Thực hư câu chuyện "tài xế xe cứu thương đang chạy thì bị đau tim, bệnh nhân phải tự lái xe đến viện" gây xôn xao MXH
Theo như câu chuyện đang gây bão cả MXH này, vị bệnh nhân mặt dính đầy máu vẫn phải nhào lên chiếm lấy vô-lăng khi người tài xế bỗng dưng bị đau tim dữ dội...
Dạo gần đây, các trang báo trong nước và quốc tế đã đưa tin về một tình huống khôi hài khi anh tài xế bỗng nhiên lại trở thành bệnh nhân, và ngược lại. Cụ thể như sau:
Theo trang There is News, vào một ngày đẹp trời ở thành phố New York, Mỹ, chiếc xe cứu thương đang trên đường đưa một thanh niên bị tai nạn xe đạp điện tới bệnh viện. Nhưng khi mới đi được một đoạn, bệnh nhân bỗng thấy bác tài có triệu chứng đau ở tay và ngực trái - các triệu chứng điển hình của bệnh đau tim - nên đã nhanh chóng nhoài người lên phía đầu xe để cầm lái.
Với tình trạng trên mặt còn đầy máu, thanh niên vừa gặp nạn đã khéo léo luồn lách qua các phương tiện giao thông, đưa cả mình và người "bệnh nhân mới" tới trạm xá an toàn. Các nhân viên y tế sau đó đã chữa trị thành công cả hai người - một trường hợp có 1-0-2 khiến độc giả phải sực cười nắc nẻ ngay khi đọc xong dòng tít báo.
Tuy nhiên, nhiều trang báo khác, điển hình như trang Hoax Alert chuyên đi "bóc phốt" các bài đăng tin giả tràn lan trên mạng, đã vào cuộc để chứng thực thông tin này. Thật ra, câu chuyện này là bịa đặt hoàn toàn, sinh ra từ ngòi bút và trí tưởng tượng của tác giả. Bài báo gốc được lấy từ trang Hay Noticia của... Tây Ban Nha, đăng lên từ tháng 2 năm 2018, được chuyển thể thành tiếng Anh và đăng ngày 14/12. Bối cảnh trong câu chuyện cũng được đổi từ thành phố Valencia, Tây Ban Nha, thành New York, Mỹ cho gần gũi hơn với bạn đọc nước ngoài.
Câu chuyện tương tự đã từng lên một trang báo Tây Ban Nha vào tháng Hai năm nay.
Ngoài ra, toàn bộ các mẩu tin trên cả hai trang đưa tin này đều thuộc dạng giả tưởng, được viết với mục đích mua vui chứ không hề có thật. Một số các mẩu tin giả có thể được liệt kê ra là: "Trong thời gian sắp tới, trẻ em sẽ không được đặt tên trùng với cha mẹ", hay "Ở Ghana, bạn phải mặc đúng bộ đồ cô dâu - chú rể lúc cưới nếu muốn đi làm giấy... ly dị", và hàng loạt các bản tin hài hước khác. Cả hai trang đều đã nói rất rõ về tính chất thông tin trên website của mình, song đôi khi mọi chuyện lại đi hơi quá xa, khiến bạn đọc lầm tưởng.
Các thông tin trên There is News đã được cảnh báo là giả tưởng, viết để mua vui cho độc giả.
Tuy bản tin nói trên về vị tài xế bất đắc dĩ không gây hại mấy đến các bạn đọc, nhưng sau khi đã có những phút giây giải trí với câu chuyện này, ta cũng cần phải nhớ rằng thông tin trên mạng nhiều khi cũng không hoàn toàn chính xác đâu nhé!