Thủ tướng: Người dân Hà Nội và TP.HCM phải đeo khẩu trang nơi công cộng
Trước tình trạng không thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các chế tài xử phạt trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.
Chiều 19/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 về triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, mọi người dân nhận thức rõ hơn về nguy cơ thường trực của dịch bệnh trong cộng đồng; không được lơ là, mất cảnh giác, chủ quan; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan, bùng phát trở lại. Với tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị quản lý chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện tốt mục tiêu kép đã đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K, trước hết, đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn. Trước tình trạng không thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi đông người, trong trường học, trên máy bay…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương quản lý tốt cơ sở cách ly, đặc biệt cơ sở lưu trú có thu phí bởi, nếu không quản lý tốt tại các khu cách ly có nguy cơ mất an toàn, lây ra cộng đồng. Các cơ sở thường xuyên rà soát các biện pháp phòng chống dịch, có giải pháp an toàn, chấm điểm an toàn.
"Người đứng đầu từng địa phương, từng cơ sở phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng về vấn đề phòng chống dịch. Nếu bệnh viện, trường học, các chuyến bay… lây nhiễm ra cộng đồng phải xử lý nghiêm người đứng đầu", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp nhập cảnh trái phép, các tổ chức nhập cảnh trái phép, các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp nhận người lao động là người nhập cảnh trái phép. Các đơn vị có liên quan yêu cầu người nhập cảnh ngắn hạn hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ công cộng như karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội...
Ảnh: VGP
Đối với ngành y tế, Bộ Y tế thường xuyên kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại các bệnh viện, cơ sở y tế - nơi dễ lây nhiễm nhất. Rút kinh nghiệm từ bài học ở ổ địch Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế sớm hoàn chỉnh quy trình, công khai, minh bạch quy định phòng dịch bệnh đối với người nhập cảnh Việt Nam. Bộ Y tế đề xuất các mô hình quản lý người nhập cảnh, bảo đảm linh hoạt, an toàn về y tế; có cơ chế xét nghiệm COVID-19 định kỳ cho nhân viên cửa khẩu, hải quan, người làm việc khu vực sân bay... thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.
Trên tinh thần ngành Y tế nêu cao trách nhiệm, ngăn ngừa dịch quay trở lại, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục mở rộng triển khai khám, chữa bệnh từ xa; nâng cao năng lực cán bộ y tế trong toàn tuyến, chú trọng y tế dự phòng, hoàn thiện phác đồ điều trị, hợp tác nghiên cứu vaccine phòng dịch COVID-19, đẩy mạnh xét nghiệm nhanh phù hợp với khả năng. Toàn ngành Y tế, từ Bộ Y tế đến sở y tế các địa phương, bệnh viện, trạm y tế cả nước phải ở tình trạng báo động đỏ, sẵn sàng xử lý, phổ biến thông tin, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch.
Đặc biệt, lãnh đạo các địa phương từ Trung ương đến cấp xã, phường, thị trấn phải chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mùa đông sắp đến. "Trên tinh thần, nếu xuất hiện 1 ca phải thần tốc, thần tốc hơn nữa để khoanh lại, không để lây lan ra cộng đồng", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nâng cao năng lực xét nghiệm diện rộng, nâng cao khả năng truy vết; tiếp tục dự trữ trang thiết bị vật tư thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh ở các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật cả các địa phương, tránh tình trạng khó khăn khi xảy ra dịch bệnh.
Người dân Hà Nội và TP.HCM phải đeo khẩu trang nơi công cộng (Ảnh: PLO)
Thủ tướng quyết định chủ trương, người dân Hà Nội và TP.HCM phải đeo khẩu trang nơi công cộng, đặc biệt khi đi ra khỏi nhà và trên các phương tiện công cộng. Đây là hai trung tâm lớn nhất cả nước, nếu để lây nhiễm, rất khó ngăn chặn.
Bên cạnh việc các địa phương quản lý tốt địa điểm cách ly dân sự có thu phí, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì chuẩn bị tốt, sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế.
Trước tình hình bão lũ hiện nay, bên cạnh việc phòng chống dịch COVID-19 thường gặp những bệnh truyền nhiễm sau lũ, nhất là dịch tả. Do đó, ngành Y tế chỉ đạo các cấp, không chỉ đảm bảo năng lực ứng phó với dịch COVID-19 mà còn đảm bảo năng lực điều trị các dịch bệnh khác ở vùng lũ, không được để xảy ra thảm họa kép, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan có liên quan, rà soát những kết luận, thông báo trước Thủ tướng đã nêu để xử lý các vấn đề liên quan đến việc đón chuyên gia, nhà đầu tư đến Việt Nam, hoàn thiện công nghệ ứng dụng thông minh, lập hệ thống tổng đài tự động đa ngôn ngữ để hướng dẫn phòng, chống dịch; lập danh sách lao động người Việt tại các nước; truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp dự phòng các bệnh truyền nhiễm; hoàn thiện quy trình, quy định, triển khai chủ trương cách ly có thu phí, bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân; nghiên cứu thuốc, vaccine, phác đồ điều trị.
Vấn đề mua sắm thiết bị, sinh phẩm, phòng chống dịch, Thủ tướng đã có kết luận rõ ràng, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, chủ động áp dụng cho các cơ sở y tế.
Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao hợp tác chặt chẽ, có quy trình rõ ràng, tạo thuận lợi trong việc đón người Việt Nam ở nước ngoài về nước, giảm thiểu thủ tục, công khai minh bạch, đưa bà con vào các khu cách ly phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nâng cao ý thức tự bảo vệ của người dân; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động các đoàn viên, hội viên nắm bắt rõ tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, không chủ quan, lơ là.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong các gói hỗ trợ khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Hiện có tình trạng người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận được sự hỗ trợ của nhà nước. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận rất rõ ràng, đến nay vẫn chưa công bố được việc triển khai các gói hỗ trợ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính sửa ngay những thủ tục rườm rà, phức tạp, trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong ngày 19/10 trên tinh thần "các thủ tục phải ngắn hơn, phải đơn giản hơn, thuận lợi cho người không có việc làm, người khó khăn".
"Mở cửa về kinh tế nhưng yêu cầu kiểm soát kỹ lưỡng, đúng người, đúng việc, mỗi đơn vị được giao phải có phương án đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh. Mọi trường hợp ho, sốt khi nhập cảnh vào Việt Nam phải được kiểm tra kịp thời", Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Trong điều kiện thời tiết mùa đông đang đến gần, ngành Y tế sẵn sàng xử lý các tình huống đặt ra, đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người dân.