Thực hư thiết bị “tiết kiệm điện” giúp giảm 40 - 50% tiền điện mỗi tháng
Dịp này nhu cầu sử dụng điện tăng cao và cũng là lúc trên mạng xã hội xuất hiện tràn lan việc rao bán các thiết bị “tiết kiệm điện”.
"Mê hồn trận" thiết bị "tiết kiệm điện"
Những ngày cao điểm nắng nóng lượng điện tiêu thụ của nhiều gia đình tăng đột biến. Nhìn hóa đơn tiền điện, không ít người tiếc tiền. Lợi dụng điều này, trên các trang thương mại điện tử xuất hiện rất nhiều thông tin quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện. Nhưng các thiết bị này có thực sự mang lại hiệu quả hay đây chỉ là chiêu trò quảng cáo để đánh lừa người tiêu dùng?
Cam kết giảm 40% tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả, có thể giảm tới 50% lượng điện tiêu thụ mỗi tháng… những lời quảng cáo này xuất hiện tràn lan khiến người tiêu dùng lạc vào "mê hồn trận" các sản phẩm tiết kiệm điện với hàng trăm mẫu mã, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Giá bán cũng dao động từ vài chục nghìn đến cả trên triệu đồng.
Tin vào quảng cáo, một người đàn ông đã bỏ ra hơn 300.000 đồng để mua một thiết bị. Anh cho biết, theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm thiết bị này vào nguồn điện là lượng điện tiêu thụ sẽ giảm 30 - 40% nhưng thực tế lại làm anh thất vọng.
"Tháng đầu tưởng tiết kiệm điện, tháng thứ hai tiêu thị điện năng còn nhiều hơn. Tôi gọi lại cho cho nơi bán hàng thì người ta vẫn cứ bảo đó là thiết bị tiết kiệm điện", người đàn ông trên cho hay.
Để thử nghiệm xem thiết bị có thực sự như những lời quảng cáo trên mạng là có thể giảm được 30 - 40% lượng điện tiêu thụ hàng tháng hay không, phóng viên VTV đã cắm bình siêu tốc vào ổ điện có đấu nối với công tơ để xem khi đun sôi bình nước này, lượng điện tiêu thụ là bao nhiêu?
Theo đó, chỉ số ban đầu của công tơ điện là 1,9 kw/h. Đến khi bình nước được đun sôi, chỉ số công tơ là 2,0 kw/h. Như vậy, lượng điện tiêu thụ là 0,1 kw/h.
Tiếp tục thử nghiệm với “tiết kiệm điện” cũng trong khoảng thời gian đun sôi 1 binh nước để xem lượng điện tiêu thụ khi cắm thiết bị này vào nguồn điện có giảm đi hay không? Thực tế cho thấy, chỉ số công tơ điện, sau khi đun sôi bình nước đã tăng từ 1,9 kw/h lên 2,1kw/h. Như vậy, lượng điện tiêu thụ không những không giảm mà còn tăng thêm 0,1 kw/h.
Tìm hiểu cấu tạo bên trong của thiết bị được quảng cáo là có khả năng tiết kiệm điện, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định tương tự.
"Bên trong thiết bị này được cấu tạo khá đơn giản chỉ gồm có 1 tụ điện, 1 bảng mạch gồm 8 con điện trở, giúp chiếu sáng bóng đèn Led. Do vậy có thể khẳng định thiết bị này không có khả năng tiết kiệm điện như quảng cáo", ông Dương Đức Lập - Phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty điện lực Bắc Ninh nhận định.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, các thiết bị này chỉ có tác dụng bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện. Chính bởi vậy, việc mua các thiết bị này chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ.
Ông Dương Đức Lập - Phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty điện lực Bắc Ninh cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo người dân không nên tin một chiều vào các thông tin quảng cáo mà phải biết cách kiểm tra, đối chiếu thông tin bằng cách liên hệ với các đơn vị nghiên cứu hay bộ phận chăm sóc khách hàng của các công ty điện lực để tránh mất tiền oan vì mua phải các thiết bị điện kém chất lượng hay các thiết bị được quảng cáo không đúng sự thật".
Trước thông tin quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng cảnh báo, đây chỉ là chiêu trò để móc túi người tiêu dùng.
Tiết kiệm điện phải là thói quen
Tiết giảm tiền điện là mong muốn và cũng là nhu cầu chính đáng của nhiều gia đình. Nhưng nếu như trên thị trường có những loại thiết bị có thể làm công tơ điện chạy chậm lại và nếu như người dân sử dụng các thiết bị này chuyện gì sẽ xảy ra? Câu trả lời là ngành điện sẽ bị tổn thất.
Người dân sử dụng các thiết bị này sẽ vi phạm các qui định về sử dụng điện và có thể bị coi là có hành vi trộm cắp điện. Khi bị phát hiện sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí là có thể bị xử lý hình sự. Vậy cần làm gì để sử dụng điện an toàn, tiết kiệm?
Mỗi người dân phải biết cách sử dụng điện đúng cách, đúng lúc và lựa chọn các thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm theo tiêu chuẩn đã được ngành chức năng thẩm định. Nên sử dụng bóng đèn Led, thay cho bóng đèn sợi đốt. Sử dụng các sản phẩm có nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng điện, có nhiều sao…
Anh Nguyễn Thái Sơn - Phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty điện lực Bắc Ninh khuyến cáo: "Trong thời điểm nắng nóng, người dân nên sử dụng các thiết bị có hiệu suất cao, có biến tần hay nói cách khác là các thiết bị điện inveter. Đặc biệt, với các thiết bị làm mát như điều hòa, tủ lạnh cần quan tâm đến hệ thống bảo ôn, tận dụng ánh sáng và hệ thống thông gió tự nhiên".
Tiết kiệm điện phải là thói quen.
Điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh, máy lạnh phù hợp, tốt nhất là nên để nhiệt độ điều hòa trên 26 độ C trong những ngày nắng nóng.
Vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, thay thế các thiết bị điện công nghệ cũ, lạc hậu. Ghi nhớ tắt các thiết bị điện, tốt nhất là nên ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.
Khi phát hiện hành vi buôn bán các thiết bị được quảng cáo là có khả năng tiết kiệm điện hãy lập tức thông báo cho các cơ quan chức năng hay Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
"Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng các thiết bị điện kém chất lượng hay chất lượng không đúng như quảng cáo người dân nên báo cho ngành điện hoặc cơ quan chức năng gần nhất để bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân họ, bảo vệ quyền lợi cho cả cộng đồng xung quanh, góp phần cùng ngành điện giảm thiểu tổn thất điện năng, xây dựng một cộng đồng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm", anh Nguyễn Thái Sơn - Phòng kiểm tra, giám sát mua bán điện Công ty điện lực Bắc Ninh khuyến cáo.
Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc quảng cáo không đúng sự thật về các thiết bị tiết kiệm điện, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.