Thụ tinh nhân tạo và câu chuyện pháp luật

,
Chia sẻ

Vào thăm cô bạn đồng nghiệp sau một lần “kế hoạch”, tôi đã được chứng kiến nhiều cảnh ngộ ngậm ngùi của những người đang mang tiếng là “cau điếc”, “cây độc”…

Vào thăm cô bạn đồng nghiệp sau một lần “kế hoạch”, chờ con lớn và kinh tế khá hơn mới sinh tiếp thì bị vô sinh thứ phát, tôi đã được chứng kiến nhiều cảnh ngộ ngậm ngùi của những người đang mang tiếng là “cau điếc”, “cây độc”… tại Khoa Công nghệ phôi, Học viện Quân y 103.

Tréo ngoe thay, trong khi các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thì ở đây, có hàng trăm người ngày đêm mong mỏi để có được niềm hạnh phúc ngỡ như rất đương nhiên đó...

“Con đẻ” là con người ta…

Vợ chồng chị Phương và gia đình nội ngoại ai cũng mừng đến rơi nước mắt ngày chị sinh được cu Bi. Đứa con là niềm mong mỏi của vợ chồng chị sau 13 năm kết hôn, cũng là chừng ấy thời gian chạy chữa trong Nam, ngoài Bắc. Và phải sau 3 lần thụ tinh ống nghiệm, tốn kém hàng trăm triệu đồng, chị Phương mới “đậu” thai.

Nhưng rồi hạnh phúc ấy chỉ kéo dài được nửa năm. Ngày cu Bi tròn 5 tháng tuổi, gia đình chị Phương có khách. Vợ chồng Minh - một người chị quen trong thời gian làm thụ tinh nhân tạo tại bệnh viện vừa đến nhà chị Phương đã quỳ lạy vợ chồng chị ngay từ ngoài sân, khóc lóc thảm thiết xin anh chị “trả” lại đứa con. Linh tính cho chị Phương biết, bí mật của vợ chồng chị đã bị lộ, nhưng đứa trẻ chị mang nặng đẻ đau, và sau bao ngày chờ mong đằng đẵng mới có được, làm sao chị có thể xa nó?

Trong khi các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng lại rộ lên chuyện những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thì ở đây, có hàng trăm người ngày đêm mong mỏi để có được niềm hạnh phúc ngỡ như rất đương nhiên đó...

Để làm thụ tinh ống nghiệm, cả người bố và người mẹ phải trải qua một thời gian làm các xét nghiệm rồi mới lấy trứng và tinh trùng để cấy ghép phôi. Cùng ngày chuyển phôi với chị Phương hôm ấy là bốn người nữa, trong đó có Minh. Vợ chồng chị Phương chỉ được có hai phôi thai, còn vợ chồng Minh đậu những bốn phôi (thường cấy ba phôi thai một lần), nhưng một phôi còn lại không đủ điều kiện trữ lạnh. Thấy thế, chị Phương đã xin Minh phôi đó.

Lần ấy, chị may mắn đậu được một phôi và cũng là người duy nhất trong số năm người cùng cấy ghép ngày đó có thai. Nhưng trớ trêu thay, cái phôi đậu được ấy lại là của vợ chồng Minh “cho” chị, còn hai phôi của vợ chồng chị, như hai lần thụ tinh trước, đều hỏng. Mấy lần cu Bi ốm phải làm xét nghiệm, vợ chồng chị Phương đã biết cu Bi tuy là “con đẻ” nhưng không phải huyết thống của mình. Nhưng họ vẫn yêu quý con hết mực và thầm bảo nhau giữ kín điều bí mật này.

Thế nhưng, chẳng rõ vì sao vợ chồng Minh biết chuyện. Cùng hoàn cảnh như chị Phương, ba lần thụ tinh nhân tạo không thành, hạnh phúc gia đình Minh đang đứng trước nguy cơ tan vỡ vì mẹ chồng cô đã tuyên bố thẳng thừng chồng Minh là con trai duy nhất, không thể “tuyệt tự” được, Minh không thể sinh con thì phải “buông tha” cho chồng. Thế nên, biết chuyện cái phôi đã cho đi giờ là một đứa trẻ kháu khỉnh, vợ chồng Minh nhất mực “đòi con”.

