Thu về 60 triệu USD mỗi năm từ ngành công nghiệp xử lý quần áo cũ
Những thứ đồ thời trang cũ nhiều người không biết vứt đi đâu, nay lại đang mang về cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất khoảng 60 triệu USD mỗi năm.
Quần áo cũ ngày càng trở thành một vấn đề của các xã hội phát triển. Các số liệu cho thấy, tính trung bình một bộ quần áo giờ đây chỉ được mặc 7 đến 10 lần là bị vứt bỏ. Ở một số quốc gia, một người mỗi năm thậm chí có thể vứt bỏ tới gần 40 kg quần áo cũ. Việc xử lý quần áo cũ, vì thế đang ngày càng được chú trọng tại nhiều nơi.
Xã hội phát triển, đặc biệt là với sự bùng nổ của thời trang nhanh thì nay, việc mua quần áo với nhiều gia đình không còn là điều gì quá khó khăn. Vậy nhưng vứt bỏ quần áo cũ đôi lúc lại gây ra không ít sự đau đầu. Bỏ thì thương mà tìm người cho được thì cũng không phải là dễ. Bởi vậy mà ở những xã hội như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, những chiếc hòm thu gom quần áo cũ ngày càng trở thành vật dụng phổ biến. Khi quần áo được bỏ vào, chiếc cửa đóng lại, đó là lúc một ngành công nghiệp đầy sôi động được mở ra - ngành công nghiệp xử lý quần áo cũ".
Khu nhà xưởng 9.000 mét vuông chất đầy quần áo cũ, hơn 200 công nhân làm việc luôn tay xử lý lượng quần áo cũ lên tới khoảng 70 tấn mỗi ngày.
Ông Nawaz Khan - Giám đốc Cơ sở xử lý quần áo cũ Hands Industries cho biết: "Vòng đời nói chung của quần áo là khoảng 2-3 năm, nhưng ở một số xã hội, đang có những người không muốn mặc một bộ quần áo quá một lần. Xu thế thời trang lại đang thay đổi theo tuần, thậm chí từng ngày, điều này đã tạo cho ngành công nghiệp của chúng tôi không ít cơ hội".
Quần áo cũ được thu gom, phân loại, rồi bán cho các nước thu nhập thấp, thường là tại châu Phi. 60 xu cho tới 1 USD cho mỗi kg quần áo cũ, những thứ đồ thời trang cũ nhiều người không biết vứt đi đâu, nay lại đang mang về cho Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất khoảng 60 triệu USD mỗi năm.
Gọi là cơ sở tái chế quần áo cũ nhưng tại đây không khó để tìm được những món đồ còn nguyên mác. Theo ước tính thì tại nhiều quốc gia, 40% số quần áo bị vứt bỏ khi còn mới nguyên. Những cơ sở như thế này vì thế ngày càng làm ăn phát đạt và cũng đang đóng góp không nhỏ để giải bài toán lãng phí trong ngành thời trang.
Với những thứ đồ không thể mặc được nữa sẽ có một quy trình để xử lý thành vải vụn. Trên thế giới đã có những công nghệ tái chế được quần áo cũ. Nhưng chi phí thường tốn kém. Quần áo bỏ đi, vì thế, hầu như đều được xén nhỏ. Song nhu cầu đối với các loại vải vụn như thế này lại là không hề nhỏ.
Ông Nawaz Khan - Giám đốc Cơ sở xử lý quần áo cũ Hands Industries: "Vải vụn đang là nguyên liệu không thể thiếu để làm gối, ghế xe ô tô, nhồi đồ chơi, rồi chăn, hay thảm... Nó thực tế cũng đang tạo ra một ngành công nghiệp khổng lồ".
Theo số liệu của Liên hợp quốc, số lượng quần áo cũ bị vứt bỏ trên thế giới cứ mỗi giây cũng có thể lấp đầy một xe tải. Xây dựng ngành công nghiệp xử lý quần áo cũ vì thế còn đang được Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất xem là yếu tố quan trọng để giải bài toán môi trường tại đây.