.
Có một khác biệt đáng lưu ý ở đây. Với các ông bố bà mẹ tin rằng trẻ biết đọc càng sớm càng tốt và tự hào về đứa con mới 18 tháng đã có thể đọc vanh vách các thẻ từ, thì xin chỉ ra một sự thật giật mình rằng: Sớm hơn không có nghĩa là tốt hơn đâu. Khách được mời ăn tối mà đến trước cả tiếng đồng hồ thì có tốt hơn người đến đúng giờ không?
Chúng ta không cần sốt ruột dạy trẻ biết đọc trước 5 tuổi. Năm tuổi là độ tuổi tự nhiên để bắt đầu học đọc. Nếu một đứa trẻ tự nhiên biết đọc sớm hơn, không sao cả.
Tên sách: Thực ra, mọi đứa trẻ đều thích nghe đọc sách
Tác giả: Jim Trelease và Cyndi Giorgis
Dịch giả: Lê Hường, Phương Nhi
Nhà phát hành: Công ty Cổ phần và xuất bản dữ liệu ETS
Đối tượng đọc: Cha mẹ