Thực hư chuyện mồ hôi thấm ngược, gây viêm phổi?

Thu Anh ghi,
Chia sẻ

Bạn đọc Nguyễn Thị Lệ (lethy…@gmail.com) hỏi: "Con trai tôi 11 tháng tuổi, cháu hay nghịch ngợm, đổ mồ hôi ướt áo. Tôi nghe nói trẻ em có khả năng bị viêm phổi nếu áo dày quá hay chưa kịp thay, mồ hôi thấm ngược vào cơ thể, không biết có đúng không, làm sao để phòng ngừa?".

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), trả lời:

Các cháu bé thường xuyên đổ mồ hôi ướt áo đúng là dễ bệnh nhưng không phải do mồ hôi "thấm ngược" như nhiều người tưởng. Vấn đề nằm ở chỗ nếu bé đổ mồ hôi nhiều, đồng nghĩa với việc bé bị mất nước. Mất nước thì đường hô hấp sẽ bị khô, khả năng bài tiết đàm, nhớt để tống bớt các mầm bệnh xâm nhập giảm đi, bé dễ bị bệnh hơn, bao gồm các bệnh viêm hô hấp trên nhẹ lẫn bệnh nặng như viêm phổi.

Ngoài ra, việc cơ thể đang ướt còn có thể khiến bé dễ nhiễm lạnh nếu ngồi trước luồng gió quạt máy hay ở trong phòng máy lạnh để nhiệt độ quá thấp hoặc đang đổ mồ hôi mà vội đi tắm.

Vì vậy, cách giải quyết là nên cho bé ăn mặc thông thoáng trong mùa hè, như mặc các loại áo cotton, sử dụng quạt và máy lạnh vừa phải. Trẻ em không chịu lạnh được như người lớn nhưng không có nghĩa lúc nào cũng mặc quá nhiều quần áo, quá dày. Nếu trẻ đổ mồ hôi nhiều thì nên thay áo cho trẻ và chờ khô mồ hôi mới cho trẻ đi tắm.

Chia sẻ