Thực phẩm "siêu chế biến" có thể gây nghiện như thuốc lá và ma túy
Những thực phẩm "siêu chế biến" không chỉ có hại cho sức khỏe mà còn có thể dễ gây nghiện.
Các nhà khoa học tại Đại học Michigan mới đây đã xem xét 281 nghiên cứu từ 36 quốc gia khác nhau và phát hiện ra rằng 14% người lớn và 12% trẻ em có dấu hiệu nghiện thực phẩm chế biến sẵn. Đây là những thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và chất béo, chẳng hạn như kẹo, kem, khoai tây chiên...
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ gây nghiện của thực phẩm "siêu chế biến" gần bằng mức độ nghiện rượu và thuốc lá từng được công bố trên tạp chí BMJ.
Cụ thể, việc tiêu thụ những thực phẩm này đối với một số người có thể đáp ứng các tiêu chí về rối loạn sử dụng chất gây nghiện, dẫn đến một "cơ chế tâm lý sinh học của chứng nghiện và các vấn đề quan trọng về mặt lâm sàng".
Một phần lý do khiến thực phẩm chế biến sẵn gây nghiện là do chúng cung cấp chất béo và carbs đến ruột nhanh hơn rất nhiều so với thực phẩm chế biến thông thường. Ngoài ra, những thực phẩm này cũng chứa các chất phụ gia về hương vị và kết cấu khiến chúng dễ gây nghiện hơn.
Chuyên gia dinh dưỡng Tanya Freirich cũng nêu ra một số dấu hiệu cảnh báo về hành vi gây nghiện liên quan tới thực phẩm. Chúng bao gồm suy nghĩ về thức ăn mọi lúc, thèm ăn khi không đói, thèm ăn ngay cả khi đã no, giảm khả năng kiểm soát lượng thực phẩm tiêu thụ, tiếp tục ăn một số loại thực phẩm bất chấp hậu quả tiêu cực.
"Mặc dù bạn hoàn toàn có thể thưởng thức đồ ăn nhưng việc nghiện ăn sẽ chuyển sang trạng thái không lành mạnh và có ảnh hưởng bất lợi đến hết cuộc đời bạn. Ví dụ, việc ăn quá mức có thể gây khó tiêu, mất tập trung vào những chủ đề khác ngoài thức ăn và đây là dấu hiệu của chứng nghiện thực phẩm", chuyên gia giải thích.