Thực phẩm, hàng hóa tăng giá vì cước vận tải

Theo phunuonline,
Chia sẻ

Theo khảo sát của chúng tôi, giá nhiều loại nông sản, rau củ tại nguồn từ các tỉnh hay từ biên giới phía Bắc vẫn ổn định so với thời điểm cách đây một tháng. Những mặt hàng này giá bán lẻ tại TP.HCM đã tăng trung bình từ 15-20%.

Cự ly càng xa, giá tăng càng mạnh

Nhóm hàng nông sản, thực phẩm Đà Lạt có giá bán sỉ tại Đà Lạt vẫn giữ nguyên so với cùng thời điểm tháng trước như: xà lách, rau diếp, cà rốt giá 5.500đ/kg; hành tây 5.000đ/kg; súp lơ trắng từ 8.000 - 9.000đ/kg, bắp cải 3.000đ/kg, khoai tây 16.000 đồng/kg... Tại thị trường TP.HCM, những nông sản này đều tăng giá trung bình từ 2.000 - 3.000đ/kg so với trước đó. Cải thảo từ 14.000đ/kg lên 16.000đ/kg, bắp cải từ 12.000 lên 13.000đ/kg, súp lơ trắng từ 32.000đ/kg lên 35.000đ/kg… Nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có mức tăng mạnh hơn, gừng từ 60.000đ/kg lên 70.000đ/kg, bom (táo), lê… tăng 3.000 - 4.000đ/kg. Nguyên nhân được đưa ra là do cước vận chuyển tăng, nên những mặt hàng vận chuyển xa, giá càng tăng.

Bà Sương, đầu mối kinh doanh nông sản tại Q.Thủ Đức cho biết, trước đây thuê một xe có trọng tải 15 tấn, chở rau từ Đà Lạt về Q.Thủ Đức, tài xế sẵn sàng chất hàng lên đến trên 20 tấn. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết tài xế đều không chở quá tải, vì thế cước vận chuyển tăng.

Theo ông Trần Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ - vận tải Trọng Tấn (TP.HCM), giá cước vận tải thời gian qua đã tăng khoảng 40 – 50% so với trước khi Bộ GTVT quản lý chặt tải trọng xe. Ông Toàn cho hay, trước đây nếu xe có trọng tải tám tấn có khi chở đến 15 tấn, hiện chỉ dám chở đúng tải, nên cước tăng lên là chuyện đương nhiên. “Xe chở ít hàng nhưng các chi phí khác vẫn giữ nguyên nên chúng tôi không thể giảm cước theo hàng hóa được. Trước đây, một chiếc xe có trọng tải tám tấn chạy từ Bắc vào Nam cước phí là 30 triệu đồng, thì nay chở đúng tải cũng phải 25 triệu đồng”, ông Toàn nói.

Thực phẩm, hàng hóa  tăng giá vì cước vận tải 1
Thực phẩm tăng giá vì cước vận chuyển. Ảnh Nguyễn Cẩm

Tăng giá liệu có hợp lý?

Ông Trần Lộc Hải, Giám đốc Công ty vận tải Lộc Hải cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hiện phải tuân thủ việc đảm bảo tải trọng theo quy định. Điều này buộc doanh nghiệp vận tải phải giữ giá cước tính theo chuyến xe thay vì tính theo trọng lượng như trước đây. “Tùy theo loại hàng cũng như số lượng hàng mà doanh nghiệp vận tải sẽ có mức cước khác nhau. Bên cạnh đó, giá cước tăng giảm còn phụ thuộc vào việc thỏa thuận giữa doanh nghiệp và chủ hàng. Tuy nhiên theo tôi, cước vận tải tăng một thì giá hàng hóa tăng hai, ba. Thực tế là nhiều tiểu thương đang đổ lỗi cho doanh nghiệp vận tải để tăng giá”, ông Lộc Hải nhận xét.

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức), kinh nghiệm cho thấy, việc điều chỉnh giá xăng dầu hay cước vận tải tác động đến giá cả nông sản thực phẩm tại chợ đầu mối nhẹ hơn so với tại các chợ lẻ. Bởi lẽ, hàng về chợ đầu mối đều với số lượng lớn, một xe hàng vài chục tấn, nếu tăng cước phí thêm một vài triệu đồng thì chủ hàng sẽ không điều chỉnh tăng giá hàng, hoặc tăng không đáng kể.

Ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, qua khảo sát, hiện cước vận tải đã được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng khoảng 20 - 30%, có nơi tăng 40%, tuy nhiên chủ yếu diễn ra ở những chặng đường dài. Ông Chung cho biết thêm, mức cước hiện được các doanh nghiệp thỏa thuận với chủ hàng dựa trên yếu tố chủng loại, số lượng hàng hóa, đặc biệt là cung đường vận chuyển. Cho đến thời điểm này, có thể thấy nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm trên địa bàn TP.HCM đã tăng giá khá mạnh với lý do cước phí tăng cao, trong khi thực tế không phải mặt hàng nào cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tiểu thương đã tăng giá đồng loạt nhiều mặt hàng. Điều này khiến giá cả ở nhiều chợ trên địa bàn TP.HCM đang thiết lập một mặt bằng mới một cách vô lý.

Chia sẻ