Đem mẫu tóc của cu Bi đi giám định ADN, vợ chồng Minh càng có cơ sở “đòi” bằng được con. Vợ chồng chị Phương đành phải đồng tình. Ngày Minh hạnh phúc ôm con về cũng là ngày chị Phương như qụy ngã. Chị cố an ủi mình với lời hứa “cu Bi sẽ là “con chung”, vợ chồng chị có thể qua lại thăm con bất kỳ lúc nào”. Thế nhưng, chưa đầy nửa tháng sau đó, vợ chồng Minh đã nhanh chóng bán nhà, chuyển đi nơi khác, không để lại một lời nhắn nhủ. Có lẽ, họ lo sợ sẽ phải “chia” con cho vợ chồng chị Phương, bởi chị Phương mới là người mang nặng đẻ đau ra “giọt máu” của họ…

Bí mật “thụ tinh nhân tạo”…

Các bác sĩ ở Khoa Công nghệ phôi, Học viện Quân y 103 nhớ mãi chuyện một ông chồng đến bệnh viện làm um chuyện đã “bí mật làm cho vợ ông ta có bầu”, và dọa sẽ kiện các bác sĩ. Lật giở hồ sơ theo tên tuổi, ngày tháng mà người chồng cung cấp, các bác sĩ phát hiện đúng là vào thời điểm này, chị Lan, vợ anh Ba - tên người chồng có đến Khoa Công nghệ phôi. Tuy nhiên, chị Lan không yêu cầu làm thụ tinh nhân tạo hay khám bệnh, mà xin làm “hồ sơ thụ tinh nhân tạo”.

Nghe các bác sĩ giải thích về nguyên tắc, với các đôi vợ chồng, khi có nguyện vọng làm thụ tinh ống nghiệm, cả hai bên phải có mặt, ký tên vào biên bản đồng ý trước sự chứng kiến của bác sĩ, sau đó các thủ tục mới được thực hiện, chị Lan mới giãi bày.

Chị cho biết, sau tám năm chung sống, chồng mình không có khả năng làm cha. Vì khát khao có con mà chị đã “trót dại” với người khác. Nhưng chị vẫn yêu chồng, và muốn bệnh viện “giúp đỡ” làm hồ sơ chị đã thụ tinh nhân tạo bằng cách xin tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng đông lạnh, để đứa bé thành “con chung” của hai người. Dẫu rất cảm thông với hoàn cảnh của chị, nhưng các bác sĩ vẫn phải từ chối…

Qua xét nghiệm, anh Ba biết, anh rất “yếu”, phải nuôi cấy tinh tử, rồi làm thụ tinh ống nghiệm, mất rất nhiều thời gian và chi phí mới hy vọng có con được. Thực ra, ngay từ khi vợ mang bầu, anh Ba đã nghi ngờ nhưng không dám nói ra. Khi đứa bé chào đời, anh đã mang cuống rốn đến Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền giám định, mới biết đích thực không phải con mình. Chẳng rõ, sau khi biết sự thật, anh Ba sẽ xử sự thế nào với mẹ con chị Lan, vì việc làm của chị đáng giận, nhưng cũng rất đáng thương…

Trong những câu chuyện được các bác sĩ kể lại, có một câu chuyện mà bất kỳ người hiếm muộn nào cũng mong muốn được như thế. Thậm chí, cả làng còn được vợ chồng anh Tuân “khao” một bữa cỗ linh đình.

Gần 10 năm chung sống vẫn không có con, vợ chồng anh Tuân quyết định gom góp làm thụ tinh ống nghiệm. May mắn, chị An vợ anh đậu tận hai thai. Chín tháng mong mỏi cũng đến, chị An sinh hai đứa con “đủ nếp, đủ tẻ” nên không chỉ gia đình nội ngoại, mà cả làng đều mừng cho hai vợ chồng. Trong số những người hay qua lại chơi với hai đứa trẻ, có anh hàng xóm trước đã thân tình, nay lại càng chăm đến khiến anh Tuân từ chỗ vui vẻ chuyển sang nghi ngờ. Đúng là hai vợ chồng cùng đi làm thụ tinh nhân tạo, nhưng ngày chuyển phôi vào người mẹ, thì anh có việc đột xuất nên không có mặt. Nhìn ngắm con, chẳng rõ thế nào mà anh thấy… giống anh hàng xóm hơn mình.

