Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiều ca đột quỵ nguy kịch
2 tháng nay, gần 500 ca bệnh đột quỵ ở các tỉnh khu vực miền Trung đến nhập viện tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế. Tỷ lệ ca bệnh gia tăng đáng kể so với trước đây, trong đó, khoảng 15% - 25% trường hợp đột quỵ nặng, nguy kịch đã được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, nhất là tăng huyết áp, tỷ lệ người bị đột quỵ gia tăng. Những trường hợp bệnh tăng huyết áp kiểm soát kém, thời tiết lạnh, huyết áp dễ tăng đột biến và dẫn đến tình trạng đột quỵ. Bệnh nhân mắc đột quỵ thời gian gần đây là những người ngoài 60 tuổi, có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu, bệnh lý tim mạch và nam giới hút thuốc lá nhiều.
Bệnh nhân Nguyễn Thanh Sơn, 56 tuổi, trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông được người nhà đưa vào viện trong trạng thái lơ mơ, khó nói, liệt nửa người bên trái. Sau thời gian điều trị, đến nay ông đã có thể vận động nhẹ: “Nhờ các bác sĩ cứu giúp đến nay sức khỏe của tôi đã được phục hồi 70-80% rồi. Tay chân có thể cử động mạnh được rồi”.
Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch. Bằng liệu pháp truyền thuốc tan cục máu đông và can thiệp nội mạch tái thông mạch máu não một cách kịp thời, hầu hết những trường hợp nhập viện sớm cấp cứu đều hiệu quả, vượt qua cơn nguy kịch, có thể hồi phục.
Bác sĩ Lê Vũ Huỳnh, Phó trưởng Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Bệnh viện Trung ương Huế đón lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu, chuyển viện từ tuyến dưới cũng như các tỉnh, thành phố lân cận Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Tĩnh khá cao: “Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ triển khai tái thông mạch máu não cho 5-7 bệnh nhân và trên 80% số đó có được hồi phục rất tốt trong giai đoạn đầu. Có những bệnh nhân vào viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người bên phải, sau khi được can thiệp trong vòng 24 giờ sau, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện và tay chân cử động tốt. Đó là dấu hiệu của một hồi phục ngoạn mục”.
Mới đây, Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế đã nhận được giải thưởng Diamond (kim cương) của Hội Đột quỵ thế giới. Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, Trung tâm được tổ chức theo mô hình điều trị toàn diện cho bệnh nhân bao gồm: Cấp cứu, hồi sức, can thiệp mạch não và phục hồi chức năng thần kinh đột quỵ. Bên cạnh đó có sự phối hợp của chuyên ngành Ngoại thần kinh.
Ông Phạm Như Hiệp cho biết thêm, đơn vị lựa chọn phương án điều trị hiệu quả nhất cho những bệnh nhân đột quỵ: "Với những kỹ thuật điều trị đột quỵ với máy, thiết bị hiện đại thì chúng tôi đã thực hiện rất nhiều kỹ thuật để cứu sống bệnh nhân và đặc biệt chúng tôi đã đào tạo được nhiều phẫu thuật viên, những bác sĩ có thể sử dụng các kỹ thuật để can thiệp, điều trị cứu sống bệnh nhân. Bệnh viện sẽ không ngừng cập nhật các kỹ thuật mới trong lĩnh vực điều trị đột quỵ để đạt được các tiêu chuẩn về điều trị đột quỵ, góp phần cứu sống bệnh nhân ở trong giai đoạn sớm".