Anh Tuân quyết định quay lại Khoa Công nghệ phôi để tìm ra sự thật. Dù xem lại tất cả hồ sơ, giấy tờ có chữ ký của mình, rồi nghe giải thích về qui trình cấy ghép phôi nghiêm ngặt, bác sĩ khẳng định không thể có chuyện “nhầm lẫn”. Không có cơ sở để “kiện”, anh Tuân ra về nhưng vẫn bán tin bán nghi.

Thế rồi, anh bí mật cắt móng tay hai đứa con, đem đến Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền giám định. Anh chọn làm trong thời gian ngắn nhất, với mức chi phí cao nhất. Ngày nhận kết quả, anh Tuân thật sự vui mừng vì anh đúng là cha hai đứa trẻ kháu khỉnh. Anh xin lỗi vợ, và ngay ngày hôm sau giết bò, làm cỗ mời cả làng, trong khi mọi người ngỡ ngàng tại sao vợ chồng anh có con được hơn ba tháng rồi mới “khao”…

Và câu chuyện pháp luật

Có hàng nghìn người tạo hóa không cho họ may mắn được làm bố, làm mẹ “tự nhiên”. Nhưng nhờ sự phát triển của khoa học, họ có cơ hội có thể có con. Nhiều người đi làm thụ tinh nhân tạo cho biết, không ít trong số họ mong muốn được nhờ người thân mang thai hộ. Như trường hợp của vợ chồng chị Minh nói trên, mặc dù chị Minh không thể mang thai tự nhiên, nhưng cu Bi mang huyết thống của hai vợ chồng chị, chứ không phải của chị Phương - người sinh ra đứa trẻ.

Tuy nhiên, Điều 6, Nghị định 12/2003/NĐCP về sinh con theo phương pháp khoa học nghiêm cấm hành vi mang thai hộ. Nhìn từ góc độ pháp luật, qui định này là cần thiết. Thực tiễn, đã có trường hợp mang thai theo kiểu “hợp đồng”, nhưng sau khi sinh, người mẹ không trả lại con, hoặc dùng đứa trẻ để “kiếm tiền” người nhờ mang thai hộ. Về mặt pháp luật, người sinh ra đứa trẻ mới là mẹ đẻ, mới được ghi là mẹ vào giấy khai sinh của trẻ và được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, nhiều bác sĩ trực tiếp làm công tác thụ tinh nhân tạo cho biết, có những trường hợp thật sự cảm động vì chị gái, em gái tự nguyện muốn giúp người thân có con mang huyết thống của mình. Với họ, con đẻ cũng chính là cháu ruột, thì mong mỏi này cũng rất đáng để suy nghĩ. Trở lại trường hợp của chị Phương, chị đang rất ân hận vì đã “trả con” và muốn đòi lại. Hai bà mẹ nhưng chỉ có một đứa trẻ, nếu họ kiện nhau ra Tòa, luật pháp có lẽ cũng rất khó “chia”!

Theo bác sĩ Quản Thanh Lâm – Khoa Công nghệ phôi, Học viện Quân y 103, y học xem vô sinh là một loại bệnh, nhưng bảo hiểm y tế lại không chi trả cho việc điều trị vô sinh bằng thụ tinh nhân tạo. Đây là một bất cập và đang gây khó khăn lớn cho những người không may mắc bệnh. Thực tế, việc làm thụ tinh nhân tạo khá tốn kém, và không phải làm một lần là “ăn ngay”, nên việc không được chi trả bảo hiểm khiến nhiều người kinh tế khó khăn không thể có cơ hội có được đứa con.

Vừa qua, Bộ Y tế cũng đã chính thức đề nghị Bảo hiểm xã hội nghiên cứu và bổ sung đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm vào danh mục kỹ thuật được bảo hiểm y tế chi trả. Đây là việc cần thiết, và nên làm nhanh để giúp những người hiếm muộn có cơ hội được làm cha, mẹ.
 
Theo PL&XH
Chia sẻ